Xu hướng tăng trong trung và dài hạn của chỉ số VN-Index là khá rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, có 2 yếu tố rủi ro lớn với thị trường ở giai đoạn này là vấn đề tỷ giá và áp lực từ bán ròng của khối ngoại.
Thống kê trong tháng 6/2024, khối ngoại vẫn duy trì lực bán ròng mạnh với giá trị hơn 16.738 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 16.591 tỷ đồng trên sàn HoSE và hơn 220 tỷ đồng trên sàn UPCoM, và mua ròng hơn 74 tỷ đồng trên sàn HNX. Tổng giá trị bán ròng lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024 của nhà đầu tư nước ngoài lên tới hơn 49,7 nghìn tỷ đồng.
Áp lực từ khối ngoại bán ròng
Cụ thể hơn, trong giao dịch của khối ngoại, giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF đạt hơn 17,1 nghìn tỷ đồng, gấp 10,7 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 (hơn 1,5 nghìn tỷ đồng) và tương đương 33,5% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.
Vấn đề tỷ giá và áp lực từ bán ròng của khối ngoại là 2 yếu tố cần chú ý trong thời điểm này.
Đáng chú ý, quỹ ngoại Fubon FTSE Vietnam ETF - quỹ ETF có quy mô lớn nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã duy trì xu hướng bán ròng xuyên suốt từ đầu tháng 5 cho tới hiện tại. Một số phiên, dòng vốn đảo chiều mua ròng song giá trị không thấm vào đâu với đà bán ra mạnh, thậm chí đà rút ròng còn trở nên mạnh hơn trong vài phiên gần đây.
Thống kê từ đầu tháng 7 tới nay, Fubon FTSE Vietnam ETF liên tiếp rút ròng khoảng 20 triệu USD, tương đương gần 510 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Việt Nam đã bị bán ròng trong chưa đầy nửa tháng qua.
Với đà bán ròng mạnh, quỹ ETF này từ đầu năm 2024 ghi nhận rút ròng lên tới 107 triệu USD, tương đương khoảng 3.200 tỷ đồng.
Có thể thấy, xu hướng bán ròng đã bắt đầu tư đầu năm 2023 và ngày càng gia tăng. Dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại không quá lớn, nhưng phần nào cũng có thể tạo áp lực đến thị trường.
“Nhà đầu tư ngoại thường đóng góp khoảng 10% giá trị giao dịch trên TTCK Việt Nam, nên việc khối ngoại bán ròng kỷ lục chắc chắn tác động đến thị trường”, bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Shinhan Việt Nam nhận xét.
Không chỉ riêng Việt Nam mà dòng vốn tại khu vực Đông Nam Á cũng tiếp tục ghi nhận rút ròng tháng thứ 6 liên tiếp với giá trị 186 triệu USD.
Nhận định về dòng vốn ngoại nói riêng và ETF nói chung trong thời gian tới, theo quỹ ngoại Lumen Fund Vietnam, có một số yếu tố chính định hình sự tăng trưởng của thị trường gồm: Khả năng giảm áp lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố tích cực đáng kể cho thị trường. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất, các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm mới của nhà đầu tư nước ngoài.
Việc TTCK Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi bởi FTSE vào tháng 9/2025 có thể sẽ thúc đẩy thêm các dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi các thay đổi về quy định, như việc gỡ bỏ yêu cầu thanh toán trước, được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.
Tỷ giá có xu hướng tăng
Bên cạnh áp lực từ bán ròng của khối ngoại, giới phân tích nhấn mạnh vấn đề tỷ giá cũng nên được quan sát.
Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng Phòng Phân tích chiến lược, Chứng khoán KIS Việt Nam, Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu cao, vì thế việc giữ tỷ giá ổn định là điều cần thiết để không tạo áp lực lên sự tăng trưởng chung. Tuy nhiên, tỷ giá liên tục có xu hướng tăng từ đầu năm, đến nay đã tăng 4,2%. Mặc dù đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây, nhưng nếu xu hướng tăng trở lại thì áp lực lên toàn bộ nền kinh tế sẽ không nhỏ.
Trong báo cáo triển vọng thị trường nửa cuối 2024, Chứng khoán KBSV cho rằng xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất trước áp lực tỷ giá cũng là yếu tố tác động đến thị trường, bởi đây là một trong những yếu tố chính sẽ định hình xu hướng TTCK Việt Nam.
Nhóm phân tích dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng tăng 0,7% - 1% trong nửa cuối năm 2024, gây áp lực lên TTCK. Đây là hệ quả của các chính sách ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước như hút ròng qua kênh tín phiếu, bán dự trữ ngoại hối (ước tính 6 tỷ USD trong nửa đầu năm), nâng lãi suất OMO, tín phiếu.
Về chính sách tiền tệ của Fed, KBSV hạ dự báo số lần hạ lãi suất của Fed trong năm nay xuống còn 1 lần, thay vì dự báo 3 lần trong báo cáo gần nhất. Điều này cho thấy áp lực tỷ giá vẫn sẽ còn căng thẳng trong ít nhất nửa đầu quý III, trước khi hạ nhiệt trong quý IV, sau khi Fed thực hiện hạ lãi suất vào tháng 9 và nguồn cung ngoại tệ được hỗ trợ mạnh nhờ kiều hối và mùa xuất khẩu cao điểm cuối năm.
Với dữ liệu hiện nay của nền kinh tế Mỹ, Fed hoàn toàn có thể trì hoãn giảm lãi suất đến thời điểm sau tháng 9 năm nay. Đồng thời, kỳ vọng lần giảm lãi đầu tiên với 25 điểm cơ bản (không quá lớn), đồng nghĩa với việc lãi suất vẫn còn ở mức tương đối cao. Theo đó, đồng USD duy trì sức mạnh kết hợp cùng mức chênh lệch lãi suất giữa USD-VND còn gây căng thẳng lên tỷ giá.
"Mặt bằng lãi suất thấp nhiều khả phải tăng lên để giảm bớt áp lực. Điều này sẽ ảnh hưởng tương đối kém tích cực đối với diễn biến của TTCK trong nước. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư trông chờ vào đợt giảm lãi suất sớm của Fed trong năm nay bị ảnh hưởng khi không đạt kỳ vọng có thể gây ra áp lực bán trong ngắn hạn", báo cáo của KBSV nêu.
Hải Giang-Link gốc