• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 3:08:40 CH - Mở cửa
Hợp tác với châu Phi sẽ là trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G7
Nguồn tin: Vietnam+ | 13/06/2024 8:29:56 SA

G7 sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ở vùng Apulia phía Nam Italy từ ngày 13 -15/6. Trọng tâm hội nghị năm nay nhiều khả năng sẽ tập trung quanh vấn đề tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hợp tác với châu Phi.

​​​​​​​

Cuộc họp của Các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Niigata, Nhật Bản, ngày 11/5/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Báo Mainichi của Nhật Bản ngày 11/6 đăng bài viết nhận định Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tăng cường hợp tác với châu Phi để đảm bảo an ninh kinh tế.
Theo bài viết, G7 sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ở vùng Apulia phía Nam Italy từ ngày 13 -15/6. Italy, nước chủ nhà của hội nghị G7 năm nay, sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế với châu Phi.
Trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc trải qua những giai đoạn khác nhau, G7 đặt mục tiêu đảm bảo an ninh kinh tế bằng cách xây dựng mạng lưới cung cấp các nguồn tài nguyên quan trọng kết hợp những nước mới nổi và đang phát triển được gọi là “Nam bán cầu”.
Ngày 7/6, trong một tuyên bố trước thềm Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Charles Michel nhấn mạnh: “Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay có một khẩu hiệu mạnh mẽ và thống nhất: Quan hệ chặt chẽ hơn với các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi.”
Hội nghị thượng đỉnh G7 từ lâu đã nhận được những ý kiến trái chiều vì bỏ qua mong muốn của các nước mới nổi và đang phát triển. Tuy nhiên, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Hiroshima năm 2023, nước chủ nhà Nhật Bản đã thúc đẩy nỗ lực tăng cường mối quan hệ với Nam bán cầu.
Sự kiện năm nay, Italy cũng đã mời chủ yếu là các nhà lãnh đạo châu Phi như Ai Cập, Tunisia, Nam Phi và Liên minh châu Phi (AU) tham dự với tư cách là đại biểu khách mời.
Từ góc độ an ninh kinh tế, G7 đang tăng cường tham gia vào sự phát triển ở châu Phi, nơi giàu tài nguyên năng lượng và khoáng sản.
Đặc biệt, đối với châu Âu, vốn phụ thuộc vào Nga với 40% lượng khí đốt nhập khẩu trước khi xung đột tại Ukraine diễn ra, việc xây dựng các tuyến đường cung cấp từ châu Phi là một nhiệm vụ cấp bách.
EU đã quyết định tăng chi 307,6 triệu euro (330,40 triệu USD) cho đường dây truyền tải điện nối Tunisia và Italy, đồng thời Italy cũng quyết định mở rộng nhập khẩu năng lượng tái tạo và hydro xanh từ Bắc Phi, khí đốt tự nhiên từ Algeria.
Bên cạnh đó, hợp tác với châu Phi cũng rất cần thiết để giải quyết vấn đề nhập cư của châu Âu.
Theo EU, khoảng 385.000 người nhập cư và tị nạn bất hợp pháp đã đến lục địa này từ châu Phi, Trung Đông và các quốc gia khác vào năm 2023. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 157.000 người trong số họ đã đi qua biển Địa Trung Hải.
Vào tháng Ba, EU đã công bố viện trợ kinh tế cho Ai Cập với tổng trị giá 7,4 tỷ euro trong vòng 4 năm. Trước đó, tháng 7/2023, Nhật Bản cũng quyết định viện trợ kinh tế khoảng 150 triệu euro cho Tunisia.
Cả hai nước này đều là điểm trung chuyển cho người di cư đến châu Âu và mục đích là tăng cường các biện pháp ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp.
Hỗ trợ kinh tế cho châu Phi cũng sẽ giúp giảm bớt nghèo đói, vốn là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự gia tăng số lượng người nhập cư và người tị nạn.
Có những lý do khác khiến G7 rất coi trọng châu Phi, trong đó bao gồm cả việc đảm bảo các nguồn tài nguyên quan trọng. Đây được coi là một trong các biện pháp ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu mà G7 đang nỗ lực kêu gọi toàn cầu gia tăng biện pháp ứng phó.
Nhu cầu toàn cầu về lithium, chất được sử dụng trong pin xe điện (EV), dự kiến sẽ tăng hơn 50 lần vào năm 2050 và nhu cầu về đất hiếm, nguyên liệu thô cho nam châm vĩnh cửu dùng trong máy phát điện gió, cũng dự kiến tăng hơn năm lần.
Australia, Chile và Trung Quốc là ba quốc gia chiếm hơn 80% sản lượng lithium của thế giới và Trung Quốc chiếm khoảng 60% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu. Hầu hết đất hiếm dùng trong nam châm vĩnh cửu đều được tinh chế ở Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang dẫn đầu trong đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Trong khi đó, G7 đã đề xuất sáng kiến “Quan hệ đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu” vào năm 2022 và quyết định đóng góp 600 tỷ USD trong 5 năm.
Cộng hòa Dân chủ Congo chiếm khoảng 60% lượng coban được khai thác để sử dụng cho pin xe điện. Tại Hội nghị thượng đỉnh Hiroshima, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố nước Mỹ sẽ hỗ trợ phát triển Hành lang Lobito, một dự án đường sắt kết nối Cộng hòa Dân chủ Congo, Zambia và Angola.
Ngoài việc hỗ trợ dự án, EU đã ký các biên bản ghi nhớ với Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia để hỗ trợ thiết lập mạng lưới cung cấp các nguồn tài nguyên quan trọng.
Tuy nhiên, việc khai thác, tinh chế và phát triển không được kiểm soát của các khu mỏ khai thác tài nguyên quan trọng đã gây ô nhiễm môi trường, và nhiều ý kiến chỉ ra rằng lợi ích của châu Phi có thể bị tổn hại vì lợi ích kinh tế và mục tiêu môi trường của châu Âu và Mỹ đã khiến nhiều nước châu Phi quan ngại.
Ủy viên Phát triển Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp và Khai thác mỏ của Liên minh châu Phi Albert Muchanga cho biết: “Không thể chấp nhận được việc lục địa châu Phi tiếp tục được coi là một nguồn nguyên liệu thô đơn thuần”.
Viện trợ kinh tế từ EU cho Ai Cập và Tunisia cũng gặp phải những ý kiến trái chiều vì một phần trong số đó được dành để ngăn dòng người di cư và tăng cường lực lượng an ninh.
Trước những ý kiến này, Italy, nước giữ chức chủ tịch G7 năm nay, dự kiến sẽ nhấn mạnh chính sách hỗ trợ từ nhóm này dựa trên quan điểm bình đẳng hơn.

Xuân Giao-Link gốc