Trong bối cảnh lãi suất giảm, ngân hàng vẫn thừa tiền đòi hỏi nhiều giải pháp tổng thể nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn, đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế
Tình trạng thừa tiền trong hệ thống ngân hàng (NH) liên tục được lãnh đạo NH Nhà nước đề cập tại những cuộc họp gần đây, khi tính tới hết tháng 8-2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới chỉ đạt 5,33% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ tăng tới 9,87%). Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, xung quanh các giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
* Phóng viên: Từ nay tới cuối năm, dự kiến hệ thống NH còn khoảng 9% tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng nhưng việc cho vay doanh nghiệp và người dân được nhận định là không dễ, vì sao thưa ông?
TS Cấn Văn Lực
- TS Cấn Văn Lực: Đang có những khó khăn, vướng mắc chính khiến vốn tín dụng chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Cụ thể là vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh dù được quan tâm cải thiện, tháo gỡ dần, khâu thực thi vẫn chậm và yếu. Đây là thách thức, bất cập lớn nhất, cũng là nguyên nhân chính làm suy giảm niềm tin.
Đối với kênh tín dụng thì dư nợ tín dụng tăng 5,33% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2018 - 2022. Tăng trưởng tín dụng thấp ở hầu hết lĩnh vực (trừ xây dựng) do bối cảnh chung rủi ro, thách thức hơn, nợ xấu gia tăng khiến các tổ chức tài chính trên thế giới và cả Việt Nam trở nên thận trọng hơn. Khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn do năng lực tài chính suy giảm, giá trị tài sản bảo đảm - nhất là bất động sản - bị giảm.
Một lý do khác khiến việc cho vay doanh nghiệp và cá nhân không dễ là năng lực hấp thụ vốn, nhu cầu vay vốn của cả doanh nghiệp và hộ gia đình ở mức thấp (do thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị thu hẹp…). Một số lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp… lâu nay dựa nhiều vào vốn ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp đang suy giảm, dẫn đến nhu cầu tín dụng của những lĩnh vực này cũng giảm theo.
* Ông đánh giá thế nào về việc thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có NH Nhà nước, đưa ra nhiều quyết sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn?
- Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Đối với chính sách tài khóa, nổi bật là chính sách miễn, giảm, giãn tiền thuế, phí và tiền thuê đất năm 2023 với tổng quy mô gần 200.000 tỉ đồng, tương ứng với số giảm thu ngân sách thực tế hơn 82.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó là chính sách thúc đẩy đầu tư công với tổng quy mô (cả chuyển tiếp từ năm trước) lên đến gần 800.000 tỉ đồng, tăng 30% so với năm ngoái, tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng.
Đối với chính sách tiền tệ, NH Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đến nay, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1%-2% so với đầu năm.
NH Nhà nước cũng đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NH thương mại năm 2023 với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Tình trạng "cạn room" như năm 2022 không còn tiếp diễn.
Có điều, như đã nói, tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng và nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh lãi suất giảm, thừa tiền, ngân hàng lại gặp khó cho vay, bơm vốn ra thị trườngẢnh: TẤN THẠNH
* Vậy làm cách nào để chữa bệnh "thừa tiền" của ngành NH, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế?
- Để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần ưu tiên thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2023; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu, thanh khoản ngân hàng… nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Cần rút ngắn độ trễ chính sách để tác động nhanh, hiệu quả hơn. Đẩy nhanh cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Các NH thương mại xem xét linh hoạt hơn (không hạ chuẩn) điều kiện tín dụng như là một giải pháp tăng khả năng tiếp cận.
Với chính sách tài khóa, cần đẩy nhanh hơn tiến độ thực thi hoàn thuế GTGT, các chính sách giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT.
Cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng, tình hình doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác vướng mắc; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Những vụ việc vi phạm về chứng khoán, bất động sản cũng cần sớm được giải quyết dứt điểm để củng cố niềm tin.
* Bản thân doanh nghiệp cũng cần giảm lệ thuộc vào vốn tín dụng, đa dạng các nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh?
- Đúng vậy. Đa dạng hóa nguồn vốn, tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng, quan tâm hơn đến cả phương thức thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng... là xu thế tất yếu mà doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị.
Doanh nghiệp cũng cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch thông tin (theo đúng kế hoạch, hồ sơ phát hành trái phiếu hoặc vay vốn). Đồng thời phải giải quyết đúng các cam kết trả nợ (chấp nhận bán tài sản, nếu cần), chủ động có phương án, giải pháp cụ thể đối với trái phiếu đáo hạn còn lại trong năm 2023 và 2024; xây dựng lộ trình niêm yết, áp dụng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp phù hợp.
Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước:
Đề xuất 4 giải pháp cần thiết
Để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, NH Nhà nước đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Các nhóm giải pháp này là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
TS NGUYỄN HỮU HUÂN, Trường Đại học Kinh tế TP HCM:
Lường định rủi ro để khơi thông nguồn vốn
Các chính sách hiện nay đang tập trung về phía cung, tức là giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng vấn đề lại nằm ở phía cầu của nền kinh tế còn khá yếu, khi người dân vẫn trong trạng thái "thắt lưng buộc bụng", không mạnh dạn vay vốn để tiêu dùng, trong khi doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn nên không có nhu cầu vay vốn hoặc không đủ điều kiện vay vốn NH. Chưa kể thị trường bất động sản đóng băng dẫn đến việc các NH thương mại thay đổi về định giá tài sản thế chấp, khiến lượng tiền doanh nghiệp có thể vay giảm đi.
Dưới góc độ NH, việc cân nhắc xét duyệt các khoản vay hiện nay là phù hợp với tiêu chuẩn về quản lý rủi ro. Nếu như quá dễ dãi với các khoản vay thì NH sẽ đối mặt với rủi ro nợ xấu trong tương lai. Ngược lại, nếu quá dò xét trong việc cho vay cũng dẫn tới câu chuyện khó đưa vốn ra nền kinh tế. Để giải quyết bài toán này, NH Nhà nước cần phát đi thông điệp chấp thuận tăng một mức độ rủi ro nhất định cho hệ thống, khi đó dòng vốn mới có thể bơm ra cho các doanh nghiệp.
Ông NGUYỄN HƯNG, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank):
Đồng hành vượt khó với khách hàng
Từ giữa tháng 8-2023 đến nay, TPBank đã chủ động hạ lãi suất cho vay cơ sở bằng VNĐ lần thứ 8 liên tiếp, nâng tổng mức giảm lên 1,5 - 2,25 điểm %, áp dụng với tất cả khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Hàng loạt khoản vay mới và cũ tại TPBank đều được giảm lãi suất, gia hạn...
Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành với khách hàng vượt khó với các chương trình hỗ trợ vay vốn, hạ lãi suất cho vay thiết thực và kịp thời. Bởi một khi lãi suất vay dễ chịu hơn, các quyết định đầu tư sẽ vững tâm hơn, từ đó tình hình sản xuất - kinh doanh nói riêng sẽ có tín hiệu khởi sắc và thị trường nói chung sẽ sôi động trở lại.
Linh Anh - Thy Thơ ghi
THÁI PHƯƠNG thực hiện