• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 9:50:03 CH - Mở cửa
Bao giờ doanh nghiệp Việt lấy lại lợi thế giá rẻ để không mất đơn hàng?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 21/09/2023 8:48:42 SA

Nhìn vào tình hình mất đơn hàng thời gian qua của dệt may hay đồ gỗ nội thất để thấy một trong những nguyên do là vì khả năng cạnh tranh về giá còn hạn chế. Dẫu biết không dựa hẳn trên lợi thế chi phí thấp để cạnh tranh, nhưng nhìn một cách căn cơ thì việc làm sao để giảm chi phí, tránh phụ thuộc nguyên liệu nhập sẽ phần nào lấy lại lợi thế giá rẻ, để giúp cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh tốt hơn trước các đối thủ ngoại đang nhăm nhe xâm chiếm thị phần.

Trong buổi gặp gỡ vào trung tuần tháng 9/2023 với lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Avaneesh Gupta – Phó Chủ tịch Cấp cao, Mua bán Tổng hợp & Thu mua hàng may mặc Walmart (Mỹ), có đặt ra câu hỏi về những thuận lợi và thách thức đối với Vinatex trong 3-5 năm tới.

Khi nhà thu mua muốn mức giá phù hợp

Xét về thách thức, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, có trả lời rằng điểm yếu lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) dệt may Việt Nam đó là khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm. Tuy nhiên, các DN thành viên của Vinatex được đối tác đánh giá cao ở chất lượng và độ hoàn thiện của sản phẩm, tính linh hoạt trong đáp ứng yêu cầu đơn hàng cả về mặt chất lượng, chủng loại, mẫu mã lẫn số lượng.

Khi tiếp xúc với các nhà cung cấp của Việt Nam, lãnh đạo của Walmart (bên trái) có lưu ý là họ luôn thành công trong việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp với mức giá phù hợp cho khách hàng. 

Còn trong một diễn đàn về kinh tế diễn ra mới đây, ông Trường cho biết có hai vấn đề với ngành dệt may hiện nay là giá và thuế quan. 

Vị chủ tịch Vinatex đưa ra so sánh dệt may Việt Nam đều đạt các tiêu chí về chất lượng, thời gian giao hàng, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững, thế nhưng tăng trưởng hàng dệt may của Bangladesh vẫn tốt hơn Việt Nam do họ có lợi thế giá tốt nhất thế giới và được ưu đãi thuế quan vào châu Âu. Ngành dệt may Bangladesh duy trì được tăng trưởng nhờ lợi thế giá rẻ nhất thị trường trong bối cảnh cầu thấp.

Từ lời than phiền của một nhà sản xuất dệt may hàng đầu Việt Nam như trên để thấy ngoài yếu tố chất lượng, phát triển bền vững thì việc tìm lại lợi thế giá rẻ vẫn là mối bận tâm lớn cho các DN Việt Nam nhằm tăng thêm sức cạnh tranh khi đưa hàng hóa vào các chuỗi phân phối ở nước ngoài.

Chẳng hạn như việc các DN Việt muốn đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối của Walmart cũng cần phải hiểu rằng nhà bán lẻ này vốn nổi tiếng là thương hiệu chuyên bán hàng với giá rẻ và có phương châm “bán những sản phẩm tốt nhất với giá thấp nhất có thể”.

Khi chia sẻ với các nhà cung cấp của Việt Nam tại một số cuộc tiếp xúc, gặp gỡ ở Tp.HCM mới đây, ông Avaneesh Gupta nhấn mạnh đến vấn đề là Walmart luôn thành công trong việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp với mức giá phù hợp cho khách hàng. 

“Một phần của điều đó có nghĩa là phải luôn có tư duy – luôn tìm kiếm những nhà cung cấp tốt nhất để đáp ứng mục tiêu đó”, vị Phó chủ tịch của Walmart bộc bạch.

Trước mong muốn được mua hàng hóa với mức giá phù hợp của một nhà bán lẻ toàn cầu như vậy đang đòi hỏi các nhà cung cấp Việt phải giải cho được “bài toán” giảm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, để từ đó khi muốn bán vào chuỗi phân phối ngoại sẽ có mức giá cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác.

Đơn cử như ở ngành đồ gỗ nội thất. Vấn đề chi phí vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của mặt hàng này. Ngoài những tác động khách quan từ lạm phát và khủng hoảng kinh tế làm suy giảm đơn hàng từ các quốc gia lớn thì có thể thấy các DN Việt ở lĩnh vực này rất dễ bị rớt ra khỏi đường đua XK vì yếu cạnh tranh về giá bán. 

Phải giải cho được “bài toán” giảm chi phí

Nhìn vào các đối thủ lớn về XK đồ gỗ trong khu vực như như Indonesia, Thái Lan và Malaysia sẽ thấy họ có chi phí lao động và chi phí sản xuất thấp hơn so với Việt Nam. Cho nên các sản phẩm gỗ từ những quốc gia này có lợi thế cạnh tranh hơn Việt Nam về chi phí sản phẩm.

Gần đây, trong Báo cáo chiến lược XK quốc gia Việt nam với ngành đồ gỗ nội thất do Bộ Công Thương thực hiện cho thấy chi phí vận chuyển cao giữa Bắc và Nam làm giảm khả năng cạnh tranh của gỗ nội địa/gỗ FSC so với nguồn gỗ nhập khẩu.

Hơn nữa, do chất lượng gỗ thấp, kích thước gỗ nhỏ nên chỉ có 30-40% nguyên liệu trong nước được sử dụng trực tiếp để chế biến sản phẩm. Điều này đã làm tăng sự phụ thuộc vào gỗ nhập khẩu lên tới 80%. Và việc phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu đã tự đặt DN vào tình thế bấp bênh khi khi phải chứng minh tính bền vững, hợp pháp của nguồn cung gỗ trong quá trình XK và vừa phải chịu áp lực mỗi khi giá nguyên liệu gỗ tăng cao.

Không chỉ vậy, các DN ngành đồ gỗ và nội thất của Việt Nam còn phụ thuộc vào nhập khẩu các nguyên phụ liệu như sơn, hóa chất, keo, chất kết dính, ốc vít…Nguồn nhập khẩu chính các nguyên liệu này là Trung Quốc (70%) và EU, và chỉ 10% được cung cấp từ nguồn trong nước. Việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (trên 90%) là do các ngành sản xuất phụ liệu tại Việt Nam chưa phát triển, cũng làm cho giá thành sản xuất tăng lên khi giá nguyên liệu tăng cao.

Hay với ngành dệt may. Những dữ liệu cho thấy Việt Nam XK tới 90% sản phẩm may mặc, nhưng nhập khẩu gần như 100% bông và 40% xơ polyester. Tình trạng tương tự cũng có thể thấy ở các bộ phận kéo sợi và dệt vải. Việt Nam XK 80-90% sợi sản xuất, nhưng vẫn phải nhập khẩu khoảng 60% nhu cầu trong nước.

Việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến hệ lụy là giá thành sản phẩm dệt may của các DN trong nước tăng, gây khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài vấn đề phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập làm tăng giá thành thì các DN trong nước còn đối mặt nhiều khoản tăng chi phí khác như giá điện, nhiên liệu, chi phí logistics, thuế, phí, lãi suất, chi phí nhân công…

Còn theo lưu ý của ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rào cản về chi phí kinh doanh cao khiến cho Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. DN không đầu tư mới, tình trạng các DN phải cắt giảm lao động tăng lên.

Nói chung, nhìn vào thực tế với những DN đã mất đơn hàng XK vào tay đối thủ vì thiếu đi lợi thế cạnh tranh giá rẻ để thấy đó là một điểm yếu cần khắc phục. Dẫu biết không ít ý kiến cho rằng các DN không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp để cạnh tranh XK, nhưng nếu nhìn một cách căn cơ sẽ thấy một khi kéo giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập nhằm lấy lại được lợi thế giá rẻ thì việc cạnh tranh của DN Việt sẽ càng tốt hơn trước các đối thủ ngoại đang nhăm nhe xâm chiếm thị phần.

Thế Vinh

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức