Mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2024 đang đứng trước những thách thức. Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các dự án chất lượng cao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Để đạt được mục tiêu 40 tỷ USD cho cả năm, Việt Nam cần thu hút thêm khoảng hơn 15 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm, một con số không hề nhỏ trong bối cảnh còn thách thức bủa vây.
Nhiều ‘chướng ngại vật’
Tính đến ngày 30/9, cả nước có 1.027 dự án mới được tăng vốn đầu tư nước ngoài với số vốn tăng thêm đạt hơn 7,64 tỷ USD, tăng 7,3% về số dự án và tăng 48,1% về số vốn đăng ký tăng thêm so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 9 tháng năm 2024 tăng 11,6% so với cùng kỳ trước.
Tuy nhiên không thể phủ nhận Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn nội tại trong thu hút đầu tư. Ông Tim Daiss - nhà phân tích về thị trường năng lượng, tính bền vững và địa chính trị ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong một bài viết gần đây trên tờ Nikkei Asia cho biết, một số nhà phân tích nhận định rằng tình trạng mất điện ở Việt Nam hiện đang gây "nguy cơ" cho sự tăng trưởng FDI.
Thực tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện tình trạng này nhưng năng lượng chỉ là một trong những rào cản. Mặc dù môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, vẫn còn một số tồn tại đã được chỉ ra từ lâu nay như thủ tục hành chính phức tạp, chi phí logistics cao, thiếu lao động chất lượng cao... Đây là những cản lực cho dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam.
Đơn cử, về việc tuyển dụng lao động ở Việt Nam, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các doanh nghiệp phản ánh lao động Việt Nam thiếu hụt các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, tỷ lệ nghỉ việc cao. Trong khi đó, chuyên gia nước ngoài gặp thách thức về quy trình xin visa, giấy phép lao động phức tạp, quy định lao động nghiêm ngặt và chi phí liên quan cao…
Áp lực thu hút FDI cũng đến từ bên ngoài khi Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ “nặng ký” trong khu vực. Các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia... đều đang đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều ưu đãi hấp dẫn và thế mạnh riêng.
Đặc biệt, Ấn Độ đã nổi lên như một đối thủ lớn của Việt Nam trong việc thu hút FDI. Những lo ngại này gia tăng sau khi CEO Tim Cook của Apple thăm Ấn Độ vào đầu năm ngoái và công bố những khoản đầu tư đáng kể. Hay Indonesia gần đây ghi nhận sự bùng nổ dòng vốn FDI khi Chính phủ siết chặt xuất khẩu một số khoáng sản thô như nickel... Nhiều nhà phân tích cho rằng, Indonesia là “Saudi Arabia của kim loại EV” vì quốc gia này có nhiều khoáng sản cần thiết cho pin xe điện.
Trong khi đó, Malaysia liên tiếp thu hút các dự án hàng tỷ USD về trung tâm dữ liệu, AI, điện toán đám mây của những ông lớn như Google, Oracle… Rõ ràng, Việt Nam đã vuột mất nhiều cơ hội đón dòng vốn khủng.
Bứt tốc về đích
Thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp mang tính "bứt tốc" để đạt được mục tiêu FDI 40 tỷ USD. Tập trung thu hút FDI chất lượng cao là một trong số đó.
Từ phân tích những ưu và nhược điểm của các đối thủ tiềm năng của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital chỉ ra, rất ít quốc gia trên thế giới phù hợp như Việt Nam để sản xuất các loại sản phẩm mà các công ty FDI đang sản xuất tại đây, như sản phẩm công nghệ cao, điện thoại thông minh, điện tử tiêu dùng và các sản phẩm khác được lắp ráp tại Việt Nam. Do đó, VinaCapital dự báo, đầu tư sẽ tiếp tục chảy vào sản xuất các sản phẩm như trên tại Việt Nam trong nhiều năm tới, bất kể Chính phủ có tích cực mời gọi các nhà đầu tư đa quốc gia hay không, vì Việt Nam tự bản thân đã thu hút được các nhà đầu tư đó.
Thực tế cho thấy, nhiều khoản đầu tư công nghệ cao đã và đang ấp ủ "rót" vào Việt Nam. Tại chuyến thăm hồi đầu tháng này, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu của tập đoàn công nghệ đa quốc gia Meta cho biết sẽ mở rộng sản xuất kính thực tế ảo Quest 3S tại Việt Nam, kỳ vọng tạo ra 1.000 việc làm. Hay tập đoàn SpaceX gần đây cũng công bố kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD để phát triển dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam.
Bất động sản - ngành thu hút FDI lớn thứ hai cũng đang cho thấy nhiều tiềm năng "bứt tốc". Theo đó, 9 tháng đầu năm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia đến từ công ty dịch vụ bất động sản Avison Young Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục tận dụng mọi cơ hội để đầu tư vào bất động sản Việt Nam thông qua hình thức hợp tác góp vốn với chủ đầu tư, mua lại cổ phần dự án hoặc mua bán – sáp nhập.
“Trên bình diện toàn cầu, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là động lực phát triển của thế giới. Đây cũng là điểm đến đầu tư an toàn với các phân khúc được quan tâm nhất gồm công nghiệp và hậu cần, nhà ở, văn phòng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và bán lẻ. Vì vậy, Việt Nam và thị trường bất động sản nói riêng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Ngoài ra, những thay đổi đáng chú ý trong hai năm trở lại đây như việc thông qua ba luật mới về bất động sản, bảng giá đất mới hay việc khắc phục các vụ án lớn ngày càng củng cố niềm tin của nhà đầu tư”, Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý đối với việc thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam. Theo đó, tốc độ đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp mới cần song hành với các phương pháp bền vững và hiệu quả năng lượng. “Việt Nam đang nỗ lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, và khả năng tiêu thụ năng lượng hiệu quả cũng như trách nhiệm đối với môi trường là các điều kiện then chốt để nhà đầu tư công nghệ cao cân nhắc thuê đất. Các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp vì vậy cần tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở và đa dạng hóa dịch vụ để thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn và cạnh tranh hơn trong khu vực”, theo ông Vũ Minh Chí, quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam
Vốn giải ngân FDI tích cực là một trong những động lực để kỳ vọng kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng trong quý IV nhờ các điều kiện vĩ mô thuận lợi. Xu hướng này kỳ vọng tiếp diễn trong quý IV và cả các quý tiếp theo. Lợi thế thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn đang được duy trì như vị trí địa lý thuận lợi, ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do FTA, chi phí nhân công rẻ và hệ thống giao thông, logistics đang từng bước được cải thiện.
Ông Martin Kruczinna, CEO Pearl Polyurethane Systems
Việt Nam mang lại giá trị rõ ràng đối với các doanh nghiệp quốc tế. Tôi ấn tượng khi thấy việc thành lập công ty tại Việt Nam khá thuận lợi nhờ cơ sở hạ tầng hoàn thiện, khả năng kết nối cao, lực lượng lao động lành nghề và mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ sẵn có. Tất cả các yếu tố này đều hướng đến mục tiêu phát triển chung. Không còn nghi ngờ gì nữa, tương lai của Việt Nam sẽ ngày càng tươi sáng hơn.
Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp Nội địa, HSBC Việt Nam
Việc Chính phủ không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và môi trường đầu tư khiến Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư tiếp tục tăng lên đã cho thấy sự lạc quan của nhà đầu tư đang được cải thiện đều đặn. Các doanh nghiệp đánh giá cao việc một số thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa... Tuy nhiên một số luật và quy định mới vẫn tiếp tục được ban hành dẫn tới các thủ tục hành chính mới. Ngoài thủ tục cấp giấy phép đầu tư, các giấy phép quy hoạch liên quan, thị thực cho người nước ngoài cũng cần được cải thiện.
Đỗ Kiều-Link gốc