Sau giai đoạn bị “thờ ơ” khi gặp điều chỉnh giảm trong giai đoạn tháng 4 vừa qua, dòng tiền gần đây đang “ùn ùn” đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhất là khi lợi nhuận của các nhà băng niêm yết đã có sự tăng trưởng mạnh trong 3 tháng đầu năm.
Theo quan sát, sau khi bị chốt lời mạnh trong giai đoạn giữa tháng 4 - thời điểm VN-Index bị điều chỉnh sâu, dòng tiền đã tìm đến hầu hết các nhóm ngành nhưng dường như “bỏ quên” nhóm ngành trụ cột là ngân hàng.
Hút mạnh dòng tiền
Tuy nhiên, ngay khi thông tin Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 đến hết năm 2024 xuất hiện đã kéo dòng tiền ùn ùn đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên 16/5.
Sức mạnh của nhóm cổ phiếu này cũng giúp VN30-Index tăng vượt trội 1,34% lên 1.307,21 điểm, vượt qua đỉnh cao cuối tháng 3 vừa qua và cũng là mức cao nhất trong vòng 11 tháng.
Dữ liệu thống kê cho thấy, giá trị giao dịch tại các cổ phiếu ngành ngân hàng trong tổng giao dịch toàn thị trường trong phiên 16/5 đã lên mức cao thứ ba kể từ đầu tháng 4/2024 (chỉ sau phiên 2/4 và phiên 23/4). Kéo theo đó, hầu hết các mã ngân hàng đều tăng mạnh hơn thị trường chung. Gây ấn tượng nhất là LPB tăng kịch trần, OCB tăng 4,69%, TCB tăng 3,74%; các mã như BID, CTG, MBB, HDB, VIB, STB, SHB, TPB đều tăng trên 2%.
Dòng tiền đang đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Hay như trong phiên 20/5, thị trường chung dù tăng không mạnh nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn lấn át sắc xanh trên bảng điện tử. Trong đó, HDB (+2,3%), BID (+0,5%), CTG (+0,8%), EIB (+4,2%)… đều là những mã đóng góp tích cực nhất cho VN-Index. Các cổ phiếu nhỏ cũng thu hút sự quan tâm của dòng tiền như: ABB (+5,1%), BAB (+4,1%)… Đáng chú ý, cổ phiếu VPB được tự doanh mua ròng mạnh nhất với giá trị đột biến 225 tỷ đồng.
Nhìn chung, trong dòng chảy tăng trưởng của VN-Index giai đoạn từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay đều có sự đóng góp tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Những dự báo tích cực về triển vọng của ngành ngân hàng cùng những con số lợi nhuận năm 2023 và quý I/2024 khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng có đợt tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay.
Mặc dù có giai đoạn bị “thờ ơ” khi bị điều chỉnh giảm trong giai đoạn tháng 4, nhưng tính đến hiện tại, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh hoặc đang ở vùng đỉnh. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu nhà băng vẫn rất lớn.
Chưa kể, những thông tin tích cực về việc chia cổ tức, nhất là chi trả bằng tiền mặt của các nhà băng trong thời gian sắp tới được các chuyên gia tài chính nhận định sẽ tác động không nhỏ tới nhóm cổ phiếu ngân hàng, giúp nhóm cổ phiếu này nhanh chóng bứt tốc.
Theo phân tích của ông Phan Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DNSE, cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong giai đoạn đầu năm 2024. Những cổ phiếu ngân hàng vượt đỉnh có chất lượng tài sản tốt và mức định giá chung của các ngân hàng vẫn còn khá hấp dẫn so với toàn thị trường. Hiện, mức định giá P/B của ngành ngân hàng khoảng 1.4x, so với mức bình quân 10 năm thì vẫn là nhóm cổ phiếu tương đối hấp dẫn. Dù nhóm cổ phiếu này đã tăng giá khoảng 15% - 20% nhưng tiềm năng tăng giá vẫn còn.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm 2024 khi kinh tế được kỳ vọng là hồi phục tích cực hơn trong năm 2024, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2024, các giải pháp chính sách hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng thương mại được dự báo sẽ tăng vốn cùng với việc chi trả mức cổ tức tiền mặt cao trong năm 2024 cũng là câu chuyện hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Cẩn trọng với "cơn gió ngược"
Mặc dù là nhóm cổ phiếu được đánh giá cao trong năm 2024 khi lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết đã có sự tăng trưởng, nhưng sự tăng trưởng này lại diễn ra trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp. Cùng với đó, chất lượng tài sản các nhà băng có xu hướng suy giảm khi mà một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành. Điều này sẽ có nguy cơ trở thành “cơn gió ngược” đối với sự đi lên của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MBS ước tính cuối quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết chỉ đạt 1,9% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với con số 3,9% cùng kỳ.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết ở mức 2,17% vào cuối quý I/2024, nhích lên so với con số 1,93% cuối năm 2023, thấp hơn 7 điểm cơ bản so với mức đỉnh trong quý III/2023.
Tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) cũng tăng nhẹ lên mức 2,1% so với 1,94% hồi cuối năm 2023. Quy mô nợ xấu tăng 48,5% so với cùng kỳ, trong khi chi phí trích lập chỉ tăng nhẹ 5,4% khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) suy giảm đáng kể. LLR trung bình chỉ đạt 87,5% vào cuối quý I/2024, giảm đáng kể so với mức 94,6% hồi cuối năm 2023 và 120,7% vào cuối quý I/2024.
Theo đó, MBS điều chỉnh tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2024 các ngân hàng trong danh mục theo dõi xuống còn 21,8% so với cùng kỳ từ mức 23,6% trong dự báo gần nhất.
Rủi ro đầu tư trong giai đoạn 2024-2025, theo MBS, đó là sự phục hồi của tín dụng tương đối chậm so với dự báo, đặc biệt là dư nợ dành cho nhóm khách hàng cá nhân. Điều này có thể khiến NIM của các ngân hàng bán lẻ như VPB, VIB... không thể phục hồi như dự báo. Ngoài ra, chất lượng tài sản cũng cần tiếp tục được theo dõi vì đang tiệm cận vùng đỉnh quý III/2023.
Còn Chứng khoán ACBS nhấn mạnh, ngoài nợ xấu tăng thì nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu của ngành ngân hàng đều có xu hướng tăng lên trong quý I/2024. Xét về tổng thì tỷ lệ này đang thấp hơn giai đoạn quý II-III/2020 trong giai đoạn Covid, dù vậy xét riêng lẻ thì tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) và nợ nhóm 2 lại đang tăng lên đáng kể, cho thấy là một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành.
Bên cạnh đó, tỷ lệ LLR tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý IV/2023 cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, lãi dự thu của ngành ngân hàng đang tăng dần theo thời gian và tiếp tục tăng trong quý I/2024 bất chấp lãi suất cho vay giảm. Số ngày lãi phải thu đã tăng từ mức 86 ở giai đoạn quý II/2022 lên 116 vào cuối quý I/2024.
“Đây là rủi ro tiềm ẩn của hệ thống, vì không chỉ có nguy cơ làm giảm thu nhập lãi trong tương lai (khi không thu được và phải thoái lãi dự thu), mà còn gây nên áp lực dự phòng khi chuyển nhóm nợ xấu”, ACBS lưu ý.
Hải Giang-Link gốc