• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 2:49:37 SA - Mở cửa
Phát triển hàng hải xanh, bền vững
Nguồn tin: Vietnam+ | 02/07/2023 1:10:00 CH
Phát triển cảng biển, vận tải biển theo hướng thân thiện môi trường đang được các doanh nghiệp hướng đến nhằm thực hiện Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL).
 
 
Phát triển cảng biển, vận tải biển theo hướng thân thiện môi trường đang được các doanh nghiệp hướng đến nhằm thực hiện Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Công ước MARPOL). Song, theo nhận định của các chuyên gia, việc chuyển đổi năng lượng xanh không phải bài toán dễ giải với các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.
 
Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC cho biết, các đơn vị kinh doanh khai thác tàu biển thuộc VIMC quan tâm thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metal trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
 
“Đây vừa là lợi ích của VIMC vừa thể hiện trách nhiệm của ngành hàng hải Việt Nam trong thực hiện quy định của IMO và mục tiêu giảm phát thải khí metal của Chính phủ Việt Nam”, Chủ tịch VIMC chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo VIMC cũng thừa nhận, để thực hiện chiến lược này, các doanh nghiệp hàng hải; trong đó có VIMC cần vượt qua nhiều thách thức. Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng ban Vận tải biển VIMC chia sẻ, việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định mới của IMO như Phụ lục VI Công ước MARPOL quy định về nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5%; lắp đặt thiết bị kiểm soát nước dằn tàu BWM; quy định về chỉ số hiệu quả năng lượng với tàu hiện có (EEXI), chỉ thị cường độ carbon (CII)… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các chủ tàu nhỏ và các nước nhỏ.
 
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, việc sử dụng nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5% làm tăng 25 – 35% chi phí so với sử dụng nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh dưới 3,5%. Do đó, việc áp dụng các qui định này làm tăng chi phí rất lớn cho các chủ tàu nhỏ.
 
Đặc biệt, quy định về EEXI và CII có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cũng trở thành gánh nặng với các chủ tàu Việt Nam. Đại diện VIMC cho rằng, để đạt được chỉ số EEXI theo yêu cầu của IMO, hầu hết các tàu cũ đều phải giảm công suất máy chính, có tàu giảm đến 50% công suất dẫn đến phải giảm tốc độ tàu, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác và không tốt cho tình trạng kỹ thuật máy chính.
 
Nhiều tàu cũ cũng không đáp ứng được yêu cầu về CII, bắt buộc phải giảm công suất máy xuống rất thấp, tổn hại đến kỹ thuật máy và giảm sâu tốc độ tàu hoặc phải cho tàu dừng hoạt động.
 
Trong khi, để đạt được chỉ số CII trong 3 năm liên tiếp từ 2023 – 2026 và các năm tiếp theo, phải giảm phát thải CO2 ít nhất 2% ngoài việc trang bị thêm các thiết bị hoặc các chủ tàu phải thực hiện các biện pháp hoán cải lớn về kết cấu. Hoặc chủ tàu phải đầu tư tàu sử dụng loại nhiên liệu mới như LNG, Methanol…, các biện pháp này bất khả thi với các chủ tàu Việt Nam và nhiều chủ tàu nhỏ các nước khác trên thế giới.
 
“Việc đầu tư, trẻ hóa đội tàu đáp ứng các quy định trên có chi phí rất cao. Nếu không giải quyết hài hòa vấn đề áp dụng các quy định của Công ước và lộ trình khả thi trẻ hóa đội tàu thế giới, tiềm ẩn nguy cơ khủng khoảng năng lực vận tải trên toàn cầu”, ông Ánh nhận định và nói thêm, cần có những giải pháp để giảm thiểu tổn hại lớn trong tương lai gần với các chủ tàu nhỏ và các nước nhỏ trước nguy cơ dừng hoạt động và phá sản.
 
Từ những khó khăn, đại diện VIMC kiến nghị Tổ chức Hàng hải quốc tế - IMO nghiên cứu giải pháp gia hạn thời gian việc kiểm soát EEXI và CII cho từng khu vực khác nhau như các nước thuộc khối châu Á, các nước khu vực kinh tế kém phát triển để có điều kiện, lộ trình chuẩn bị nguồn lực tài chính thay thế dần các tàu không đáp ứng được yêu cầu.
 
Đồng thời, đề nghị IMO nghiên cứu các chính sách linh hoạt khi tàu hoạt động tại khu vực có môi trường nước tương đối tương đồng như trong cùng khu vực Đông Nam Á, khu vực Ấn Độ Dương… có thể xem xét không phải lắp đặt thiết bị kiểm soát nước dằn tàu BWM.
 
“Lộ trình kiểm soát khí thải từ vận tải biển cần có giải pháp toàn cầu cho các loại tàu khác nhau và cho các khu vực trên toàn thế giới”, ông Ánh nhấn mạnh và đề xuất IMO sẽ lắng nghe, tiếp nhận những tiếng nói của các chủ tàu nhỏ trong Tổ chức để có giải pháp phù hợp khi ban hành, thực thi các quy định của Công ước quốc tế.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết thêm, chuyển đổi năng lượng xanh không thể chỉ phụ thuộc vào năng lực, nội lực của từng doanh nghiệp mà cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành.
 
Vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, một trong những chính sách cụ thể và cần thiết để phát triển đội tàu là Chính phủ có cơ chế chính sách khuyến khích, miễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUS trở lên, tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG, hydro… đến hết năm 2030.
 
Đặc biệt, ông Nguyễn Mạnh Hà đề cao vai trò quan trọng của Chính phủ, các quỹ đầu tư, sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như IMO để đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ xanh và hỗ trợ nhiên liệu xanh, đặc biệt với các nhóm nhiên liệu còn có khối lượng thấp.
 
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang nhìn nhận, trong xu hướng hội nhập hiện nay, xu hướng công nghệ xanh đang trở thành xu thế phổ biến trong ngành vận tải biển. Việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, đem lại lợi ích cho môi trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hải.
 
Phát biểu tại buổi làm việc với VIMC diễn ra hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, ông Kitack Lim, Tổng Thư ký của Tổ chức Hàng hải quốc tế-IMO đánh giá cao những bước phát triển của VIMC trong lĩnh vực hàng hải trong 28 năm qua, góp phần trong việc nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương nói chung và tại IMO nói riêng.
 
Nhấn mạnh tiềm năng phát triển ngành hàng hải của Việt Nam là rất lớn, Tổng Thư ký IMO khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và VIMC trong việc nâng cao năng lực hàng hải và vai trò của Việt Nam trong tổ chức Hàng hải quốc tế.
 
Ông IMO Kitack Lim cho biết, ngành vận tải biển có liên quan chặt chẽ tới việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Bản thân IMO cũng phải nâng cao mục tiêu giảm lượng khí thải để bắt kịp xu hướng của cộng đồng quốc tế.
 
“Chúng tôi ghi nhận khó khăn của ngành hàng hải Việt Nam, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị vận tải, hãng tàu Việt Nam để thúc đẩy toàn diện các hoạt động liên quan đến hàng hải cũng như giảm phát thải môi trường. Mục tiêu giảm phát thải mà IMO đặt ra là tiến tới phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chúng ta phải cùng nỗ lực để đạt được mục tiêu, thực hiện từng bước và theo từng giai đoạn”, Tổng thư ký IMO chia sẻ.
 
Tổng thư ký IMO cũng đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đã có tầm nhìn để đạt được mục tiêu giảm phát thải, qua đó, bày tỏ niềm tin các chủ tàu, doanh nghiệp vận tải Việt Nam có thể thực hiện thành công công cuộc phát triển hàng hải xanh và bền vững dù còn nhiều khó khăn, thách thức./.