• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.240,41 -9,42/-0,75%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.240,41   -9,42/-0,75%  |   HNX-INDEX   224,62   -0,67/-0,30%  |   UPCOM-INDEX   92,44   0,00/0,00%  |   VN30   1.297,81   -11,37/-0,87%  |   HNX30   477,80   -4,33/-0,90%
04 Tháng Mười Hai 2024 3:58:56 CH - Mở cửa
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 17/7: PHR, HDB và POW
Nguồn tin: VietNam Finance | 17/07/2023 8:00:00 SA
VDSC dự phóng LNTT cho năm 2023 của HDB là 10.907 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ) và đưa ra khuyến nghị tích lũy cho HDB, giá mục tiêu là 21.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với PBR 1,2 và mức sinh lời 11% so với giá đóng cửa ngày 14/07/2023.
 
 
PHR: SSI khuyến nghị trung lập, giá mục tiêu 1 năm là 49.500 đồng/cổ phiếu
 
Năm 2023, công ty mẹ của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR)  đặt kế hoạch doanh thu là 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ), với lợi nhuận trước thuế là 549 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ). Lợi nhuận dự kiến giảm do thu nhập đền bù đất giảm xuống. Cổ tức dự kiến là 30% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức là 6%).
 
Sau khi nhận được khoản lợi nhuận lớn từ đền bù đất trong năm 2022, lợi nhuận của PHR dự kiến sẽ giảm trong năm 2023-2024, do: thiếu khoản thu nhập từ đền bù đất, quỹ đất cho thuê tại KCN Tân Bình 1 còn ít và diện tích cao su thanh lý dần cạn kiệt. 
 
Công ty chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PHR năm 2023-2024 lần lượt là 696 tỷ đồng (giảm 38% so với cùng kỳ) và 607 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ). Mặc dù KCN Nam Tân Uyên 3 và KCN VSIP 3 có thể mang lại lợi nhuận từ năm 2024, nhưng có thể không đủ để bù đắp khoản thu nhập giảm từ KCN Tân Bình 1 và từ việc thanh lý cây cao su và không có thu nhập bồi thường đất trong 2024. SSI cũng kỳ vọng lợi nhuận từ 2 KCN đó chỉ có thể hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận từ năm 2025 trở đi.
 
Đưa ra luận điểm đầu tư, SSI cho hay kể từ báo cáo khả quan từ ngày 3/11/2022, tỷ suất sinh lời của cổ phiếu PHR đạt 36% (bao gồm cả khoản cổ tức 40% trên mệnh giá) nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ đền bù đất trong quý IV/2022. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2023-2024, công ty chứng khoán này nhận thấy cổ phiếu thiếu đi yếu tố hỗ trợ cơ bản.
 
Theo đó, SSI đưa ra mức giá mục tiêu mới cho PHR là 49.500 đồng/cổ phiếu (từ mức 51.000 đồng). Với tổng mức sinh lời là 7% (bao gồm tỷ suất cổ tức 10%), SSI hạ khuyến nghị xuống trung lập.
 
Về ngắn hạn, SSI đánh giá rằng việc thiếu vắng khoản đền bù đất trong các quý còn lại của năm 2023 có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu PHR.
 
Tuy nhiên về dài hạn, SSI cho rằng nhu cầu về khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng. Với vị trí thuận lợi và quỹ đất lớn có thể sử dụng để phát triển KCN, mảng kinh doanh này sẽ giúp PHR thu được tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Chính phủ đang có kế hoạch xây dựng tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (dự kiến hoàn thành vào năm 2026) và đường Vành đai 4 (dự kiến hoàn thành vào năm 2030) sẽ tạo điều kiện lưu thông thuận tiện, từ đó thúc đẩy nhu cầu về KCN tại Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Do đó, PHR sẽ có thể được chuyển đổi từ một công ty cao su sang chủ đầu tư phát triển KCN trong dài hạn.
 
SSI kỳ vọng KCN Tân Lập (400 ha) và KCN Tân Bình 2 (1.055 ha) sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn, mặc dù thời gian cấp phép và tiến độ xây dựng hiện chưa rõ ràng. Theo ban lãnh đạo, KCN Tân Lập có thể đi vào hoạt động thương mại sớm nhất vào năm 2025.
 
HDB: VDSC khuyến nghị tích lũy, giá mục tiêu là 21.000 đồng/cổ phiếu
 
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) duy trì hiệu quả hoạt động trong hầu hết các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 19,7% so với cùng kỳ và thu nhập phí thuần tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động đã cho thấy tốc độ tăng trưởng đáng kể là 10,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngân hàng đã đồng thời tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ, dẫn đến LNTT tăng 8,5% so với cùng kỳ.
 
Với việc mức tăng lợi suất tài sản ở mức độ nhỏ hơn do độ trễ trong việc tái định, NIM trong quý I/2023 lùi lại về mức 5,1% sau đà tăng đều đặn 5,2% trong quý IV/2022, trên cơ sở hợp nhất. Cụ thể, NIM của ngân hàng mẹ giảm từ 4% trong quý IV/2022 xuống 3,9% và NIM của HDSaison cũng giảm từ 30,2% xuống 28,7%, tuy nhiên mức độ giảm nhìn chung khá khiêm tốn so với các ngân hàng khác.
 
Tỷ lệ nợ xấu cho vay khách hàng của HDB tăng lên 1,8%, ở mức cao trong vòng 5 năm.
 
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), HDB được kỳ vọng có thể cải thiện khả năng sinh lời. Với HDSaison là một trong những định chế lớn trong mảng cho vay tiêu dùng, thúc đẩy hệ sinh thái của ngân hàng và tạo lợi thế cho ngân hàng trong việc tiếp cận những khách hàng giai đoạn đầu, những người sau này sẽ phát triển lên tầng lớp thượng lưu khi nền kinh tế phát triển và trở thành khách hàng trung thành của ngân hàng mẹ.
 
Ngân hàng này có tỷ lệ NIM điều chỉnh theo rủi ro mạnh mẽ duy trì quanh 4% với chênh lệch lãi suất cho vay-tiền gửi phù hợp. Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng cũng được kiểm soát ở mức tốt, giảm áp lực lên chi phí tín dụng biên và NIM điều chỉnh theo rủi ro.
 
Công ty chứng khoán này kỳ vọng HDB sẽ tiếp tục nâng cao ROA khi ứng dụng công nghệ giúp cải thiện năng suất, qua đó giúp giảm CIR và thúc đẩy biên lợi nhuận ròng. Ngoài ra, việc hoàn tất thương vụ độc quyền qua kênh banca có thể giúp công ty ghi nhận môt khoản lợi nhuận đột biến trong thời gian tới.
 
VDSC cũng dự phóng LNTT cho năm 2023 của HDB là 10.907 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ). VDSC cũng đưa ra khuyến nghị tích lũy cho HDB, giá mục tiêu là 21.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với PBR 1,2 và mức sinh lời 11% so với giá đóng cửa ngày 14/07/2023.
 
POW: Yuanta khuyến nghị mua, giá mục tiêu là 16.724 đồng/cổ phiếu
 
Doanh thu quý II/2023 của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (HoSE: POW)  tăng 19,6% so với cùng kỳ, đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 4 năm qua nhờ sản lượng điện đạt 4,3 tỷ kWh, tăng 23,4% so với cùng kỳ (7,5% so với quý trước). Doanh thu sơ bộ 6 tháng đầu năm 2023 đạt 16.567 tỷ đồng (tăng 14,5% so với cùng kỳ).
 
POW chưa công bố lợi nhuận quý II/2023, nhưng Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng LNST của CĐCT mẹ (PATMI) quý II có thể tăng xấp xỉ 25% so với cùng kỳ lên 527 tỷ đồng nhờ doanh thu tăng và chi phí đầu vào giảm. Do đó, PATMI 6T2023 sẽ đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ nhưng hoàn thành gần 90% kế hoạch năm 2023E. POW đã ghi nhận khoản lãi bất thường 276 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022; nếu loại trừ, PATMI tăng trưởng xấp xỉ 25% so với cùng kỳ.
 
Năm 2023, POW đặt kế hoạch doanh thu 30,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản lượng điện đạt 15,6 tỷ kWh, tăng 10% so với cùng kỳ. POW đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 56% so với cùng kỳ xuống 1.118 tỷ đồng. Tuy nhiên, Yuanta cho rằng POW thường đặt ra kế hoạch kinh doanh thấp và sau đó vượt kế hoạch. Ví dụ, POW báo cáo LNST năm 2022 là 2.553 tỷ đồng, gấp 3,4 lần kế hoạch ban đầu.
 
Tại ĐHCĐ, BLĐ POW cho biết các vấn đề tại Vũng Áng có thể sẽ được giải quyết vào tháng 08. Theo tìm hiểu của Yuanta, tuabin bị sự cố hiện đang được chuyển đến Việt Nam và có thể được lắp đặt và sẵn sàng hoạt động vào quý IV/2023 nếu mọi việc suôn sẻ. Do tác động của El Nino có khả năng kéo dài đến quý I/2024, nên nhu cầu nhiệt điện có thể sẽ vẫn ở mức cao cho đến thời điểm trên.
 
Yuanta cho rằng động lực tăng trưởng trong dài hạn sẽ đến từ hai nhà máy nhiệt điện khí NT3 và NT4 sắp đi vào hoạt động với tổng công suất là 1500MW. POW đang xây dựng hai nhà máy nhiệt điện khí (LNG) với tổng công suất là 1500MW và tổng vốn đầu tư là 1,4 tỷ USD. Yuanta kỳ vọng POW sẽ đưa vào vận hành NT3 vào năm 2025 và NT4 vào năm 2026, qua đó nâng công suất thiết kế lên thêm 35%.
 
Yuanta cũng duy trì khuyến nghị mua đối với POW sau khi nâng khuyến nghị lên mua vào ngày 01/03. Giá mục tiêu là 16.724 đồng/cổ phiếu tương đương với EV/EBITDA 2024 là 6,5x, thấp hơn 8% so với trung vị ngành trong khu vực. Rủi ro chính đối với mô hình định giá của Yuanta là khả năng chậm trễ hơn nữa trong việc đưa nhà máy Vũng Áng hoạt động trở lại.