Singapore và Malaysia đều đang củng cố chiến lược giữ vị thế quan trọng trong các tuyến trung chuyển quốc tế bằng cách chạy đua triển khai các dự án siêu cảng. Trong khi các tuyến vận tải quá cảnh của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều khó khăn về quy trình, chính sách, làm tăng chi phí và giảm lợi thế cạnh tranh.
Siêu cảng logistics của liên danh T&T Group - YCH hợp tác với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
Vấn đề trên được nêu từ báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tập hợp các nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các tuyến vận tải quá cảnh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực bị giảm lợi thế cạnh tranh vì thủ tục hành chính.
Với lợi thế tự nhiên sẵn có như vậy cùng nhiều hạ tầng quan trọng đã đầu tư, Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á xét về số tuyến vận tải quốc tế, sau Malaysia và Singapore và đang tiếp tục có nhiều đề án quan trọng để tận dụng lợi thế, phát huy tối đa vai trò của Việt Nam trong các chuỗi thương mại toàn cầu.
Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng quá cảnh, lưu lượng hàng hóa quá cảnh năm 2022 thông qua tuyến đường vận tải đường bộ từ biên giới phía Bắc qua lãnh thổ Việt Nam để sang Lào, Campuchia và ngược lại ước tính khoảng 200 nghìn TEUs3, thông qua tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia hơn 400 nghìn TEUs4.
Nguồn thu ngân sách từ các khoản phí chính thức (phí kết cấu hạ tầng, bến bãi, phí thủ tục hải quan, phí cẩu hàng/bốc xếp - chưa bao gồm các khoản phí phát sinh) ước tính hơn 1,2 nghìn tỷ đồng (trung bình hơn 3 triệu đồng/TEU đối với tuyến vận tải đường bộ và gần 1,5 triệu đồng/TEU đối với tuyến vận tải thủy). Tốc độ tăng trưởng trung bình của hàng hóa quá cảnh thông qua 02 tuyến vận tải này là 20%/năm.
Trong bối cảnh đó, cả Singapore và Malaysia đều đang củng cố chiến lược giữ vị thế quan trọng trong các tuyến trung chuyển quốc tế bằng cách chạy đua triển khai các dự án siêu cảng, các quốc gia khác trong khu vực không có nhiều lợi thế tự nhiên như Campuchia và Thái Lan cũng đang có những dự án với tham vọng “bẻ hướng” các tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Tuy nhiên, thời gian qua, theo phản ánh của các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng quá cảnh, vẫn còn một số tồn tại liên quan đến quy trình, chính sách dẫn đến làm tăng chi phí, thời gian, giảm lợi thế cạnh tranh của các tuyến vận tải quá cảnh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Trong đó, những bất cập kể đến như: Yêu cầu doanh nghiệp khai báo đầy đủ mã số hàng hóa quá cảnh theo như quy định khai báo với hàng trong Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam; Thời gian làm việc tại một số cửa khẩu theo giờ hành chính không đáp ứng được yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Kiểm tra hàng hóa quá cảnh khi thông quan bằng phương pháp thủ công vẫn chiếm tỷ lệ lớn, thời gian kiểm tra kéo dài; Tiến hành kiểm tra thực tế bằng phương pháp thủ công tại cửa khẩu xuất đi thay vì cửa khẩu nhập vào Việt Nam và xử phạt hành chính doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh (bản chất là hoạt động xuất khẩu dịch vụ logistics) vì những lỗi vi phạm về hàng hóa (bản chất không phải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam) thuộc về chủ hàng nước ngoài...
Để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy phát triển logistics theo đúng định hướng quốc gia, các doanh nghiệp và Hiệp hội Logistic đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính, cơ quan hải quan nghiên cứu các giải pháp: Tiếp nhận thông tin khai báo mã số hàng hóa quá cảnh theo thông lệ quốc tế hoặc khai báo chung là “hàng quá cảnh” để phân biệt với hàng hóa xuất, nhập khẩu khác thay vì áp dụng theo quy trình hiện có cho hàng nhập khẩu vào trong nước; Xây dựng cơ chế phù hợp để bố trí nhân lực, thời gian làm việc tại các cửa khẩu đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, hướng tới tiếp nhận và xử lý thủ tục 24/7; Kiểm tra thực tế hàng hóa trong thời gian làm thủ tục thông quan tuân thủ tỷ lệ rủi ro hoặc chỉ khi có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm, hạn chế kiểm tra thủ công, tiến tới áp dụng soi chiếu đối với công tác kiểm hóa hàng hóa quá cảnh...
Ngoài nhóm kiến nghị của doanh nghiệp quá cảnh, doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng lĩnh vực công nghệ thông tin cũng phản ánh về vướng mắc liên quan tới việc “một mặt hàng, hai cơ quan quản lý” và các quy định hiện hành chưa rõ dẫn tới quá trình thực thi quản lý gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sớm có các quy định chi tiết, hoặc các tài liệu kiến giải được pháp lý hóa để tháo gỡ khó khăn này.
Thy Lê