Sau 21 năm hình thành và phát triển, cảng biển nước sâu Dung Quất (KKT Dung Quất) đã phát huy vai trò là cảng biển tổng hợp quốc gia Việt Nam, phục vụ hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, thiết bị xuất nhập khẩu từ nơi khác đến Dung Quất và ngược lại.
Trước yêu cầu phát triển mới, cảng Dung Quất đang tiếp tục được đưa vào khai thác với phương án tối ưu, phát huy tiềm năng, lợi thế, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực.
Vị trí đắc địa
Theo quy hoạch của Chính phủ, cảng Dung Quất là trọng điểm chiến lược phát triển kinh tế khu vực miền Trung. Cảng Dung Quất được đưa vào khai thác năm 2002. Đây là nơi xuất nhập khẩu vật tư, trang thiết bị và hàng hóa cho hầu hết các nhà đầu tư trong KKT Dung Quất cũng như các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Hằng năm, số lượng hàng hóa được bốc xếp thông qua cảng Dung Quất lên đến hàng triệu tấn, số lượng tàu cập cảng trung bình đạt 150 - 200 tàu/năm.
Cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất.
Cảng Dung Quất nằm ở vị trí trung điểm của miền Trung, được kết nối trực tiếp với các tuyến giao thông quan trọng, chiến lược như Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (sau này là cao tốc Bắc - Nam); tuyến đường Xuyên Á nối với Lào, Campuchia và Thái Lan. Trong tương lai, cảng Dung Quất còn nối với cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi... Điều này tạo ra lợi thế đặc biệt, là đầu mối giao thông hàng hóa tại KKT Dung Quất và các khu vực lân cận khác; không chỉ phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, mà còn tạo ra thế trận vững chắc về nhiều mặt của cả khu vực và đất nước.
Nâng tầm cảng biển quốc tế
Xét về lợi thế, cảng Dung Quất đang sở hữu vị trí rất thuận lợi, hội đủ điều kiện để phát triển theo hướng toàn diện, với khả năng đón nhiều tàu có tải trọng lớn. Cảng Dung Quất hiện có 8 bến cảng; trong đó, có 7 bến đã được đưa vào hoạt động, gồm 3 bến cảng tổng hợp (Hào Hưng, PTSC và Gemadept); 3 bến cảng chuyên dùng (Doosan và 2 cảng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất); 1 bến cảng của Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và đang xây dựng 1 bến cảng tổng hợp của Công ty CP Cảng Hòa Phát.
Hiện tại, tất cả các cảng tổng hợp đều có khả năng tiếp nhận tàu với tải trọng từ 50 - 70 nghìn DWT. Cảng cách đường hàng hải quốc tế 190km, cách đường hàng hải nội địa 30km cùng hệ thống cảng nước sâu mà không phải phụ thuộc vào thủy triều như nhiều cảng khác trong khu vực. Các cảng đi vào hoạt động đều có trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; đội ngũ công nhân, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao.
Theo quyết định phê duyệt mới đây của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045, sẽ phát triển KKT Dung Quất thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia. Lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng. Theo đó, quy hoạch hệ thống giao thông một cách đồng bộ, gồm cảng biển, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics, với tổng diện tích khoảng 608ha. Vì thế, chiến lược phát triển cảng biển Dung Quất sẽ tiếp tục được mở rộng, xứng tầm với cảng biển loại I quốc gia, đủ sức đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các DN trong KKT Dung Quất và khu vực.
Phát huy lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, năm 2019, Quảng Ngãi đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất, có khả năng tiếp nhận tàu khoảng 50 nghìn tấn. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, công suất 9 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu xuất nhập hàng hóa ngày càng tăng của DN tại KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, việc xây dựng cảng biển tổng hợp - container của Công ty CP Cảng Hòa Phát là một bước hiện thực hóa nâng tầm cảng biển Việt Nam, khai thác tối đa lợi thế cảng nước sâu Dung Quất, đáp ứng hàng hóa xuất nhập khẩu của các DN trong KKT, KCN tỉnh và các tỉnh lân cận.