Gần đây, kết quả kinh doanh của FPT Retail (FRT) và Thế giới Di động (MWG) đều chung cảnh ngộ “bi đát”. Điều đáng nói, trong khi hạ tỷ lệ sở hữu tại Thế giới Di động thì mới đây, quỹ ngoại Dragon Capital lại mua thêm cổ phiếu để tăng sở hữu tại FPT Retail.
Cụ thể, ngày 14/9 vừa qua, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua thêm 175.200 cổ phiếu FRT để nâng sở hữu từ 7,91%, lên 8,04% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện mua vào là Hanoi Investments Holdings Limited.
Trước đó, ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra 979.600 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 8,01% về 7,94% vốn điều lệ, mặc dù cổ phiếu ghi nhận diễn biến tích cực.
Nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua thêm 175.200 cổ phiếu FRT. (Ảnh: Int)
Nhìn về kết quả kinh doanh, 2 “ông lớn” ngành bán lẻ này đều “khá buồn” khi ghi nhận sự giảm sút do ảnh hưởng từ sức mua sụt giảm cũng như áp lực cạnh tranh gay gắt.
Trong 6 quý gần nhất, lãi ròng của Thế giới Di động đều sụt giảm so với quý trước. Gần nhất, trong quý II/2023, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 29,465 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, biên lãi gộp lại tiếp tục bị thu hẹp xuống chỉ còn 18,5%. Sau khi trừ các chi phí, Tập đoàn lãi ròng vỏn vẹn 17 tỷ đồng trong quý II, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2014.
Được biết, Thế giới Di động đã đề ra nhiều kế hoạch nhằm “cứu vãn” tình hình kinh doanh khởi sắc trở lại nhưng theo ý kiến nhiều chuyên gia, nửa cuối năm 2023, thị trường chưa thực sự vượt qua khó khăn do sức mua yếu vẫn duy trì, nền kinh tế chưa thực sự hồi phục như kỳ vọng. Cho nên, bức tranh tài chính cuối năm của Thế giới Di động rất có thể sẽ khó có thể cải thiện như kỳ vọng.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 114 nghìn tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1,5 nghìn tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ.
Còn tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2023, FPT Retail ghi nhận lợi nhuận âm 212,68 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 216,13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang mang về nguồn lợi nhuận lớn cho FPT Retail, nhất là trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu nhưng thuốc vẫn là một trong những mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng nhiều.
Theo đó, chủ trương của FPT Retail vẫn là mở rộng hệ thống nhà thuốc này và hiện tại vẫn tăng tốc mở rộng chuỗi hệ thống này.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống Long Châu đã mở mới 306 nhà thuốc, trong đó có 187 nhà thuốc mới mở trong quý II, nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên 1.243 nhà thuốc, hoàn thành 77% kế hoạch mở mới năm 2023. Nhờ đó, tổng tài sản của FPT Long Châu tăng 53% sau 1 năm, đạt gần 4.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023.
Theo FPT Retail, cửa hàng thuốc Long Châu sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định so với các đối thủ như danh mục sản phẩm đa dạng, lượng khách đến cửa hàng cao và nguồn cung ứng trực tiếp nhiều hơn nên mang lại mức giá cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành.
Điều này giúp chuỗi cửa hàng thuốc giành được thị phần từ cửa hàng thuốc truyền thống nhanh hơn so với các chuỗi thương mại hiện đại khác (An Khang và Pharmacity). Long Châu cũng có thể giành được một phần thị phần từ nhà thuốc bệnh viện, khi chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu tạo ra 25 - 30% doanh thu từ thuốc kê đơn.
Được biết, trong 5 năm tới, công ty đặt mục tiêu có 3.000 cửa hàng Long Châu (so với 1.243 cửa hàng tính đến cuối quý II/2023).
Ban lãnh đạo FPT Retail cho biết, việc tăng tốc mở mới các nhà thuốc ảnh hưởng đến lợi nhuận trước mắt do chi phí nhưng sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho công ty trong tương lai. Công ty đặt mục tiêu các cửa hàng thuốc mở mới sau 6 tháng bắt buộc phải có lãi.
Châu Giang