Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu ngân hàng và blue-chips nói chung đang tạo gánh nặng cho các chỉ số, nhưng thị trường vẫn sôi động ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Lực đẩy với chỉ số ở nhóm này không nhiều, nhưng phù hợp với các giao dịch trung bình tới nhỏ của số đông nhà đầu tư...
Các cổ phiếu có thanh khoản tốt và tăng giá hầu hết chỉ tập trung trong nhóm vốn hóa trung bình tới nhỏ.
Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu ngân hàng và blue-chips nói chung đang tạo gánh nặng cho các chỉ số, nhưng thị trường vẫn sôi động ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Lực đẩy với chỉ số ở nhóm này không nhiều, nhưng phù hợp với các giao dịch trung bình tới nhỏ của số đông nhà đầu tư.
Dòng tiền sụt giảm đáng kể ở nhóm blue-chips trong đó có ngân hàng, đang là rào cản chính cho cơ hội tăng điểm của chỉ số. VN-Index sáng nay có hai nhịp tăng lên cao nhất cũng không quá +0,15% và chốt phiên chỉ tăng 0,02%. Thanh khoản trong rổ VN30 ghi nhận sụt giảm tới 15% so với sáng hôm qua và Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường chỉ có duy nhất VHM là tăng 0,36%, VPB, VNM tham chiếu, còn lại toàn giảm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị rút dòng tiền với thanh khoản lao dốc đáng kể. Tổng nhóm ngân hàng trong rổ VN30 sáng nay giảm giao dịch 26% so với sáng hôm qua và toàn bộ nhóm này trên HoSE giảm 17%. Cùng với đó là diễn biến giá cổ phiếu rất yếu, hiện chỉ có 10/27 mã là tăng, blue-chips duy nhất có HDB tăng 1,4%, ACB tăng 0,19%, STB tăng 0,16%, TPB tăng 0,83%. VCB, BID, TCB là 3 trụ ngân hàng yếu nhất và khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất: VCB giảm 0,99%, BID giảm 0,41% và TCB giảm 0,71%.
VN30-Index chốt phiên sáng nay tăng 0,02% với 10 mã tăng/14 mã giảm. Nhóm dẫn dắt được đặt lên vai các cổ phiếu tầm trung, nổi bật là BCM tăng 2,9%, GVR tăng 2,44%, POW tăng 1,32%, MSN tăng 1,22% và HDB tăng 1,4%. Không mã nào trong nhóm này lọt vào top 15 vốn hóa của VN-Index.
Dòng tiền hạn chế trên bình diện chung nhưng vẫn xuất hiện khá nhiều cổ phiếu xuất sắc. Nổi bật sáng nay là nhóm Midcap với PC1 bất ngờ lập kỷ lục lịch sử về thanh khoản với gần 14,23 triệu cổ sang tay trị giá hơn 422 tỷ đồng. So với các blue-chips có truyền thống thanh khoản lớn hay các cổ phiếu ngân hàng thời đỉnh cao, giao dịch này chưa phải là lớn. Dù vậy chỉ riêng PC1 đã chiếm hơn 4% tổng thanh khoản toàn sàn HoSE là rất cao. Khối ngoại cũng mua ròng 61,8 tỷ đồng ở PC1. Midcap còn có OCB tăng 3,05% với 78,3 tỷ, PAN tăng 2,36% với 42,1 tỷ, PVD tăng 1,63% với 109,3 tỷ…
Tính chung toàn sàn HoSE, có 56 mã tăng trên 1% và tổng thanh khoản nhóm này chiếm gần 27% mức khớp của sàn. DRC, PTV2, VPG, IJC, PHR, VSC là các mã khác tăng trên 2% với thanh khoản khá tốt.
Mặc dù chưa có tín hiệu rõ nét về sự dịch chuyển dòng tiền sang các cổ phiếu vừa và nhỏ và diễn biến tăng cũng không đại diện cho nhóm ngành nhưng khả năng duy trì “nhiệt” trong giao dịch hiện chỉ còn ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Cơ hội tăng giá ở các mã này thuận lợi hơn vì thường thanh khoản thấp xa so với blue-chips. Mặt khác, đa phần nhà đầu tư cá nhân lựa chọn các mã này nên tâm lý vẫn còn tích cực, chừng nào còn sự phân hóa.
Hiện tại VN-Index đang rất khó để quay lại biên độ tăng mạnh như trước do thiếu nhóm cổ phiếu tạo lực kéo. Điểm may mắn là các mã lớn cũng chưa khiến chỉ số quay đầu một cách rõ rệt, dù là giảm thì biên độ cũng nhỏ. Đây là cơ hội tốt giữ tâm lý chung ổn định, tạo điều kiện để dòng tiền nhỏ hoạt động mạnh hơn trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Dù vậy về mặt kỹ thuật, VN-Index đang có những tín hiệu khá bất lợi vì nhịp phục hồi 2 phiên trước đã không được gia tốc thêm. Chỉ số đã đạt đỉnh ngắn hạn tuần trước và lùi lại, sau đó hồi lên trong 2 phiên liền trước. Diễn biến này chủ yếu dựa vào khả năng trụ giá của nhóm vốn hóa lớn, nhất là các mã ngân hàng. Nếu dòng tiền tiếp tục thoát ra và lực đỡ giảm đi, điểm số mất nhiều hơn sẽ bắt đầu tác động đến tâm lý chung.
Kim Phong