Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch 2/2 và đánh dấu chuỗi bốn tuần tăng liên tiếp nhờ các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp khả quan và số liệu việc làm tăng mạnh.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Khép lại phiên này, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,07% lên 4.958,61 điểm, mức khép phiên cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 1,74% lên 15.628,95 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,35% lên 38.654,42 điểm.
Sự khởi sắc này đã kết thúc một tuần giao dịch với ba chỉ số nói trên đảo chiều liên tục, trước tác động giằng co từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, quyết định lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), và những lo ngại về sự suy yếu của các ngân hàng khu vực ở Mỹ. Tuy nhiên, cả ba chỉ số đều ghi nhận tuần thứ tư tăng điểm liên tiếp.
Ông Jay Hatfield, chuyên gia quản lý đầu tư của công ty tư vấn đầu tư InfraCap ở New York, nhận định phần lớn các công ty đều công bố kết quả kinh doanh khả quan trong tuần này. Bên cạnh đó, chuyên gia này tin rằng cuộc họp vừa qua của Fed cũng phần nào đem đến tín hiệu tích cực, với dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất vào thnags Năm hoặc tháng Sáu.
Bộ Lao động Mỹ mới đây cho biết nước này đã tạo thêm 353.000 việc làm, cao hơn dự đoán trước đó của giới phân tích, trong khi tăng trưởng tiền lương bất ngờ gia tăng.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng những rủi ro mà nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể phải đối mặt, xuất phát từ nguy cơ đi xuống của kinh tế Trung Quốc và những đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan tới sự gián đoạn của hoạt động vận tải qua Biển Đỏ, dường như chỉ ở mức hạn chế. Ngoài ra, quan chức này cũng bày tỏ tin tưởng vào triển vọng khả quan của nền kinh tế Mỹ.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, Lael Brainard cho biết bà tiếp tục theo dõi diễn biến và ảnh hưởng kinh tế tiềm tàng từ các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen vào tàu container chở hàng ở khu vực biển Đỏ. Theo các chuyên gia kinh tế, những diễn biến này dường như ít ảnh hưởng hơn đến chuỗi cung ứng của Mỹ (khi so với các khu vực khác của thế giới).
Theo bà Brainard, lạm phát của Mỹ đang được giữ ở mức 2%. Dữ liệu về chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng nước này cho thấy người dân Mỹ đang dần lấy lại sự tự tin vào khả năng tài chính cá nhân, trong khi tốc độ tăng của giá hàng tiêu dùng đang chậm lại.
Triển vọng Fed hạ lãi suất trong tương lai gần đã khiến cổ phiếu tăng giá trong những tháng gần đây, trong khi chi phí tài chính giảm có thể tiếp thêm năng lượng cho hoạt động đầu tư của hộ gia đình và doanh nghiệp vào cuối năm nay. Thị trường lao động hạ nhiệt và tiến triển trong việc kiềm chế lạm phát khiến các nhà đầu tư muốn biết khi nào Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất cơ bản.
Theo CME Group, hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 5/2024.
Sau một năm ảm đạm nhất trong nhiều thập kỷ, hoạt động mua nhà đã tăng lên do lãi suất thế chấp giảm. Theo Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp, số đơn đăng ký thế chấp để mua nhà được điều chỉnh theo mùa đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái trong tuần kết thúc vào ngày 12/1.
Trong khi các quan chức Fed cho biết sẽ chưa cắt giảm lãi suất cho đến khi tin chắc rằng áp lực lạm phát vẫn được duy trì, thì thị trường lại chuyển sự chú ý sang sự tăng trưởng có thể xảy ra sau khi cắt giảm lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics, Ryan Sweet, cho rằng nếu Fed muốn nền kinh tế hạ cánh mềm thì sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay.
Những dấu hiệu thể hiện sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm tăng khả năng Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất lâu hơn dự đoán của thị trường. Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây đã đẩy lùi khả năng hạ lãi suất vào tháng Ba.
Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường tài chính đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất tại cuộc họp tháng Ba là 20,5%, giảm từ mức 69,6% một tháng trước.
Ông Greg Bassuk, Giám đốc điều hành công ty đầu tư AXS Investments ở New York, cho biết trong vài ngày tới, giưới đầu tư sẽ tập trung vào các báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp và các số liệu kinh tế để dự đoán mức độ và thời điểm Fed hạ lãi suất.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý IV/2023 đang diễn ra, với 230 trong số các công ty có tên trong chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo. Trong số này, 80% có kết quả cao hơn dự đoán của Phố Wall, theo LSEG.
Khánh Ly (TTXVN)