Đây là khẳng định của các đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng đề án về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Vị trí xây dựng cảng Cần Giờ được đánh giá là thuận lợi hàng đầu trong ngành vận tải biển ở Việt Nam
Đại diện đơn vị tư vấn đã trả lời trước băn khoăn của nhiều người: vì sao chưa khai thác được hết công suất của cảng Cái Mép – Thị Vải thì lại xây thêm cảng Cần Giờ cách đó chỉ 1km?
“Không chồng lấn mà thúc đẩy cảng Cái Mép – Thị Vải”
Ông Phạm Anh Tuấn – tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển Portcoast (đơn vị tư vấn) nhấn mạnh cảng Cần Giờ sẽ không chồng lấn mà còn thúc đẩy cảng Cái Mép – Thị Vải.
Ông Tuấn phân tích, Cái Mép là cảng cửa ngõ, có chức năng Trung chuyển quốc tế nhưng hiện nay chỉ mới đang làm tốt chức năng cửa ngõ tức là phục vụ hàng hoá XNK của Việt Nam, lượng hàng trung chuyển chỉ khoảng 5% đến từ Campuchia theo đường thuỷ nội địa là chủ yếu.
Nhiều năm nay chưa có hãng tàu nào đề xuất đầu tư cảng trung chuyển tại Cái Mép. Trong khi cảng Cần Giờ do hãng tàu MSC đề xuất tập trung chủ yếu vào hàng trung chuyển quốc tế theo mạng lưới vận tải biển của hãng này.
Đề án của Sở Giao thông vận tải trình UBND TP.HCM cho thấy cảng Cần Giờ được đầu tư xây dựng với mục tiêu tạo một “hub port” – trung tâm trung chuyển cho các tàu mẹ (sức chở 18.000 – 24.000 TEU). Từ đó phân phối nguồn hàng đi khắp thế giới góp phần nâng cao vị thế cảng biển Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động trung chuyển giữa các trung tâm khác trên thế giới.
Theo đề án, nguồn hàng của cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng Cần Giờ hoàn toàn riêng biệt, thậm chí hai cảng có thể bổ trợ cho nhau tạo thành một hệ thống cảng biển cho toàn vùng.
“Chúng ta không nên nghĩ Cái Mép – Thị Vải của Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Giờ của TP.HCM mà nên nghĩ đây là 1 hub về hệ thống cảng 2 bên bờ sông Cái Mép – Thị Vải của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia. Nếu khai thác tốt, hệ thống này sẽ nhanh chóng tạo sức bật kinh tế biển rất lớn”, ông Tuấn nói.
Quá trình nghiên cứu lập đề án xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ đánh giá vị trí dự kiến xây dựng cảng ngay tại cửa sông Cái Mép là khu vực có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay. Từ đây có thể kết nối Biển Đông dễ dàng theo luồng Vũng Tàu – Thị Vải.
Với vị trị này, cảng Cần Giờ hấp dẫn nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Nam Trung Quốc và Philippines. Trong khi đó, so sánh về chi phí bốc xếp theo quy định hiện nay ở Việt Nam chỉ tương đương từ 40-60% so với chi phí bốc xếp ở Singapore.
Cảng Cần Giờ sẽ được đầu tư khai thác với công nghệ hiện đại nhất hiện nay
Hãng tàu vừa đầu tư, vừa cam kết nguồn hàng
Trước đây, nước ta từng nghiên cứu, đầu tư cảng trung chuyển tại Vân Phong nhưng chưa hoàn thành được do gặp khó về nguồn hàng. Vậy nguồn hàng của cảng Cần Giờ được đảm bảo đến đâu?
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Anh Tuấn cho biết TP.HCM đang có lợi thế lớn bởi nhà đầu tư cảng Cần Giờ là MSC, hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay, mong muốn đầu tư xây dựng cảng và cam kết sẽ điều nguồn hàng về đây.
Cụ thể, MSC có thể xây dựng/điều chỉnh các tuyến vận tải chính chuyên tuyến nội Á, Á – Âu, Á – Mỹ đi qua Cần Giờ để rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực tới trung chuyển tại Singapore hay Malaysia như hiện nay.
Khi MSC vừa là nhà đầu tư vừa là khách hàng, chúng ta có thể yên tâm về nguồn hàng của cảng Cần Giờ trong suốt thời gian hoạt động.
Dự kiến tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan khoảng 2km để đón tàu có trọng tải lớn lên đến 250.000 DWT (24.000 TEU)… Việc triển khai phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tạo nên đột phá trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Trên cơ sở đó thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại, tạo công ăn việc làm. Ở giai đoạn hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính 34.000 – 40.000 tỉ đồng/năm.
Cảng Cần Giờ nhận được sự ủng hộ lớn
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Cảng Sài Gòn trao thỏa thuận khung hợp tác với hãng tàu MSC trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistic
Hiện việc đầu tư “siêu cảng” Cần Giờ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Bộ Giao thông vận tải, chính quyền TP.HCM, chuyên gia…
Cuối năm 2021, trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp tại Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và công ty con Cảng Sài Gòn trao thỏa thuận khung hợp tác với hãng tàu MSC trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics.
Tại đây, tổ hợp các nhà đầu tư cũng đã báo cáo và đề xuất với Thủ tướng về việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Cần Giờ.
Đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ mà VIMC đang đề xuất đầu tư xây dựng. Đồng thời đề nghị VIMC tiến hành sớm các quy trình thủ tục, làm nhanh nhất có thể để sớm hiện thực hóa cảng Cần Giờ.
Báo Tuổi trẻ