Gần 2/3 số công trình điện gió và điện mặt trời lớn đang được xây dựng trên toàn cầu đều ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Theo một nghiên cứu công bố ngày 11/7, gần 2/3 số công trình điện gió và điện mặt trời lớn đang được xây dựng trên toàn cầu đều ở Trung Quốc, nơi sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo đã làm giảm tỷ lệ sản xuất điện từ than đá.
Tổ chức Nghiên cứu Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM), có trụ sở tại Mỹ, cho biết Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở điện gió và điện mặt trời quy mô lớn với công suất 339GW, tương đương 64% tổng sản lượng toàn cầu, gấp tám lần số dự án của Mỹ, nước hiện đứng thứ hai với công suất chỉ 40GW.
Các chuyên gia của GEM cho biết tốc độ xây dựng của Trung Quốc giúp đưa mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào cuối năm 2030 trở nên “trong tầm tay,” ngay cả khi không có thêm nhiều thủy điện.
Cuối tuần qua, GEM nhận định Bắc Kinh đang trên đà đạt được mục tiêu đến năm 2030 lắp đặt 1.200GW năng lượng gió và mặt trời trong tháng này - sớm hơn sáu năm so với dự kiến.
Theo chuyên gia phân tích Aiqun Yu của GEM, sự bùng nổ về năng lượng tái tạo vẫn là một thách thức đối với lưới điện chủ yếu dựa vào than đá của Trung Quốc và sự cần thiết phát triển khả năng truyền tải nhanh hơn của lưới điện.
Còn theo phân tích của Lauri Myllyvirta, chuyên gia cao cấp tại Viện Chính sách xã hội châu Á, trong tháng Năm, Trung Quốc sản xuất 53% điện năng từ than, một tỷ lệ thấp kỷ lục, trong khi điện năng đến từ nhiên liệu không hóa thạch cũng đạt mức kỷ lục 44%.
Điều này cho thấy lượng khí thải carbon của nước này có thể đã đạt đỉnh vào năm ngoái, nếu xu hướng này được duy trì.
Trong tháng 5/2023, tỷ trọng điện than của Trung Quốc đã giảm từ 60% còn 53%, điện mặt trời tăng lên mức 12% và điện gió lên mức 11%, thủy điện ở mức 15%, hạt nhân với 5% và sinh khối ở mức 2%.
Sự gia tăng năng lượng tái tạo dẫn đến lượng khí thải carbon dioxide từ ngành điện, hiện chiếm khoảng 40% tổng lượng khí thải của Trung Quốc giảm 3,6% trong tháng Năm./.