Xuất khẩu điều đang có sự tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, việc nhập khẩu điều về chế biến xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng không kém.
Xuất khẩu điều đang có sự tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, việc nhập khẩu điều về chế biến xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng không kém. Ngành hàng điều kỳ vọng xuất khẩu cuối năm sẽ giúp ngành “lội ngược dòng”.
Số liệu từ Hiệp hội Điều Việt Nam cho thấy, tháng 8 xuất khẩu điều nhân đạt gần 64.000 tấn với giá trị đạt gần 343,4 triệu USD, tăng trên 38% về lượng và gần 32% về giá trị. Mức tăng trưởng rất cao nhưng vẫn thấp hơn tháng 2/2023 (gần 39%).
Như vậy, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu điều đạt gần 400.000 tấn với giá trị 2,256 tỷ USD, tăng gần 16% về lượng và gần 13% về giá trị.
Thị trường xuất khẩu điều chính của Việt Nam là Mỹ chiếm trên 21% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc với trên 95%...
Tuy xuất khẩu điều tăng trưởng khá nhưng nhập khẩu điều còn tăng mạnh hơn. Về nhập khẩu, tháng 8 nhập khẩu điều thô đạt 367.281 tấn với giá trị đạt 370,4 triệu USD, tăng trên 87% về lượng và trên 48% về giá trị. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những tháng gần đây nhưng vẫn thấp hơn tháng 2/2023 (gần 88%).
Qua 8 tháng, nhập khẩu điều thô cũng đạt gần 2,18 triệu tấn, tăng trên 34%, với giá trị trên 2,56 tỷ USD, tăng gần 14%.
Thị trường nhập khẩu điều thô chủ yếu từ Bờ Biển Ngà (trên 28,4%), Campuchia (gần 28%)…
So với kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của Hiệp hội Điều Việt Nam thì lượng nhập khẩu điều thô trên đã vượt trên 21%.
Đó còn chưa kể lượng điều nhân được nhập khẩu. Qua 8 tháng, Việt Nam cũng nhập khẩu trên 69.300 tấn điều nhân, tăng 35,7%, với giá trị gần 391,5 triệu USD.
Tỷ trọng điều thô nhập khẩu đang chiếm trên 88%, còn điều nhân gần 12%.
Nói về những con số trên, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, việc nhập khẩu điều tăng mạnh vừa qua thường là nhập khẩu nguyên liệu cho cả năm với vòng quay sản xuất từ 1 - 1,5 năm. Do điều có mùa vụ nên doanh nghiệp phải nhập khẩu điều về sẵn để chế biến.
Bên canh đó, việc nhập khẩu tăng, một phần do sản lượng trong nước hạn chế. Cây điều ngày càng bị cạnh tranh mạnh bởi các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, cà phê…
Khi nguồn cung trong nước thấp, doanh nghiệp phải đi nhập khẩu từ châu Phi, Campuchia…
Theo ông Đặng Hoàng Giang, việc nhập khẩu nhiều điều thô chưa hẳn đã xấu. Bởi, Việt Nam có công nghệ chế biến tốt, làm được sản phẩm giá trị gia tăng. Qua đó tạo được việc làm cho người lao động.
“Nhập khẩu điều thô không phải là vấn đề lớn, nhưng với điều nhân thì đây là sản phẩm nước ngoài đã chế biến. Khi nhập khẩu điều nhân sẽ tạo ra ít giá trị cho ngành điều, ngược lại tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường”, ông Giang cho hay.
Ông Đặng Hoàng Giang cho biết, trước đây ngành điều có tính chất chu kỳ như cao điểm xuất khẩu thường quý III và quý IV. Thị trường Mỹ và EU thường mua mạnh trong quý III và nửa đầu quý IV. Với khu vực Đông Bắc Á, châu Á sẽ kéo dài đến đầu quý I năm sau.
“Từ sau dịch COVID-19, xung đột ở một số nước… yếu tố chu kỳ cũng chỉ mang tính chất tham khảo”, ông Giang đánh giá.
Tuy nhiên, cuối năm người tiêu dùng thường sẽ chi tiêu dùng nhiều hơn dù kinh tế có khó khăn. Do đó, ngành hàng điều kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng mạnh hơn nữa vào những tháng cuối năm, Hiệp hội Điều Việt Nam cho hay./.