• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
23 Tháng Mười Một 2024 4:56:52 CH - Mở cửa
'Miếng bánh' xuất khẩu Việt Nam có thể thu hẹp khi 'ông lớn' xây nhà máy ở Ấn Độ, Brazil
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 19/09/2023 8:45:07 SA

Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Thời gian gần đây, Bộ Công Thương liên tục có nhận định trên khi dự báo về khó khăn mà xuất khẩu (XK) phải đối mặt trong thời gian tới. Đơn hàng của nhiều ngành XK đã có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng liệu các doanh nghiệp (DN) Việt có giành được thị phần như trước đây sẽ là vấn đề đặt ra.

Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ

Theo Bộ Công Thương, lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất Việt Nam, trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức 48,7 điểm của tháng 7) cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động XK và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại...

'Miếng bánh' của một số ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may có thể thu hẹp khi các tập đoàn đa quốc gia xây dựng thêm nhiều nhà máy ở Ấn Độ, Mexico...

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nêu ra một khó khăn cần lưu ý là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường XK của Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam).

Bộ Công Thương cho biết, các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Xu hướng tái định vị nguồn cung, tức là ưu tiên dùng hàng nội khối trong bối cảnh thế giới có quá nhiều bất trắc như dịch bệnh, xung đột chính trị cũng được ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chỉ ra. Theo ông, một số đối tác Mỹ, EU cũng có ý định tìm kiếm nguồn cung trong nội khối của họ để thay thế sản phẩm Việt Nam.

Mặc dù vậy, ông Hoài vẫn bày tỏ sự tự tin của ngành gỗ về chất lượng, giá cả. “Nếu Mỹ, EU muốn tìm kiếm nguồn cung thay thế hàng Việt Nam cũng không dễ, như phân khúc đồ gỗ phục vụ đối tượng trung lưu: tủ bếp, phòng khách, bàn ăn”, ông nói.

Song về lâu dài, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng không khỏi lo lắng khi khủng hoảng kinh tế thế giới có thể chưa đi đến đáy. Do vậy, ngành gỗ xác định có thể còn gặp phải nhiều khó khăn. Chưa kể, điểm yếu của ngành gỗ chủ yếu là gia công theo mẫu mã nước ngoài, nên đôi khi làm nhiều mà hưởng không được bao nhiêu.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), hiện nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia XK lớn nhất thế giới về một số nhóm ngành hàng như là nước XK lớn thứ 2 về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 thế giới về gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Tuy vậy, sau thời kỳ phục hồi mạnh mẽ hậu COVID-19, nhóm ngành hàng thời trang và đồ gia dụng của Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi đơn hàng suy giảm. Cùng với đó, thời gian qua, các thị trường XK trọng điểm của nhóm ngành thời trang, đồ gia dụng của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước CPTPP ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn từ thị trường, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn… đặt ra nhiều những thách thức chưa từng có tiền lệ cho DN XK trong nước.

Tiêu chuẩn khắt khe, cạnh tranh ngày càng gay gắt

Mới đây nhất, thị trường EU đã đưa ra chính sách sử dụng sản phẩm tái chế đối với sản phẩm dệt may và tăng tốc thực thi chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững đề ra từ năm 2022 khiến DN Việt Nam đứng trước sức ép buộc phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để giữ đơn hàng và thị phần.

Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.

Hay vào cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021.

Để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp lấy lại đà tăng trưởng cho các ngành hàng thế mạnh kể trên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ khuyến nghị, việc chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu và xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Bên cạnh đó, với đặc thù là ngành hàng đòi hỏi phải liên tục thay đổi mẫu mã, phù hợp với xu thế, thị hiếu thị trường, do vậy doanh nghiệp trong lĩnh vực cần luôn chủ động, có chiến lược rõ ràng và cập nhật xu hướng thời trang thường xuyên tại các thị trường XK.

Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, Đức có khoảng cách địa lý xa Việt Nam nên chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa XK sang thị trường này cao dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần Đức như một số nước Nam Mỹ, Bắc Phi.

Mức độ cạnh tranh tại thị trường Đức hiện tương đối cao. Tính đến nay, EU đã có tổng cộng 42 FTA đã có hiệu lực với 79 đối tác, và dành cơ chế ưu đãi GSP cho 67 nước đang và kém phát triển. Ngoài ra, hàng hóa XK của Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc – quốc gia XK nhiều nhất sang Đức.

Thương vụ Việt Nam tại Đức lưu ý về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA… Trên thực tế nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một thách thức không nhỏ đối với DN Việt để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA.


Ông Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Bộ Công Thương

Từ nay đến cuối năm 2023, dù XK có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới cũng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Ông Lê Tiến Trường

Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối mặt với thách thức khi Trung Quốc mở cửa trở lại, DN dệt may của quốc gia này có quy mô sản xuất đứng top 1 thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh với quốc gia này. Bên cạnh việc Trung Quốc mở cửa trở lại, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu cũng đang thể hiện rõ bởi thời gian giao hàng nhanh. Ngoài các yếu tố trên, chi phí tiền lương hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam vẫn cao hơn so với các đối thủ như Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ.

Bà Trần Thu Quỳnh

Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada

Canada hiện là top 5 nước tiêu dùng nhiều giày dép nhất trên thế giới, xu thế này sẽ còn tiếp diễn, đảm bảo cho thị trường Canada tăng trưởng ổn định và có khả năng dự báo. Tuy nhiên, để tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK da giày Việt Nam vào Canada bền vững và để mở rộng thị phần các DN Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. Phân tích đối thủ cạnh tranh trên thị trường Canada cùng phân khúc như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh... cho thấy Việt Nam khá yếu về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành.


Nhật Linh