• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.239,26 -12,45/-0,99%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.239,26   -12,45/-0,99%  |   HNX-INDEX   230,84   -1,58/-0,68%  |   UPCOM-INDEX   92,57   -0,38/-0,41%  |   VN30   1.281,37   -12,93/-1,00%  |   HNX30   498,07   -6,06/-1,20%
17 Tháng Chín 2024 3:13:05 SA - Mở cửa
Sau gạo, lại lo ‘cơn sốt’ giá đường ập đến
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 28/08/2023 9:07:39 SA
Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường để đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước trong năm nay. Như vậy, sau mặt hàng gạo, nguồn cung ứng đường có thể đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu đường lần đầu tiên sau 7 năm.
 
Chia sẻ với VnBusiness, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, kiến nghị này được nêu ra trong bối cảnh mà các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm đã xảy ra thiếu nguyên liệu đường thô, nếu không nhập thêm thì đường lậu vào, cung – cầu thiếu sẽ dẫn tới tăng giá.
 
Nỗi lo thiếu đường, sốt giá
 
“Hệ quả tất yếu của thiếu đường thô có thể khiến dây chuyền sản xuất không được tận dụng hết công suất, sản lượng sản xuất thực phẩm bị suy giảm nghiêm trọng và kéo giá thành sản phẩm thực phẩm cũng từ đó tăng cao”, theo báo cáo của FFA.

 
Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường.
 
Theo FFA, ở thời điểm hiện tại, ngành lương thực thực phẩm của Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng đang đứng trước nhiều tác động tiêu cực. Xung đột chính trị kèm nhiều lý do vĩ mô khác đã đẩy giá lương thực, thực phẩm tại nhiều nước lên cao. Các nước sản xuất nông nghiệp lớn tại châu Á đã hạn chế xuất khẩu bằng nhiều hình thức với lý do bảo vệ người tiêu dùng nội địa. Một trong số những hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của làn sóng bảo hộ lương thực, thực phẩm là đường với các quyết định hạn chế xuất khẩu từ các cường quốc sản xuất đường trên thế giới như Ấn Độ, Brazil… dẫn đến mối lo ngại khủng hoảng nguồn cung đường.
 
FFA dẫn số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, ước tổng sản lượng đường sản xuất cả niên vụ 2022 - 2023 (tính từ tháng 12/2022 đến tháng 05/2023) chỉ đạt 871.000 tấn, trong đó tổng lượng đường RE sản xuất vụ 2022 - 2023 đạt 293.000 tấn, tổng lượng đường RS đạt 570.000 tấn, tổng lượng đường vàng đạt 8.000 tấn.
 
Trong khi đó, theo số liệu dự báo của USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ - tháng 11/2022) ước tính sản lượng tiêu thụ đường Việt Nam năm 2023 đạt 2,389 triệu tấn (bình quân gần 200.000 tấn/tháng).
 
“Vậy, như báo cáo ở trên, tổng sản lượng đường sản xuất trong nước của vụ 2022 - 2023 ước đạt khoảng 871.000 tấn, tức chỉ đáp ứng được 4 tháng nhu cầu tiêu dung trong năm 2023”, FFA cho biết.
 
Dự báo, sản lượng đường nhập khẩu chính ngạch trong năm 2023 dự kiến cũng chỉ đạt khoảng 319.070 tấn. Như vậy, tính tổng lượng đường sản xuất trong nước và lượng đường dự kiến nhập khẩu chính ngạch cũng xấp xỉ 1,19 triệu tấn đường. Con số này chỉ đáp ứng 50% mức nhu cầu tiêu thụ năm 2023 là 2,389 triệu tấn. Dựa vào các số liệu phân tích, FFA nhìn nhận trong năm 2023, Việt Nam cần phải nhập khẩu thêm gần 1.199.000 tấn đường thì mới đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
 
Trước tình hình trên, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đấu giá hạn ngạch thuế quan với số lượng 119.000 tấn đường theo cam kết WTO, FFA kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường để đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước.
 
“Con số này được đưa ra trên cơ sở lượng thiếu hụt là 1,199 triệu tấn trừ đi khoảng 600.000 tấn đường nhập khẩu bình quân theo đường không chính thức đến nay chưa kiểm soát được”, bà Lý Kim Chi cho biết.
 
Lý giải đề xuất trên, FFA cho biết, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã khiến cho lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan và 5 nước ASEAN giảm mạnh. Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung đường thô/đường nguyên liệu ngoài khu vực ASEAN có đủ điều kiện để nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi đặc biệt trên cơ sở nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan là Úc. Tuy nhiên, thời gian nhập khẩu đường từ Úc về Việt Nam phải mất đến 70 ngày. Thời gian nhập khẩu kéo dài khiến cho DN được phân giao hạn ngạch nhập khẩu cũng khó có thể đưa đường vào sản xuất kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đang tăng mạnh sau đại dịch.
 
“Trong trường hợp các nhà máy đường và DN sản xuất thực phẩm chấp nhận nhập khẩu đường mà không cần được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt trên cơ sở nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, nguồn cung đường hiện tại trên thế giới cũng rất khan hiếm do ảnh hưởng từ nhiền nguyên nhân như Ấn Độ đang hạn chế xuất khẩu đường dù có sản lượng dồi dào”, FFA nêu khó khăn.
 
Hai Bộ phải báo cáo cung – cầu đường trong tháng 8
 
Trước đề xuất của FFA, VnBusiness đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam về tình hình cung cầu hiện nay, nhất là khi có thông tin Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới. Theo đó, ông Lộc cho biết, thông tin trên không ảnh hưởng tới Việt Nam vì chúng ta không nhập khẩu đường từ Ấn Độ.
 
“Ngành đường Việt Nam khác ngành gạo, ngành đường thế giới cũng khác ngành gạo, một thời gian dài giá giao dịch đường dưới giá thành sản xuất, gần đây mới đưa về giá thành sản xuất. Hiện nay, giá đường Việt Nam ở mức hợp lý, nâng được giá mua mía cho người nông dân và người nông dân sống được nhờ trồng mía”, ông Lộc nói.
 
Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT về cung – cầu của ngành đường. Đồng thời, ông Lộc khẳng định về cơ bản, sản xuất trong nước vẫn đáp ứng, sản lượng năm nay vượt năm ngoái. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), do đó nếu thiếu có thể nhập khẩu từ các nước ASEAN.
 
Ông Lộc cũng thừa nhận, sau mấy năm bị “tàn sát” bởi đường nhập lậu, sản lượng đường trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.
 
Trong khi đó, để chứng minh đề xuất của mình, FFA đánh giá, hiện nay không có nhà máy sản xuất đường trong nước nào có thể cung ứng đường thô ra thị trường do chính bản thân các nhà máy này cũng bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Nguồn đường thô nhập khẩu chỉ được sử dụng để bù đắp lượng thiếu hụt giữa cung cầu trong nước, không chiếm lĩnh thị phần hay ép giá, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất đường trong nước cũng đang thiếu hụt nguồn cung đường thô.
 
“Việc nhập khẩu đường thô cũng sẽ không làm mất cơ hội, công ăn việc làm của người nông dân trồng mía mà còn giúp các nhà máy đường có đủ nguồn nguyên liệu tạo ra các sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã để phục vụ cho người tiêu dùng/khách hàng, tối ưu hóa hoạt động dây chuyền sản xuất trong khoảng thời gian thiếu hụt nguồn cung từ mía nguyên liệu”, FFA cho biết.
 
Xét đề nghị của FFA, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ: Công Thương, NN&PTNT theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu kiến nghị, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, các quy định pháp luật hiện hành các cam kết quốc tế, bảo đảm nguồn cung đường cho thị trường trong nước hài hòa lợi ích của người trồng mía, DN và người tiêu dùng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 8/2023.