Xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050. Để đạt được con số này, ngành sắn đang có 3 điểm yếu cần phải giải quyết. Đó là: xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; mất cân đối giữa chế biến và vùng trồng sắn nguyên liệu…
Mục tiêu và những thách thức trên được đặt ra tại Hội nghị: “Tổng kết 5 năm ngành sắn Việt Nam, giai đoạn 2018 – 2023 và Đại hội nhiệm kỳ III, giai đoạn 2023 – 2028” của Hiệp hội Sắn Việt Nam.
TRUNG QUỐC VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHÍNH
Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, cho biết cây sắn (khoai mì) là cây lương thực quan trọng thứ 3 của Việt Nam sau lúa, ngô (bắp). Tính đến nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm, tổng sản lượng trên 10 triệu tấn/năm. Cây sắn và ngành công nghiệp chế biến đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi, đóng góp không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, ổn định về kinh tế và xã hội.
Về tình hình tiêu thụ, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Thị trường này chiếm 89,9% về lượng (1,22 triệu tấn) và chiếm 88,47% về trị giá xuất khẩu (467,62 triệu USD).
"Từ năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc và Malaysia có xu hướng tăng mạnh nhưng không ổn định. Hơn nữa, việc phát triển thị trường mới còn chậm. Vì thế, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm sắn của Việt Nam".
Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam.
Ông Tiến cho biết thêm, trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành sắn Việt Nam phát triển nhanh. Kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về sắn, sau Thái Lan. Từ năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc và Malaysia có xu hướng tăng mạnh nhưng không ổn định. Hơn nữa, việc phát triển thị trường mới còn chậm. Vì thế, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm sắn của Việt Nam.
Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho biết những năm qua, diện tích trồng sắn của Tây Ninh liên tục tăng, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có gần 62.000 ha sắn; năng suất bình quân đạt trên 32 tấn/ha.
Đến nay, tỉnh Tây Ninh có 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất đạt hơn 4 triệu tấn sắn/năm. Trong đó có 18 công ty, doanh nghiệp có công suất chế biến tinh bột sắn từ 50 – 300 tấn bột/ngày và 47 cơ sở với công suất dưới 50 tấn bột/ngày. Hiện, thị trường xuất khẩu chính của các nhà máy chế biến sắn trên địa bàn tỉnh là Trung Quốc, chiếm 70%; Mỹ và châu Âu chiếm 8%; ở các nước châu Á khác 10%, còn lại tiêu thụ trong nước.
MẤT CÂN ĐỐI GIỮA CHẾ BIẾN VÀ NGUYÊN LIỆU
Mặc dù, diện tích trồng sắn đã tăng lên đáng kể, song theo ông Xuân, ngành sắn của Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế. Đó là: chưa có liên kết trong đầu tư thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân; chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút nguồn đầu tư ổn định, lâu dài. Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu sắn tại địa phương chưa đáp ứng tốt nhu cầu chế biến.
Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp chế biến chưa phát triển vùng nguyên liệu. Hiện tại, cả nước mới có một số ít các nhà máy đã và đang thực hiện việc đầu tư vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu 30-40% công suất của nhà máy.
Các doanh nghiệp chủ yếu áp dụng hình thức sản xuất đến đâu thu mua đến đó. Việc có nhiều cơ sở sản xuất cùng kinh doanh một mặt hàng trên cùng một thị trường dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh về giá thu mua nguyên liệu, nhất khi nguồn nguyên liệu giảm.
Đại hội Hiệp hội Sắn nhiệm kỳ III (2023-2028) đã bầu 22 thành viên Ban Chấp hành, trong đó 12 Ủy viên Thường vụ, 5 Phó Chủ tịch Hiệp hội. Thạc sĩ Nghiêm Minh Tiến tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam nhiệm kỳ mới.
Vì vậy, để cây sắn của Tây Ninh phát triển ổn định và bền vững, ông Xuân cho rằng cần tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng vùng sản xuất lớn. Đây là cơ sở để liên kết với các doanh nghiệp nhằm giảm các khâu trung gian, tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm. Trong những năm tới, sắn vẫn là cây công nghiệp truyền thống của tỉnh, là một trong những nguồn nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành công nghiệp, thực phẩm và sản xuất Ethanol phục vụ tạo ra xăng sinh học E5 RON 92 thay thế xăng khoáng RON 92 đang được sử dụng tại thị trường trong nước.
“Tây Ninh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển diện tích sản xuất khoảng 55.000 - 65.000 ha, nâng cao năng suất và hướng đến kiểm soát bệnh khảm lá bằng các giống sắn kháng khảm, cho năng suất cao. Đồng thời, sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ chế biến, đầu tư phát triển dây chuyền, đa dạng hóa sản phẩm sau tinh bột, tận dụng phụ phẩm sau chế biến, nâng cao giá trị cho chuỗi sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh”, ông Xuân nhấn mạnh.
Thời gian qua, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã có các buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk, Tây Ninh để đánh giá thực trạng vùng nguyên liệu sắn và quy mô sản xuất tinh bột sắn, nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, phát triển bền vững cây sắn ở các địa phương.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2023 phát hành ngày 10-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: