Nếu không có chất xúc tác thật sự mạnh mẽ như câu chuyện nâng hạng thì sẽ rất khó cho VN-Index tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, "trong nguy có cơ", thị trường đang mở ra cơ hội mua rất tốt trong tháng 11.
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước trầm lắng khi thanh khoản khớp lệnh đã có xu hướng sụt giảm trong nhiều tháng qua. Giá trị giao dịch bình quân trong quý III đã giảm 15% so với quý trước, về mức 14.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng với mức kỷ lục khoảng 80.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.
Khả năng đi ngang cùng thanh khoản thấp
Việc thị trường vận động theo trạng thái "cưa chân bàn" khi hồi phục đôi chút, sau đó giảm sâu hơn khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ khi tài khoản bị bào mòn từng ngày. Do đó, nhà đầu tư có xu hướng “đóng băng” giao dịch để chờ đợi những diễn biến mới nhất.
Thị trường mở ra cơ hội mua rất tốt trong tháng 11.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, TTCK giai đoạn này khiến nhà đầu tư sợ. Bởi sự biến động tích lũy trong biên độ hẹp, nhà đầu tư rất khó kiếm tiền, thậm chí còn mất tiền nhiều hơn. Mặc dù chứng khoán đang có nhiều yếu tố tích cực nhưng chưa đủ tạo cú hích giúp thị trường bật tăng khỏi vùng tích lũy, chưa kể khối ngoại vẫn bán ròng.
"Không chỉ vàng "lấp lánh" thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, lãi suất gửi tiết kiệm cũng nhích lên thời gian qua tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khoản tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, chứng khoán lại kém khởi sắc khiến rất nhiều người chọn đứng ngoài quan sát, ngừng giao dịch càng kéo thanh khoản của TTCK giảm sâu", ông Huân nói.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng Việt Nam đang ở mức cao chưa từng có, đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024, tăng thêm 305.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Mặt khác, P/E của thị trường hiện nay đang neo quanh 14 lần - đây không phải là mức rẻ mà chỉ là mức trung bình của VN-Index trong 10 - 15 năm qua.
Hơn nữa, thị trường tháng 11 đang trong trạng thái thiếu thông tin hỗ trợ sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, những câu chuyện kỳ vọng như nâng hạng TTCK cũng dần dịch chuyển kỳ vọng sang năm sau, trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng.
Trong bối cảnh đó, việc số lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong tháng 11 và tháng 12 có thể gây những lo ngại. Chuyên gia cho rằng khả năng cao sẽ không có những hiệu ứng dây chuyền như hồi năm 2022 nhưng tác động đến thanh khoản thị trường là ít nhiều không thể phủ nhận. Thông tư 02 cũng sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024, khi đó ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc hạch toán những khoản nợ xấu trong năm 2025.
“Nếu không có động lực mạnh mẽ hơn hoặc sự tham gia của dòng tiền mới thì rất khó để TTCK bứt phá”, ông Huân nhận định.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc điều hành chi nhánh TP. HCM, Chứng khoán DSC nhìn nhận TTCK đang thiếu cơ hội ngắn hạn và giao dịch chán nản, khó dự đoán. Mặc dù thị trường có thể dễ hồi phục trong trạng thái chán nản, nhưng cũng vẫn còn dư địa để "rơi".
“Nếu không có chất xúc tác thật sự mạnh mẽ như câu chuyện nâng hạng TTCK, sẽ rất khó cho VN-Index tăng mạnh thời gian tới”, chuyên gia DSC nhận định.
Kỳ vọng "tháng bản lề"
Dưới góc nhìn tích cực, với những thông tin hiện tại, ông Phạm Trần Đức Thắng, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education đánh giá TTCK vẫn đang trong một giai đoạn tích lũy mở rộng khi mà các vùng đáy có xu hướng cao hơn và lực mua xuất hiện nhiều hơn.
“VN-Index cuối năm nay đang có nhiều tín hiệu đáng chú ý để có thể chinh phục mốc 1.300 điểm. Các tín hiệu đó sẽ đến từ sự khôi phục của các nền kinh tế lớn, khả năng hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công, năng lực mua sắm, tiêu dùng ở giai đoạn cuối năm”, ông Thắng nhấn mạnh.
Trong ngắn hạn, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBankS vẫn nhìn nhận xu hướng của VN-Index là giảm. Tại thị trường Mỹ đang có nhiều biến số liên quan đến bầu cử và lãi suất của Fed. Nếu có nhiễu động thì thị trường có khả năng giảm điểm. Tuy nhiên, thị trường đang mở ra cơ hội mua rất tốt trong tháng 11.
Theo ông Sơn, giai đoạn TTCK toàn cầu có mức tăng trưởng lớn nhất trên thế giới (thường gọi là "Santa Rally" của S&P 500 hay "sóng ăn Tết" của Việt Nam) diễn ra từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau.
Thống kê trong 6 năm trở lại đây, chu kỳ “Santa Rally” thường mang lại hiệu quả đầu tư rất tốt, tính bình quân (cả ảnh hưởng thời gian dịch Covid, giai đoạn khó khăn 2022 – 2023 thị trường điều chỉnh) S&P 500 trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau đạt mức tăng khoảng 7%. Dữ liệu cho thấy có 2 trường hợp đặc biệt là 2020 - 2021 tăng 26% và trong năm 2023 – 2024 thì tăng 19%.
Với "sóng ăn Tết" của TTCK Việt Nam, chuyên gia VPBankS thống kê trong 6 năm trở lại đây, mức tăng bình quân của VN-Index từ tháng 11 cho đến tháng 4 là gần 8%. Khi VN-Index tăng 8% thì cổ phiếu có beta nhạy hơn thì tăng gấp 2, 3 mức bình quân này. Khoảng 3 giai đoạn gần đây, 2020 – 2021 VN-Index tăng 32%, 2017 – 2018 tăng 18% và 2023 – 2024 tăng 16%.
Mặt khác, dữ liệu lịch sử của chứng khoán Việt Nam chỉ ra thị trường tăng bình quân 11,92% sau bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhóm phân tích của Chứng khoán Agriseco thống kê nửa năm sau ngày bầu cử, VN-Index tăng điểm 5/6 đợt gần nhất.
Hơn nữa, theo nhiều ý kiến khác, khả năng quỹ FTSE Russell sẽ công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3/2025. Thông báo này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực. Các quỹ ETF nước ngoài mô phỏng thị trường Việt Nam có thể gia tăng tài sản quản lý khi nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào nâng hạng thị trường mới nổi, giúp tăng giá cổ phiếu trong quý I/2025. Dù có nhiều ước tính khác nhau, khoảng 500 triệu USD đến dưới 1 tỷ USD vốn ngoại sẽ chảy vào Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp đang chiếm ưu thế trong chỉ số FTSE FM.
"Trong nguy có cơ, chúng ta chỉ có tháng 11 và 12 để đón "sóng ăn Tết" và tháng 11 là tháng bản lề. Trong 2 năm gần đây, thị trường tạo đáy vào tháng 11 và đây cũng là thời điểm mở ra cơ hội mua tốt nhất", chuyên gia VPBankS nhận định.
Hải Giang-Link gốc