• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 8:10:18 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp xây dựng: Qua dần cơn bĩ cực
Nguồn tin: VietNam Finance | 24/06/2024 3:16:29 CH

Dẫu chưa có chuyển biến đột phá nào, nhưng kết quả kinh doanh quý I/2024 cũng đã cho thấy tín hiệu tích cực hơn đối với các doanh nghiệp xây dựng.

Trời ngày càng sáng

Nếu so sánh với quý liền kề trước đó, có thể nói, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong quý I/2024 đã đổi thay rất nhiều.

Quý trước, thị trường ghi nhận 2 doanh nghiệp lỗ gộp (Hưng Thịnh Incons, SCI E&C), 2 doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh (Ricons, Công ty Cổ phần SCI), 2 doanh nghiệp lỗ sau thuế (Fecon, Đua Fat). Còn ở quý này, không doanh nghiệp nào lỗ gộp, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hay thoát lỗ nhờ các khoản hoàn nhập dự phòng; trong 21 doanh nghiệp xây dựng hàng đầu được Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance thống kê, chỉ có Đua Fat là còn báo lỗ. Đây là một tín hiệu tích cực.

Một tín hiệu tích cực khác là các doanh nghiệp lớn nhất đã cho thấy những con số ấn tượng. Coteccons – nhà thầu số 1 Việt Nam, tiếp tục nối dài màn trình diễn thượng hạng từ đầu năm dương lịch 2023 tới nay với doanh thu thuần lớn nhất thị trường (4.666 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ, cao nhất kể từ sau quý II/2020. Kết quả này đã nâng thành tựu kinh doanh 9 tháng của Coteccons lên tới 14.450 tỷ đồng doanh thu thuần và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 16% và 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong sự hưng phấn tột cùng, Coteccons đã nâng mục tiêu doanh thu năm từ 17.793 tỷ đồng lên 20.000 – 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 274 tỷ đồng lên 288 – 296 tỷ đồng, trở thành đơn vị duy nhất của toàn ngành xây dựng “dám” tăng mục tiêu kinh doanh năm.

Với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, quý I/2024 đánh dấu quý đầu tiên có lợi nhuận sau thuế dương sau 5 quý liên tiếp thua lỗ, đạt 56,5 tỷ đồng. Trong khi đó, Vinaconex ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 482 tỷ đồng, tăng tới 25 lần so với cùng kỳ năm trước, là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất và tăng mạnh nhất toàn thị trường.

Ngoài 3 “ông lớn” trên, thị trường xây dựng quý I/2024 cũng ghi nhận một số đơn vị khác có lợi nhuận tăng trưởng bằng lần, như: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (tăng 5,4 lần), Licogi 18 (tăng 8,4 lần) hay Công ty Cổ phần SCI (tăng gần 2 lần).

Trán chưa hết nhăn

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực, song về cơ bản, thị trường xây dựng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, do thị trường bất động sản chưa phục hồi mạnh mẽ và các dự án hạ tầng vẫn còn một số vướng mắc nhất định.

Trên các thống kê kinh doanh, những con số tăng trưởng % (1 – 2 chữ số) hoặc tính bằng lần, dẫu ấn tượng, song về bản chất, đó là do nền so sánh (tức quý I/2023) quá thấp. Bởi vậy, nếu gạt đi những màu mè tăng trưởng, con số lợi nhuận thực tế của các doanh nghiệp vẫn là một điều gì đó u buồn.

Thực vậy, đa phần doanh nghiệp xây dựng trong quý I/2024 chỉ có được mức lợi nhuận sau thuế “mỏng dính”, như: Fecon (0,6 tỷ đồng), Phục Hưng Holdings (0,9 tỷ đồng), Alphanam E&C (1 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (1,5 tỷ đồng), SCI E&C (3 tỷ đồng), Tổng công ty Thăng Long (3,4 tỷ đồng), Cotana (3,8 tỷ đồng), Tập đoàn Xây dựng SCG (8 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng Số 1 (8,8 tỷ đồng).

Khá hơn chút đỉnh là: Hưng Thịnh Incons (10 tỷ đồng), Công ty Xây dựng Số 5 (11 tỷ đồng), Licogi 18 (12 tỷ đồng), Ricons (14,4 tỷ đồng), Sông Đà 11 (16 tỷ đồng), Công ty Cổ phần SCI (27 tỷ đồng), Tổng công ty Sông Đà (28 tỷ đồng), Tracodi (30 tỷ đồng).

Nhìn sâu hơn vào kết quả kinh doanh, có thể thấy thêm rằng không phải doanh nghiệp nào cũng có được lợi nhuận và tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, mức lợi nhuận sau thuế 56,5 tỷ đồng, ngoài đến từ doanh thu thuần 1.651 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ, còn nhờ doanh thu tài chính lên tới 113 tỷ đồng, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ năm trước, cùng khoản hoàn nhập dự phòng 89 tỷ đồng. Tương tự, Tập đoàn Xây dựng SCG cũng nhờ doanh thu tài chính 105 tỷ đồng mà có lợi nhuận sau thuế 8 tỷ đồng.

Ở phía ngược lại, các doanh nghiệp không còn doanh thu tài chính “khủng” như cùng kỳ năm trước đã chứng kiến sự suy thoái nặng nề về lợi nhuận. Tiểu biểu cho trường hợp này là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội khi doanh thu thuần tăng 3,2 lần (đạt 539 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 1,5 tỷ đồng, hay Tổng công ty Xây dựng Số 1 với doanh thu tăng gấp 2,5 lần (đạt 1.395 tỷ đồng) nhưng chỉ chỉ có 8,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Một khía cạnh khác để thấy rằng kết quả kinh doanh quý I/2024 vẫn gây cho giới quan sát sự lo lắng về ngành xây dựng đó là bên cạnh các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng nêu trên, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp bị suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước – ngay cả khi đó là một nền so sánh rất thấp. Các đơn vị gia nhập vào danh sách này, gồm: Fecon (giảm 77%), Tổng công ty Thăng Long (giảm 46%), Sông Đà 11 (giảm 48%), Alphanam E&C (giảm 75%), Ricons (giảm 7%), Phục Hưng Holdings (giảm 58%), Tracodi (giảm 56%), Cotana (giảm 81%), Sông Đà (giảm 62%), SCI E&C (giảm 66%).

Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chịu sự suy giảm về lợi nhuận, song chủ yếu là do giá vốn cao, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lớn. Đây là điều rất dễ hiểu, bởi ngành xây dựng vẫn đang trong cuộc cạnh tranh gay gắt về đơn hàng lẫn chịu đựng sự đội giá của nguyên vật liệu, khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp. Trong khi đó, với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, các doanh nghiệp vẫn phải “còng lưng” gánh lãi vay ngân hàng, dù cho lãi suất đã giảm bớt trong khoảng nửa năm qua. Việc bị chiếm dụng vốn quá thời hạn, dẫn đến các khoản phải thu chuyển thành nợ xấu, khiến các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng cũng đã đẩy chi phí quản lý lên cao. Tất cả hợp lại thành một “máy bào” bào mòn số lợi nhuận gộp ít ỏi mà doanh nghiệp xây dựng có được.

Thị trường hiện chỉ có một số doanh nghiệp lớn, có tài chính mạnh với dòng tiền dồi dào, có uy tín lớn, có lợi thế đàm phán và tham gia được vào các gói thầu “béo bở” là còn duy trì và/hoặc nâng cao được biên lợi nhuận. Do đó, giai đoạn hiện nay, ngành xây dựng đang phân hóa hết sức sâu sắc. Thị trường ngày càng cô đặc với sự tập trung vào các đơn vị lớn.

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn có quyền kỳ vọng về sự phục hồi của ngành xây dựng trong giai đoạn tới, khi đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy và thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ hơn. Điều này giúp sự cạnh tranh trên thị trường giảm bớt, tạo điều kiện cho các đơn vị nhỏ có việc làm. Nói vui như chủ tịch một công ty xây dựng cỡ trung trong đại hội đồng cổ đông rằng khi đó, các nhà thầu lớn đã “no” việc, “chúng ta cũng dễ thở hơn”. Đương nhiên, từ giờ cho tới khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải căng mình chống chịu để có thể sinh tồn trước khi thực sự nhìn thấy trời sáng.

Ái Châu Tử-Link gốc