• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.244,71 -10,18/-0,81%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.244,71   -10,18/-0,81%  |   HNX-INDEX   224,45   -0,96/-0,43%  |   UPCOM-INDEX   91,61   -0,35/-0,38%  |   VN30   1.312,64   -12,98/-0,98%  |   HNX30   481,96   -2,47/-0,51%
05 Tháng Mười Một 2024 5:22:10 SA - Mở cửa
Đà bán ròng tỷ đô của khối ngoại bao giờ dừng lại?
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 06/06/2024 8:55:17 SA

Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 36.404 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD), vượt xa con số 22.114 tỷ đồng trong cả năm 2023, trong đó có hàng chục mã chứng khoán bị bán ròng với giá trị vượt nghìn tỷ đồng.

Khối ngoại mạnh tay bán ròng từ đầu năm đến nay. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu.

Trong phiên giao dịch 5/6, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua ròng với tổng giá trị 20,23 tỷ đồng, qua đó ngắt mạch 14 phiên bán ròng liên tục. Xét từ đầu năm đến nay, NĐTNN bán ròng hơn 36.404 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD), vượt xa con số 22.114 tỷ đồng trong cả năm 2023.

Một dữ liệu cho thấy có hàng chục mã chứng khoán bị bán ròng với giá trị vượt hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, mã VHM bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với tổng cộng xấp xỉ hơn 10.281 tỷ đồng. Không chỉ VHM, VRE cũng nằm trong top 10 mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 2.400 tỷ đồng.

Top các mã bị bán ròng còn có 2 chứng chỉ quỹ bao gồm FUEVFVND của quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND (hơn 5.352 tỷ đồng) và FUESSVFL của quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD (1.883 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, chỉ 4 mã chứng khoán được khối này giải ngân với tổng giá trị lớn hơn nghìn tỷ là MWG (2.572 tỷ đồng), BHI (1.628 tỷ đồng), AIC (1.263 tỷ đồng), IDC (1.153 tỷ đồng).

Đáng chú ý, dữ liệu từ Yuanta Việt Nam cho thấy dòng vốn ròng các quỹ ETF tại Việt Nam tính từ đầu năm nay bị rút 610,5 triệu USD (tương đương hơn 15.262 tỷ đồng), tức chiếm gần 42% tổng lượng bán ròng của khối ngoại trong năm nay.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá tác nhân chính khiến NĐTNN bán ròng mạnh tay từ đầu năm đến nay xuất phát từ lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao, thậm chí bỏ ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm lần nữa.

Một số liệu từ Financial Times cho thấy, thị trường quyền chọn đang phản ánh có tỷ lệ khoảng 20% FED sẽ có một đợt tăng lãi suất trong thời gian 12 tháng tới.

Việc FED neo lãi suất cao khiến định giá TTCK Việt Nam và các khu vực cận biên trở nên kém hấp dẫn hơn. Thêm vào đó, diễn biến tỷ giá tại nhiều thị trường (trong đó có Việt Nam) bị mất giá so với đồng USD đã dẫn tới áp lực rút vốn tăng tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, việc một số TTCK ở các nước phát triển ghi nhận mức tăng tốt càng là lý do khiến khối ngoại rút ròng mạnh khỏi các quốc gia mới nổi. Điều này giúp khoản đầu tư của họ vừa có hiệu quả hơn, vừa đỡ áp lực tỷ giá.

Mặc dù tỷ lệ sở hữu của NĐTNN không chiếm tỷ trọng lớn trên TTCK Việt Nam (đến cuối năm 2023, tỷ lệ này chỉ khoảng 17,2%, và trong nhóm VN30 thì chỉ chiếm 25-30%), song cần nhìn nhận việc nhóm này liên tục bán ròng đã trở thành trở ngại tâm lý khiến VN-Index chưa thể vượt mốc 1.300 điểm.

"GTGD bán ròng của NĐTNN chỉ chiếm khoảng 7-9% tổng thanh khoản toàn thị trường, nên rõ ràng về định lượng thì không có ảnh hưởng, nhưng về định tính thì chắc chắn tác động đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước. Vốn không phải những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ chắc chắn sẽ đặt dấu hỏi về lý do khối ngoại liên tục bán ròng" ông Minh nói.

Dù vậy, giới chuyên gia nhìn nhận với việc VN-Index vẫn giữ mức tăng trưởng gần 14% tính từ đầu năm là minh chứng cho thấy rõ ràng vốn nội trong nước rất mạnh và đủ lực để "cân" đà bán ròng của khối ngoại. Một số ý kiến nhìn nhận một khi NĐTNN ngừng hoặc giảm bớt đà bán ròng, TTCK trong nước sẽ dễ dàng vượt mốc kháng cự quan trọng 1.300 điểm.

Dự báo về diễn biến dòng vốn ngoại trong thời gian tới, ông Minh đánh giá câu chuyện chênh lệch lãi suất và tỷ giá vẫn là tác nhân chính. Dù đã xuất hiện một số dự báo FED có thể tăng lãi suất, song ông Minh nhìn nhận giới đầu tư nói chung vẫn kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất, kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, dòng vốn sẽ trở lại thị trường mới nổi, trong đó có cả TTCK Việt Nam...

Chuyên gia từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh để "giữ chân" dòng vốn ngoại về lâu dài, TTCK Việt Nam cần có các "sản phẩm", "hàng hóa", cổ phiếu mới chào sàn chứng khoán. Từ sau làn sóng niêm yết hồi năm 2018, đến nay có rất ít đơn vị cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc thị trường rơi vào tình trạng thiếu cung cổ phiếu, thiếu sản phẩm đầu tư thì khó để giữ tiền của NĐTNN.

Tiền của NĐTNN đầu tư vào TTCK Việt Nam để ở đâu?

Ông Nguyễn Thế Minh: Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam thông qua việc mở tài khoản trực tiếp – cách sẽ ít tốn thời gian, song nhiều nghiệp vụ; đầu tư qua quỹ đầu tư/các quỹ (quỹ hoán đổi danh mục) tại Việt Nam và quỹ đầu tư “offshore” không đặt trụ sở ở Việt Nam.

Thông thường, NĐTNN sẽ đầu tư qua kênh ETF (ở các quốc gia khác, ví dụ Thái Lan thì họ đầu tư qua chứng chỉ DR). Có thể hiểu, ETF (Exchange Traded Fund) là một quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu. ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán tương tự như cổ phiếu. Đây được xem là một cách đầu tư chứng khoán thụ động.

Cách này giúp NĐTNN tiết kiệm thời gian, chi phí. Khi muốn đầu tư, họ sẽ giải ngân mua vào cổ phiếu. Thông qua quỹ ETF, nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ gián tiếp sở hữu những cổ phiếu đã đạt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa mà họ không thể mua được trực tiếp. Chiều ngược lại, khi nhà đầu tư nước ngoài bán ra cổ phiếu, các quỹ ETF cũng bán ra một lượng tương ứng tại TTCK Việt Nam để có tiền trả cho nhà đầu tư.

Thời gian vừa qua, đà bán ròng của khối ngoại thông qua ETF chiếm non nửa tổng lượng bán ròng trong năm nay.

Ngoài ra, các quỹ đóng nước ngoài tại Việt Nam cũng thực hiện việc bán ra cổ phiếu để chốt lời, tái cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, các quỹ này thông thường sẽ vẫn bám trụ ở Việt Nam. Nếu không đầu tư cổ phiếu, họ sẽ mua trái phiếu Chính phủ hoặc các tài sản khác tại Việt Nam.

Khánh An-Link gốc