Kiểm tiền mệnh giá 10.000 yen Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng yen đã liên tục trượt xuống các mức thấp kỷ lục mới trong 38 năm, khiến các nhà giao dịch cảnh báo về khả năng các nhà chức trách Nhật Bản can thiệp thị trường để bảo vệ đồng tiền.
Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến điều này chưa diễn ra.
Trước hết, chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản đang gây sức ép xuống giá lên đồng yen, khiến chính sách tiền tệ trở thành yếu tố chính tác động đến đồng tiền Nhật Bản.
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu tiến gần đến việc hạ lãi suất và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến tăng chậm lãi suất từ mức gần 0% trong năm nay, mức chênh lệch 5 điểm phần trăm cuối cùng sẽ được thu hẹp, nhờ đó ngăn chặn, nếu không đảo ngược, đà xuống giá của đồng yen.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ cho đồng yen có thể bị hạn chế, khi lãi suất tại Nhật Bản được cho là sẽ tăng nhẹ và chậm. BoJ muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với lương tăng mạnh và lạm phát bền vững.
Tiếp đó, quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ chậm sẽ làm tăng sức hấp dẫn của đồng yen trong các giao dịch mà các nhà đầu tư vay các đồng tiền có lãi suất thấp để thu lại lợi nhuận từ việc mua vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn.
Một ví dụ là các giao dịch vay đồng yen để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ mang lại lợi nhuận gần 6%.
Việc đường cong lợi suất trái phiếu của Mỹ đảo ngược cũng thúc đẩy đầu tư bằng đồng USD vào trái phiếu của Mỹ.
Ngoài ra, ngược lại với sự suy yếu của đồng yen là việc đồng USD duy trì đà tăng nhờ nền kinh tế Mỹ mạnh.
Việc số liệu việc làm hay lạm phát của Mỹ tích cực sẽ có những tác động tiêu cực đến các thị trường. Nếu các số liệu gây bất ngờ, đẩy đồng USD lên giá, việc can thiệp thị trường sẽ khó có tác dụng.
Mặc dù đồng yen yếu là điều thường được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông, những tác động tiêu cực có thể phần nào được giảm bớt nhờ giá cổ phiếu tại Nhật Bản cao kỷ lục và tăng trưởng lương nhanh nhất trong 33 năm.
Sự xuống giá lần này của đồng yen không gây phản ứng tiêu cực như trong lần can thiệp bán USD của Nhật Bản vào cuối năm 2022, lần đầu tiên kể từ năm 1998 và được chấp nhận như một thực tế.
Mặc dù Nhật Bản có khả năng can thiệp với dự trữ ngoại tệ ở mức 1.230 tỷ USD, hai lần can thiệp kể từ tháng 9/2023 không mang lại nhiều tác dụng.
Các quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản đã nhắc lại cảnh báo sẵn sàng hành động và những cảnh báo này đã giúp biến động của đồng yen diễn ra ở mức thấp, chậm và ổn định./.