Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.
Một trong những nhiệm vụ được nêu ra là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân.
"Tín dụng đen" - vấn đề nhức nhối
“Tín dụng đen” đang là vấn đề xã hội nhức nhối với nhiều hệ lụy đối với trật tự, trị an. Bộ Công an cho biết, trong 3 năm qua đã có 2.740 vụ với 4.941 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” bị phát hiện, 1.575 vụ với 3.399 bị can đã bị khởi tố điều tra. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 lực lượng công an đã phát hiện, xử lý hơn 700 vụ, 1.200 đối tượng, khởi tố trên 400 vụ và 800 bị can.
Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản.
“Tín dụng đen” được hiểu là hình thức tín dụng phi chính thức, không đăng ký hoạt động và không chịu sự giám sát của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào.
“Tín dụng đen” hiện nay có những cách lách luật tinh vi như cho vay tiền nhưng người cho vay và người vay ký hợp đồng giả cách dưới dạng mua bán bất động sản, ô tô, xe máy… với lãi suất lên đến 300%/năm, thậm chí cao hơn.
Các tổ chức, cá nhân làm “tín dụng đen” sử dụng tiền của bản thân hoặc của bên cung ứng vốn để cấp cho những người có nhu cầu. Họ có thể không hiểu biết hoặc vì tham lợi nhuận mà sẵn sàng vi phạm pháp luật.
Bên đi vay “tín dụng đen” có thể là các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân cần tiền gấp để xử lý các vấn đề trước mắt, nhưng cũng có thể là các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp.
Mặc dù đưa ra mức lãi suất cắt cổ, bị pháp luật nghiêm cấm và áp dụng các biện pháp thu hồi nợ xấu rất tàn bạo, các tổ chức “tín dụng đen” vẫn "đắt khách" nhờ khả năng tiếp cận dễ dàng, thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, linh hoạt về thời điểm, số tiền, kỳ hạn...
“Tín dụng đen” nhắm đến các các đối tượng chính là lao động nghèo, những người có nhu cầu cấp bách về tiền vốn nhưng không có khả năng tự lực, buộc phải tìm đến “tín dụng đen” mà không nghĩ tới hậu quả, hoặc có nghĩ tới nhưng bất chấp.
Các kênh tín dụng chính thức và “tín dụng đen” có mối quan hệ đối nghịch nhau dù cả hai đều đáp ứng nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân. Tín dụng chính thức huy động vốn và cho vay một cách công khai, minh bạch, còn “tín dụng đen” tồn tại không thông qua hệ thống tín dụng chính thức. Khi khách hàng khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng chính thức thì họ tìm đến kênh không chính thức. Nếu tín dụng chính thức phát triển thì “tín dụng đen” sẽ bị thu hẹp.
Tăng cường tiếp cận tín dụng chính thức
Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.
Từ đó đến nay, theo Hiệp hội Ngân hàng, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội. Các tổ chức tín dụng, tài chính vi mô, Quỹ Tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, các công ty tài chính tiêu dùng đã mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư. Điều này góp phần tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lao động ở các khu công nghiệp, những người có thu nhập thấp.
Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tài chính, tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp…
Mạng lưới ngân hàng được mở rộng nhằm gia tăng sự tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngày 4/10/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp đó, ngày 11/3/2003, Ngân hàng Chính sách xã hội chính thức hoạt động để cấp vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngân hàng Chính sách xã hội đang áp dụng phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Đó là việc xây dựng, quản lý 168.464 Tổ Tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Hoạt động giao dịch tại 10.438 Điểm Giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nền nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã”.
Đến ngày 31/7/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325 nghìn tỷ đồng.
Một chính sách nhân văn nữa và có tác dụng kiềm chế “tín dụng đen” là việc cấp vốn cho người vừa chấp hành xong án phạt tù.
Ngày 17/08/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/người; để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm là 100 triệu đồng/người. Thời hạn đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm khá dài – tối đa là 120 tháng. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Phát triển tín dụng vi mô
Để hạn chế “tín dụng đen”, một số chuyên gia tài chính đề xuất biện pháp khả thi là phát triển sâu rộng tín dụng vi mô trên cơ sở tổ chức lại hoạt động họ/hụi/phường tại các địa phương.
Họ (cách gọi ở miền Bắc), hụi (ở miền Nam), biêu/phường (ở miền Trung) là một hình thức tín dụng phi chính thức đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam. Nếu được hợp thức hóa và quản lý tốt thì đây có thể là biện pháp căn cơ nhất để đẩy lùi nạn “tín dụng đen” vì loại hình tín dụng vi mô này thích hợp với người nghèo, người có thu nhập thấp, đặc biệt là ở nông thôn.
Theo Tiến sỹ Bùi Diệu Anh (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh), để đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, cần phát triển tín dụng vi mô trên cơ sở hợp thức hóa các hoạt động họ/hụi/phường đang tồn tại ở các địa phương. Cơ sở pháp lý cho đề xuất này là do pháp luật đã công nhận sự tồn tại hợp pháp của họ/hụi/phường trong Bộ luật Dân sự và Nghị định số 144/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, để áp dụng trong thực tiễn, cần cụ thể hóa các điều luật này bằng các văn bản dưới luật thông qua việc chính thức cho phép họ/hụi/phường đăng ký hoạt động tại địa bàn cụ thể theo các quy định của pháp luật.
Đồng thời, để dễ dàng kiểm soát thì các đường dây họ/hụi/phường nên được tổ chức thành các vệ tinh/đại lý của tổ chức tài chính vi mô địa phương. Làm như vậy một mặt tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô tận dụng mạng lưới khách hàng sẵn có, giải quyết bài toán hạn hẹp về nguồn quỹ hoạt động, mặt khác đưa các hoạt động họ/hụi/phường đang tồn tại ở địa phương vào khuôn khổ, tránh các biến tướng xấu như trong thời gian qua.
Cần tăng cường tuyên truyền cho người dân đang tham gia vào các đường dây này hiểu rằng, Nhà nước công nhận sự tồn tại hợp pháp của họ/hụi/phường nhưng mọi người phải tuân thủ quy định pháp luật, để tránh rủi ro, tự bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Bên cạnh đó, cần vận động các chủ hụi tự nguyện tham gia với vai trò thành viên hoặc cộng tác viên cho tổ chức tài chính vi mô địa phương. Tổ chức tài chính vi mô địa phương cần nghiên cứu kỹ các hình thức tổ chức họ/hụi/phường được quy định trong Nghị định 144/2006/NĐ-CP, kết hợp với tìm hiểu cách thức tổ chức các loại họ/hụi/phường trong thực tế địa phương để vận dụng cho thích hợp. Trong đó, cần quan tâm đến mức lãi suất vì đây là yếu tố chính thu hút người dân tham gia.
Ngaynay.vn