Tỉnh Bình Phước hiện có 366 công ty đang hoạt động tại các khu kinh tế, các cụm và khu công nghiệp, Đề án “Phát triển công nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao với nhiều ưu đãi về giải phóng mặt bằng, hạ tầng thiết yếu, thủ tục pháp lý và an ninh trật tự để các nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo ghi nhận, tỉnh Bình Phước hiện có 15 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 13 khu công nghiệp với diện tích 6.065ha, đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%. Theo quy hoạch tỉnh đã được các Bộ, ngành Trung ương thẩm định. Đến năm 2030, tổng diện tích đất khu công nghiệp của tỉnh Bình Phước vào khoảng 10.000ha; trong đó có Khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Phước hiện còn quỹ đất dồi dào, phần lớn là đất công tiện lợi cho việc xây dựng phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp. Tỉnh Bình Phước xác định, phát triển công nghiệp công nghệ cao là giải pháp quan trọng phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững. Với định hướng đó, Bình Phước xác định phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Từ đó, Bình Phước thực hiện chính sách “đi tắt, đón đầu” chọn lọc và tiếp nhận các làn sóng dịch chuyển đầu tư, phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao có hiệu quả tốt nhất, tỉnh Bình Phước đã ban hành Đề án “Phát triển công nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2025, Bình Phước sẽ từng bước hình thành một số cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh như sản xuất phần mềm, tích hợp hệ thống, sản xuất các thiết bị công nghệ thông tin... Đồng thời, thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến thuộc một số lĩnh vực vào hoạt động sản xuất công nghệ sinh học như: Ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường, bảo quản thực phẩm... và công nghệ vật liệu mới như ứng dụng vật liệu nano trong nông nghiệp, xử lý môi trường.
Đến năm 2030, phát triển ngành công nghệ thông tin trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Phước; ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong các ngành như nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, thực phẩm. Đồng thời, hình thành một số ngành thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế tạo và tự động hóa, điện tử, năng lượng, vật liệu mới...
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết, để đạt các mục tiêu nêu trên, Bình Phước ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, công nghệ hiện đại trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp chế tạo và tự động hóa, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cũng ưu tiên thu hút các viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn công nghệ… đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng bàn về lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cho biết, hiện có một số doanh nghiệp đã liên hệ để đầu tư vào lĩnh vực ép dầu vỏ hạt điều chế biến nhựa sinh học, chế biến viên nén gỗ nhiệt lượng cao từ công nghệ Đức; dệt nhuộm tiết kiệm nhiên liệu và các nhóm hàng về nước với công nghệ Italia. Đặc biệt là đang thu hút đầu tư sản xuất vỏ bánh xe cao su để tối ưu hóa nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên đang có sẵn tại tỉnh Bình Phước.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bình Phước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư doanh nghiệp công nghệ như chính sách về tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất… nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư FDI trong các lĩnh vực then chốt.