• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
01 Tháng Mười Hai 2024 12:46:51 SA - Mở cửa
Ông lớn đua rót tiền, thị trường bán lẻ dậy sóng
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 31/01/2024 9:10:34 SA

Cuộc đua mở rộng của hàng loạt trung tâm thương mại, đại siêu thị, đứng sau là những ông lớn có tiềm lực tài chính hùng mạnh, đang khiến thị trường mặt bằng bán lẻ “chia năm xẻ bảy”, sóng gió nổi lên đòi hỏi sự thay đổi để giành thế thượng phong.

Thaco đang được đánh giá là một trong những đại gia hàng đầu tích cực nhất trong cuộc đua tranh giành thị phần mặt bằng bán lẻ, khi liên tiếp đưa vào vận hành các trung tâm thương mại và đại siêu thị tầm cỡ. Sau khi tung “bom tấn” Emart thứ 3 tại TP.HCM, ông lớn này dự kiến tiến ra Hà Nội.

Đại gia nhập cuộc đua

Cụ thể, Đại Quang Minh - công ty con của Thaco - đã được chấp thuận thực hiện dự án trung tâm thương mại dịch vụ và mua sắm trong Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).

Trước đó, cách đây hơn 1 năm, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết tập đoàn kỳ vọng trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 Việt Nam, với chuỗi 20 siêu thị Emart và doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2026.

Thị trường bán lẻ hiện đại đang dậy sóng với sự góp mặt của hàng loạt đại gia trong và ngoài nước.

Lý giải mục tiêu này, ông Dương tiết lộ doanh thu năm 2021 của siêu thị Emart từng đạt 1.600 tỷ đồng, lập kỷ lục ở nhiều khía cạnh. Do vậy với con số 20 siêu thị, việc đưa doanh thu lên mốc 32.000 tỷ đồng không phải xa vời và mục tiêu 1 tỷ USD, tương đương 23.500 tỷ đồng là có cơ sở.

Tuy nhiên, với 3 siêu thị Emart hiện tại, Thaco vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ “sừng sỏ” cả trong và ngoài nước, để đạt mục tiêu.

Một trong những đối thủ hàng đầu của Thaco là Lotte. Không chỉ còn tập trung vào số lượng, các đại siêu thị như Lotte Mall West Lake đang chạy đua về cả chất lượng dịch vụ lẫn quy mô.

Đầu tư vào Việt Nam từ năm 1996, hiện tập đoàn đã có 19 công ty thành viên. Việc chi tới 600 triệu USD xây dựng Lotte Mall West Lake cho thấy tập đoàn Hàn Quốc không giấu giếm tham vọng thâu tóm thị phần đại siêu thị tại phía Bắc và cả nước.

Thị trường nổi sóng lớn

Cùng với Lotte, Aeon Mall cũng là đối thủ đáng gờm trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Hiện tại, Aeon đã có 6 đại siêu thị quy mô lớn trên toàn quốc cùng hàng loạt chuỗi siêu thị quy mô nhỏ, trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị tinh gọn và cửa hàng chuyên doanh.

Hồi tháng 5/2023, ông Akio Yoshida - Chủ tịch điều hành Tập đoàn Aeon - nhấn mạnh Aeon vẫn khao khát phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại thị trường Việt Nam.

Không chỉ nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, người Thái cũng đang ráo riết mở rộng quy mô các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Hiện Central Retail vận hành hơn 340 cửa hàng bán lẻ trên 40 tỉnh thành tại Việt Nam. Ngoài ra còn có hơn 200 cửa hàng bán lẻ phi thực phẩm và 39 TTTM GO! Malls.

Trong giai đoạn năm 2023-2027, tập đoàn có kế hoạch đầu tư thêm 50 tỷ baht (34.000 tỷ đồng) để tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Nhắc đến bán lẻ, không thể quên chuỗi trung tâm thương mại Vincom của Vincom Retail, nếu nhìn vào số lượng, vẫn duy trì vị trí tốp đầu thị trường. Với 83 chi nhánh phủ khắp 44 tỉnh thành.

Đánh giá về thị trường bán lẻ năm 2024, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2024.

Trước đó, 2023 là một năm đầy sóng gió đối với thị trường bán lẻ. Nhiều trung tâm thương mại đã buộc phải đóng cửa do vắng khách thuê. Sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân và xu hướng thương mại điện tử đang ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến thị trường này.

Theo bà Hằng, đến thời điểm hiện nay, nhiều trung tâm thương mại vẫn chưa tái cấu trúc xong, chưa thành công trong việc thu hút khách thuê trở lại. Tại nhiều tòa nhà, phần diện tích bán lẻ đã buộc phải chuyển đổi bớt sang thành văn phòng cho thuê vì vắng khách.

Thực trạng này đã được thể hiện rất rõ ở số liệu về tình hình hoạt động của ngành bán lẻ. Trong khi nguồn cung tăng nhờ sự ra nhập thị trường của các tòa nhà mới thì tỷ lệ lấp đầy lại duy trì trạng thái đi ngang.

Trong khi đó, theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương Mại, Savills Hà Nội, trong quý IV/2023, nguồn cung mặt bằng bán lẻ đạt 1,78 triệu m2 ổn định theo quý và tăng 3% theo năm nhờ sự gia nhập của Lotte Mall West Lake. Tăng trưởng nguồn cung đạt trung bình 2% trong năm vừa qua.

Về giá, giá thuê tăng chủ yếu do sự ra mắt của các dự án mới. Các dự án áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu và lưu lượng khách cao như Lotte Center Hà Nội có giá thuê gia tăng có thể lên tới 14%.

Đáng chú ý, khoảng cách về giá giữa khu vực trung tâm và ngoài trung tâm đang ngày càng nới rộng. Giá thuê tầng trệt tại khu trung tâm đạt 3,2 triệu VND/m2/tháng, cao hơn 79% so với khu vực ngoài trung tâm nơi giá thuê chỉ đạt mức 1,1 triệu VND/m2/tháng.

Giải bài toán lấp đầy mặt bằng bán lẻ trong năm 2024, bà Minh cho rằng, các trung tâm thương mại lại đang là mô hình bán lẻ được đông đảo các khách thuê quan tâm, đặc biệt với những mặt bằng với chất lượng cao, đầy đủ pháp lý và đảm bảo quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy.

Điều quan trọng là các trung tâm thương mại đó phải được tổ chức một cách bài bản, từ chiến lược quảng cáo đến phân khu khách thuê và chiến lược quản lý vận hành, bởi đây là những yếu tố quan trọng trong việc vận hành và duy trì trung tâm thương mại.

Điểm mấu chốt cho sự thành công của các trung tâm thương mại hiện nay nằm ở việc kết hợp các phân khu khách thuê khoa học, các nhãn hàng bán mua sắm và giải trí, cũng như các dịch vụ ăn uống. Khách hàng ngày nay không chỉ tìm kiếm nơi mua sắm, mà còn muốn trải nghiệm tổng hợp với các hoạt động giải trí và ẩm thực.

Tựu chung lại, mặt bằng bán lẻ vẫn đang là một trong những phân khúc tăng trưởng ổn định, có tiềm năng để đầu tư. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều đơn vị đua tranh “miếng bánh” thị phần, các doanh nghiệp cả cũ lẫn mới cần có chiến lược phát triển tốt để có phần “ngon” hơn.

Nhật Minh