Sau "con sóng" đầu năm tăng mạnh, nhóm cổ phiếu chứng khoán dường như vẫn “đuối sức”. Chuyên gia cho rằng dư địa tăng ngắn hạn của nhóm này không còn nhiều, song vẫn được đánh giá cao trong trung và dài hạn.
VN-Index liên tục lỡ hẹn trước ngưỡng điểm quan trọng 1.300 khiến xu hướng tăng của thị trường bị nghi ngờ. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cùng nhóm ngân hàng được coi là lực cản chính của thị trường.
Dư địa tăng ngắn hạn không còn nhiều
Chẳng hạn trong phiên 15/7, áp lực bán gia tăng đã khiến nhiều mã đảo chiều giảm, đặc biệt là sự quay đầu điều chỉnh của nhóm ngân hàng và chứng khoán đã "níu chân" khiến thị trường khó hồi phục.
Hay như trong phiên giao dịch ngày 12/7, VN-Index mở cửa trong sắc xanh, nhưng sau hơn 1 giờ giao dịch, áp lực bán gia tăng trên diện rộng cùng dòng tiền khá thận trọng đã khiến các chỉ số chính rung lắc và chìm trong sắc đỏ ở cuối phiên. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch tiêu cực nhất khi bị “sắc đỏ” phủ kín.
Dư địa tăng trong ngắn hạn của cổ phiếu chứng khoán không còn nhiều, song triển vọng trung - dài hạn duy trì tích cực.
Có thể thấy, nhóm cổ phiếu chứng khoán dường như vẫn “đuối sức” sau đà tăng mạnh hồi đầu năm.
Trong khoảng 4 tháng đầu năm 2024, cổ phiếu chứng khoán đã tạo nên “con sóng” sau khi hé lộ bức tranh kết quả kinh doanh quý I đầy khởi sắc cùng sức hút từ “game” tăng vốn. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 tới nay, nhóm này lại cho thấy diễn biến có phần "hụt hơi" so với các ngành khác. Giao dịch ghi nhận ảm đạm, nhiều mã không thể giữ được thành quả tăng giá trước đó.
Trên thực tế, trong bối cảnh thanh khoản thị trường chứng khoán (TTCK) dần ảm đạm khi tâm lý thận trọng bao trùm, việc tăng giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán trở nên khó khăn hơn.
Theo ghi nhận, thanh khoản khớp lệnh có xu hướng đi xuống từ cuối quý I. Sau khoảng hơn 3 tháng, khối lượng khớp lệnh bình quân 20 phiên trên HoSE đã rơi xuống vùng thấp nhất trong hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu cải thiện.
Bên cạnh đó, việc lãi suất có xu hướng nhích dần ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường, đặc biệt nhóm công ty chứng khoán (CTCK) khi hoạt động cho vay, sử dụng margin hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường. Hơn nữa, thiếu động lực từ margin có thể sẽ khiến nút thắt thanh khoản khó được cởi bỏ trong ngắn hạn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu từ hoạt động môi giới, cho vay margin.
Mặt khác, việc VN-Index chưa thể bứt phá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến danh mục tự doanh, vốn mang lại lợi nhuận đáng kể cho các CTCK những năm gần đây.
Ngoài ra, sự chậm trễ của dự án hệ thống giao dịch chứng khoán mới KRX hay việc nâng hạng thị trường mới nổi vẫn còn bỏ ngỏ cũng là yếu tố không tích cực.
Theo ông Duy Phương, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Chứng khoán Yuanta, tỷ giá USD/VND neo cao, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 6 tỷ USD để giảm bớt căng thẳng tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng tăng lên gần 5%/năm…, các dữ liệu này cho thấy chu kỳ thanh khoản trên TTCK đang bị co lại, dòng tiền với lãi suất rẻ không còn dồi dào như trước.
“Trong ngắn hạn, lãi suất tăng, áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu và động thái bán ròng của khối ngoại kéo dài khiến khối nội “chùng tay”, dẫn tới thanh khoản thấp là điều dễ hiểu, nhưng chưa đến mức “nguy hiểm”, mà chỉ phát đi tín hiệu là VN-Index sẽ khó tăng mạnh, có thể xuất hiện nhiều nhịp rung lắc. Trong đó, nhóm chứng khoán cũng khó tạo sóng, vì nhiều cổ phiếu có định giá không còn rẻ và câu chuyện kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong thời gian tới đang thiếu cơ sở”, ông Phương nhận xét.
Triển vọng trung - dài hạn duy trì tích cực
Dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, Chứng khoán AgriBank (Agriseco) cho rằng khi yếu tố kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II qua đi, dòng tiền có thể sẽ tìm đến các nhóm ngành có độ nhạy cao với lãi suất (như Bất động sản, Chứng khoán) trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang bắt đầu bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lưu ý mức định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện tại đã phần nào phản ánh triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2024. Hiện tại, các cổ phiếu trong ngành đều đang giao dịch ở mức trên hoặc tiệm cận vùng std+1 của trung bình P/B 5 năm. Cùng với khoảng trống thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện KRX, nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể ghi nhận các nhịp điều chỉnh – tích lũy ngắn hạn.
Dù vậy, triển vọng của nhóm chứng khoán vẫn được đánh giá tương đối lạc quan trong dài hạn. KBSV duy trì quan điểm tích cực về giá và thanh khoản đối với TTCK Việt Nam trong nửa cuối năm 2024.
Theo KBSV, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt khoảng 10% trong năm nay và định giá vẫn đang ở ngưỡng hợp lý. Mức nền lãi suất sau khi tăng vẫn có thể kích thích nhu cầu đầu tư chứng khoán khi kênh tiền gửi không đem lại lợi nhuận đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, các động thái kỳ vọng giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong nửa cuối năm 2024 và 2025 sẽ thu hẹp khoảng cách lãi suất với Việt Nam, qua đó có thể tác động làm thay đổi động thái bán ròng của khối ngoại đã diễn ra trong giai đoạn vừa qua.
Đặc biệt, nâng hạng thị trường sẽ là động lực cho ngành trong trung – dài hạn. Theo quan điểm của KBSV, khả năng để thị trường Việt Nam có thể được quyết định nâng hạng trong kỳ tháng 9/2024 là không cao do để thay đổi quy trình giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước (pre-funding) cần thời gian để các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế cũng như các CTCK cần chuẩn bị về nguồn lực, hệ thống và các phương án quản trị rủi ro phù hợp. Tuy nhiên, với quyết tâm từ phía Chính phủ, KBSV kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong năm 2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2025 – 2026.
Bên cạnh đó, "game" tăng vốn tiếp tục phả hơi nóng khi các CTCK khả năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng vốn trong phần còn lại của năm 2024. Theo tổng hợp của KBSV, nhóm CTCK được quan sát dự kiến tăng tổng cộng hơn 26.000 tỷ đồng vốn điều lệ, tương đương mức tăng ~ 23% so với quý I/2024 thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ và ESOP. Nguồn vốn mới tăng thêm sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các CTCK gồm tăng nguồn lực cho vay ký quỹ; tăng nguồn lực cho mảng đầu tư cũng như đầu tư cho hệ thống, công nghệ, nhân sự.
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều nhận định sẽ có sự phân hóa diễn ra, do cấu trúc CTCK có nhiều thay đổi khiến hoạt động kinh doanh có sự khác biệt rõ rệt. Những công ty đã tăng vốn hoặc có kế hoạch tăng vốn mạnh khiến tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng lớn sẽ khó tăng giá hơn. Cổ phiếu các công ty tầm trung dễ bật lên hơn nếu kết quả kinh doanh ấn tượng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể quan sát và chọn cổ phiếu của CTCK có thể thực hiện pre-funding (khối ngoại không cần ký quỹ trước khi mua cổ phiếu, chỉ cần trả tiền vào sáng ngày T+2). Pre-funding là một trong những giải pháp nhằm nâng hạng TTCK, nên nhà đầu tư cần bám sát tiến độ được phép áp dụng nói riêng, tiến độ nâng hạng thị trường nói chung.
Hải Giang-Link gốc