Thị trường chứng khoán cuối năm tích cực hơn khi dòng tiền đang quan tâm nhiều tới nhóm vốn hóa lớn. Các chuyên gia kỳ vọng dòng tiền mạnh hơn để nhóm vốn hóa lớn đủ sức dẫn dắt thị trường chinh phục những mốc cao hơn nữa.
Sau quãng thời gian “ngủ quên” kéo dài, nhường sân khấu lại cho nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, gần đây nhóm vốn hóa lớn đột ngột “tỉnh giấc”, bật tăng mạnh mẽ và đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong các phiên tăng điểm.
Trở lại vai trò dẫn dắt xu hướng
Chẳng hạn, trong phiên 28/12, mặc dù chưa thể vượt qua mốc 1.130 điểm, song chỉ số VN-Index vẫn tăng điểm với động lực khá tốt từ nhóm VN30 với sắc xanh lấn lướt khi số mã tăng giá nhiều gấp 6 lần số mã giảm giá.
Sau quãng thời gian “ngủ quên” kéo dài, nhóm vốn hóa lớn gần đây tăng mạnh trở lại.
Đáng chú ý nhất, cổ phiếu VHM (Vinhomes) sau phiên bùng nổ về giao dịch thỏa thuận tiếp tục hút lực cầu khá mạnh, với khoảng 13 triệu cổ phiếu được sang tay, trở thành động lực chính của thị trường, đóng góp gần 2 điểm cho chỉ số chính. Theo sau VHM là VIC (Vingroup), SSB (Ngân hàng Đông Nam Á), VPB (VPBank), VNM (Vinamilk), TCB (Techcombank)…
Trong phiên 27/12, nhóm cổ phiếu VN30 cũng giao dịch tích cực hơn, chỉ số VN30-Index tăng điểm nhẹ sau khi khối ngoại mua ròng nhẹ trở lại.
Hay như phiên 20/12, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đóng vai trò giữ nhịp và giúp chỉ số quay trở lại mốc 1.100 điểm đã đánh mất trước đó.
Ngược thời gian, trong hơn một tháng gần nhất, thị trường lình xình quanh mốc 1.100 điểm dù nhiều thông tin tích cực được đưa ra. Trong đó, các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn liên tục trở thành “tội đồ” của thị trường và là tác nhân chính kìm hãm đà tăng.
Nhìn rộng hơn từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình tăng trưởng vượt trội so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi mức tăng trưởng của các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn lũy kế cả năm chỉ đạt hơn 2% thì mức tăng trưởng trung bình của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ lên đến 15-20%. Thậm chí có những thời điểm chỉ số VN30-Index còn thấp hơn cả chỉ số VN-Index, cho thấy sự đuối sức của các bluechip.
Điều này thể hiện ở việc hầu hết trong những phiên giảm điểm mạnh, sự hoảng loạn của nhiều nhà đầu tư đều được kích hoạt từ diễn biến bán tháo ở nhóm cổ phiếu lớn, như phiên 25/9, 26/10, 30/10, 10/11…
Tuy nhiên, trong phiên 28/12 vừa qua, lần đầu tiên chỉ số VN-Index và VN30 bằng điểm nhau, cho thấy sức mạnh của nhóm vốn hóa lớn đang trở lại, “cầm trịch” cả thị trường chung. Dù rằng vẫn cần thêm nhiều phiên nữa để khẳng định sự trở lại của những “gã khổng lồ” trên thị trường, song tín hiệu tích cực là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang vận động rõ ràng hơn và dẫn dắt xu hướng.
“Thị trường đang diễn ra sự phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu, và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng tăng ngắn hạn sẽ ngày càng rõ ràng hơn”, nhóm phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nhìn nhận.
Chờ dòng tiền “thắp lửa”
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sự phân hóa tiếp tục được ghi nhận với 2 nhóm ngành thu hút lực cầu tốt là bất động sản và ngân hàng, cho thấy nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là sự lựa chọn an toàn đối với các nhà đầu tư.
Thực tế, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn sau đà tăng nóng trước đó, nên có thể ít biến động trong thời gian tới.
Mặt khác, động thái giảm bán ròng trong những phiên gần đây của khối ngoại mang tới kỳ vọng cho nhóm vốn hóa lớn có lực để tăng mạnh. Bởi dòng vốn ngoại thường tập trung mua các mã cổ phiếu đầu ngành trong nhóm vốn hóa lớn.
Chưa kể, thị trường vẫn có một điểm sáng đến từ Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF. Thống kê cho thấy quỹ này đã hút ròng liên tục trong 8 phiên gần nhất, từ ngày 13 - 22/12/2023, khi phát hành tổng cộng 35 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng khoảng 12,5 triệu USD (khoảng 306 tỷ đồng) và toàn bộ đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.
Trong quãng hút ròng trở lại, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã mua ròng thêm toàn bộ cổ phiếu trong danh mục, trong đó tập trung mua ròng hơn 10 triệu cổ phiếu VND (VnDirect), gần 6,2 triệu cổ phiếu SHB (Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội), 327.000 cổ phiếu HPG (Hòa Phát)… Hiện, HPG là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ này với 10,78%, xếp tiếp theo lần lượt là VNM (9,13%), VCB của Vietcombank (8,6%), VHM (8,58%), VIC (8,4%)…
Tính chung từ đầu năm 2023 tới nay, tổng giá trị dòng vốn vào Fubon FTSE Vietnam ETF khoảng 68,4 triệu USD (khoảng 1.700 tỷ đồng). Tại cuối ngày 22/12/2023, quy mô Fubon FTSE Vietnam ETF đạt khoảng 818 triệu USD, tương đương 19.830 tỷ đồng, tiếp tục là quỹ ETF có quy mô lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, việc lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm mạnh vào cuối năm được đánh giá thêm một lần nữa sẽ trở thành câu chuyện kỳ vọng cho khả năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm 2024, dù còn nhiều nghi ngại về sức cầu tiêu dùng và đầu tư.
“Mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024”, theo VCBS.
Nhóm phân tích của VCBS dự báo mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm, nhưng khả năng xen kẽ nhịp điều chỉnh mạnh, trong bối cảnh thị trường chịu tác động từ cả yếu tố hỗ trợ tích cực lẫn những tác động tiêu cực từ các rủi ro kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang hiện hữu.
“Diễn biến chung trên thị trường trong trung hạn nhiều khả năng sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen đi cùng sự phân hóa mang tính “tách tốp” ở các ngành giữa các doanh nghiệp đầu ngành với triển vọng kinh doanh ổn định và sức chịu đựng tốt hơn so với phần còn lại trong ngành đó”, VCBS nhận định.
Hải Giang