Bang Saxony của Đức đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn TSMC, một tên tuổi khổng lồ của Đài Loan (Trung Quốc) trong lĩnh vực bán dẫn, để đào tạo sinh viên Đức.
Theo hãng tin AFP, bang Saxony của Đức đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn TSMC, một tên tuổi khổng lồ của Đài Loan (Trung Quốc) trong lĩnh vực bán dẫn, để đào tạo sinh viên Đức trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực trong ngành này.
Sự thiếu hụt công nhân lành nghề, bao gồm cả lĩnh vực chip quan trọng, đã nổi lên như một thách thức lớn đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khi một lượng lớn nhân viên đến tuổi nghỉ hưu.
Tập đoàn TSMC cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận được ký giữa TSMC, Saxony và Đại học Công nghệ Dresden (TU Dresden) “được thiết kế đặc biệt để đào tạo sinh viên STEM của Đức về nghề nghiệp trong ngành bán dẫn”.
Khoảng 100 sinh viên đạt thành tích cao từ bang này sẽ đến Đài Loan (Trung Quốc) tham gia chương trình trao đổi kéo dài 6 tháng và “hợp tác với các trường đại học hàng đầu tại dây”. Theo TSMC, những sinh viên đầu tiên dự kiến vào tháng 2/2024.
Lora Ho, phó chủ tịch nhân sự cấp cao của TSMC, cho biết nghiên cứu thị trường đã cho thấy nhu cầu về hơn một triệu công nhân lành nghề trong ngành công nghiệp chip. Lora Ho nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chuẩn bị trước cho tình trạng thiếu nhân lực lành nghề có thể sắp xảy ra và tăng cường giáo dục bán dẫn là cách quan trọng nhất để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực kỹ thuật lành nghề trên toàn cầu”.
Tháng trước, TSMC - nơi kiểm soát hơn một nửa sản lượng chip của thế giới - đã thông báo việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip mới trị giá 3,8 tỷ USD ở thành phố Dresden của bang Saxony. Việc xây dựng cơ sở Dresden của TSMC, nơi tập trung vào chip ô tô, dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới và bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2027. Dự kiến, nhà máy sẽ tạo ra khoảng 2.000 việc làm công nghệ cao trực tiếp.
Hoạt động sản xuất của TSMC đã mở rộng ra ngoài Đài Loan (Trung Quốc) khi các cường quốc phương Tây lo ngại về việc ngành công nghiệp chip – rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu hiện đại – tập trung vào hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Bắc Kinh đã tăng cường áp lực chính trị và quân sự lên hòn đảo này trong những năm gần đây, làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu./.