• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.239,26 -12,45/-0,99%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.239,26   -12,45/-0,99%  |   HNX-INDEX   230,84   -1,58/-0,68%  |   UPCOM-INDEX   92,57   -0,38/-0,41%  |   VN30   1.281,37   -12,93/-1,00%  |   HNX30   498,07   -6,06/-1,20%
17 Tháng Chín 2024 3:17:01 SA - Mở cửa
DGC: Nhìn lại thương vụ thoái vốn nhà nước tại DGC
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 06/06/2024 8:53:28 SA

Thương vụ thoái vốn của Vinachem khỏi DGC được thực hiện trong giai đoạn cổ phiếu này tăng rất mạnh. Xét trong khoảng thời gian này (từ đầu năm 2020 đến mức đỉnh năm 2022), DGC tăng đến 14,5 lần.

Bên trong một nhà máy của Đức Giang. Ảnh: DGC.

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra việc thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC).

Việc Vinachem thoái vốn khỏi DGC nằm trong lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020 của Văn phòng Chính phủ, trực thuộc Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

DGC tiền thân là Công ty hoá chất Đức Giang. Năm 2004, theo Quyết định số 183/QĐ-TTg ngày 19/9/2003 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trực thuộc Tổng Công ty Hoá Chất Việt Nam giai đoạn 2003-2005, công ty đã chính thức được chuyển thành CTCP Bột giặt và hoá chất Đức Giang, và đến tháng 4/2019 thì đổi tên thành Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang như hiện tại.

Doanh nhân Đào Hữu Huyền trở thành Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc DGC vào tháng 5/2007 (3 năm sau khi DGC cổ phần hóa). Vị Chủ tịch DGC bén duyên trong ngành hóa chất từ thập kỷ 90, khi làm việc tại Nhà máy hóa chất Đức Giang, thời điểm đó là nhà máy thuộc sở hữu Nhà nước. Sau khi du học từ Áo, ông về Việt Nam và lập công ty riêng là Công ty TNHH Văn Minh, chuyên nhập hóa chất từ Trung Quốc về bán ra thị trường Việt Nam.

Sau đó, như truyền thông trong nước đưa tin, ông và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Lan đã mua lại cổ phần DGC trong giai đoạn đơn vị này hoàn thành công tác cổ phần hóa, và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất.

Đến cuối năm 2010, một tài liệu hé lộ tỷ lệ sở hữu của ông Huyền và gia đình tại DGC là gần 44%, cao hơn rất nhiều so với Vinachem (21%). Suốt hơn 14 năm, ông Huyền và gia đình luôn duy trì tỷ lệ sở hữu trên mức 40%. Tính tại lần cập nhật mới nhất vào cuối năm 2023, ông và người liên quan sở hữu 40,75% vốn DGC.

Về phía Vinachem, tập đoàn lần đầu đăng ký chào bán cổ phiếu DGC vào tháng 11/2019 với số lượng là 11,45 triệu cổ phiếu, mức giá 49.100 đồng/CP, tương đương ước tính thu về 560 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vinachem chỉ bán được vỏn vẹn 200 cổ phiếu.

Đến tháng 10/2021, phía Vinachem tiếp tục thông báo bán hết hơn 15,1 triệu cổ phiếu DGC, tương đương 8,85% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Mức giá khởi điểm mà Vinachem đưa ra là 152.100 đồng/CP, cao hơn gấp 3,1 lần so với mức giá cũ đưa ra hồi năm 2019. Vinachem cho biết phương pháp tính giá khởi điểm căn cứ chứng thư thẩm định giá số 240921 ngày 24/9/2021 do Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Định giá Asco lập; ngoài ra còn căn cứ lịch sử giá tham chiếu của cổ phiếu DGC trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ ngày 24/8/2021 đến ngày 6/10/2021; và giá tham chiếu cổ phiếu DGC trên HoSE vào ngày 6/10/2021.

Tại thời điểm đó, mức giá bán khởi điểm trên cao hơn giá cổ phiếu DGC là 1,7% (tính theo giá chưa điều chỉnh của phiên 6/10/2021 là 149.500 đồng/CP).

Vinachem sau đó phải mất đến 3 lần mới thoái hết số cổ phần DGC nắm giữ, cụ thể là từ ngày 8/11/2021 đến ngày 7/12/2021, ngày 13/1/2022 đến ngày 11/2/2022, và ngày 3/3 đến ngày 10/3/2022.

Theo đó, ở đợt bán đầu tiên, Vinachem đã thoái hết 9.105.000 cổ phiếu DGC. Tính theo giá chốt phiên 7/12/2021 (giá chưa điều chỉnh) cổ phiếu DGC là 152.100 đồng/CP, Vinachem ước tính thu về gần 1.385 tỷ đồng.

Sau đó, Vinachem đã thực hiện tiếp giao dịch bán cổ phiếu DGC từ ngày 13/1/2022 đến ngày 11/2/2022, song không thành công.

Đến tháng 3/2022, Vinachem đã bán xong toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu DGC tương ứng 3,53% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 3/3 đến ngày 10/3/2022. Theo giá chốt phiên 10/3 (chưa điều chỉnh) là 187.000 đồng/CP, tương đương Vinachem thu về hơn 1.129 tỷ đồng.

Tính ra sau 2 lần bán, Vinachem thu về hơn 2.500 tỷ đồng.

Có thể thấy, thương vụ thoái vốn của Vinachem khỏi DGC được thực hiện đúng trong giai đoạn mã DGC tăng rất mạnh. Xét từ đầu năm 2020 đến mức đỉnh trong 2022, DGC tăng đến gấp 14,5 lần.

Diễn biến cổ phiếu DGC từ đầu năm 2021 đến mức đỉnh năm 2022. Ảnh: TCBS.

Gần 2 thập niên của doanh nhân Đào Hữu Huyền tại DGC

Giới đầu tư đánh giá cao sự hiện diện của Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền tại DGC. Kinh nghiệm hàng chục năm của ông trong lĩnh vực hóa chất, cộng thêm những quyết sách M&A với một số doanh nghiệp đã giúp DGC phát triển từng bước chắc chắn, không chỉ đơn thuần sản xuất kinh doanh mặt hàng truyền thống bột giặt, nguyên liệu sản xuất bột giặt, mà còn mở rộng sang một số lĩnh vực như: Sản xuất hóa chất công nghiệp, hóa chất tinh khiết,....

Trong đó, phải kể đến các thương vụ M&A CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai (nay là Công ty TNHH MTV Hóa Chất Đức Giang Lào Cai) – thực hiện trong năm 2018, thông qua phát hành cổ phần hoán đổi (tỷ lệ 1:1) cho các cổ đông hiện hữu công ty này. Ngoài ra, với hình thức tương tự, DGC cũng mua lại CTCP Hóa chất Phân bón Lào Cai và CTCP Hóa chất Bảo Thắng.

Công cuộc tái cấu trúc kể trên là cơ sở cho đà tăng trưởng mạnh của doanh nghiệp này. Xét giai đoạn 2017-2023, doanh thu và lãi ròng công ty gây ấn tượng khi tăng lần lượt 158,5%/năm và 145%/năm.

Đặc biệt, năm 2021 và 2022 của công ty ghi nhận các KQKD tăng trưởng đột biến với lãi ròng năm 2021 đạt 2.513 tỷ đồng (tăng gấp 2,6 lần so với năm 2020) và năm 2022 là gần 6.037 tỷ đồng (tăng gấp 2,4 lần).

Giới chuyên gia nhìn nhận KQKD DGC tích cực nhờ việc Trung Quốc trong năm 2021 rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng nội địa, cộng thêm quốc gia này thực hiện các biện pháp hạn chế sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường đã khiến giá phốt pho vàng liên tục tăng mạnh. DGC hưởng lợi lớn khi là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về phốt pho vàng. Bên cạnh đó, phốt pho cũng là nguyên liệu chính để sản xuất chip (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin).

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, các chỉ tiêu KQKD của DGC có dấu hiệu suy giảm thời gian gần đây. Theo đó, trong năm 2023, doanh thu DGC đạt 9.748 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2022; lãi sau thuế 3.250 tỷ đồng, giảm hơn 46%. Qua đó, cũng đánh dấu năm đầu tiên DGC sụt giảm doanh thu/lợi nhuận sau 3 năm tăng trưởng liên tục.

Cập nhật BCTC quý I/2024, doanh thu DGC đạt 2.385 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi các chi phí và giá vốn, lãi ròng công ty đạt gần 704 tỷ đồng, giảm hơn 14%. Đây cũng là mức lãi thấp nhất trong vòng 10 quý kể từ quý IV/2021 của tập đoàn này.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 mới đây, DGC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 10.202 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.100 tỷ đồng. Như vậy, hết quý I/2024, công ty hoàn thành 23% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra.

Hữu Bật-Link gốc