• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
25 Tháng Mười Một 2024 2:46:42 SA - Mở cửa
Điều gì đang ‘lay động’ các cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 12/08/2024 8:36:46 SA

Các cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam như cà phê, tiêu, điều, cao su đang đối mặt với những thay đổi đáng kể trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, sản lượng giảm và giá tăng, áp lực môi trường tăng cao, ảnh hưởng đến năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu. Chuỗi giá trị thiếu hiệu quả cũng đặt ra một số thách thức, đòi hỏi cần có giải pháp căn cơ hơn nữa.

Theo tính toán mới đây của Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa), nguồn hàng cà phê cho xuất khẩu (XK) đang trông chờ vào niên vụ thu hoạch mới vào tháng 10 năm nay. Hiện tại trong nước chỉ còn khoảng 148.000 tấn cà phê để XK trong 2 tháng còn lại của niên vụ 2023/2024 (từ tháng 8 đến đến hết tháng 9).

Thách thức sản lượng giảm, giá biến động

Như vậy có thể thấy phải đến tháng 10/2024, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 bắt đầu, thì nguồn cung cà phê mới tăng trở lại. Tuy thế, sản lượng cà phê niên vụ mới nhiều khả năng sẽ vẫn giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi. Còn theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam ước đạt 1,47 triệu tấn, là mức thấp nhất trong 4 năm, giảm 20% so với niên vụ 2022-2023.

Các DN xuất khẩu cà phê đang đối mặt hai thách thức lớn là nguồn cung nguyên liệu suy giảm và giá cả biến động mạnh. 

Bàn về ngành hàng cà phê Việt (một trong những cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam), Ts. Devmali Perera, chuyên gia tài chính thuộc Đại học RMIT, cho rằng thị trường cà phê Việt Nam phải đối mặt với hai thách thức chính trong năm nay là sản lượng giảm và giá tăng.

“Giá tăng do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều tăng cao, đặc biệt là tại các nước Đông Nam Á, trong khi đó điều kiện thời tiết bất lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng góp phần khiến sản lượng giảm”, Ts. Perera nói.

Như lưu ý của vị chuyên gia này, nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp hạn chế đang tạo ra thêm nhiều biến động về giá cả và sự bất ổn trong thị trường cà phê. Không những vậy, các đơn vị XK cà phê của Việt Nam hiện đang phải vật lộn với áp lực tài chính, thiếu hụt sản phẩm và chi phí vận chuyển cao hơn, khiến họ thận trọng hơn khi nhận đơn đặt hàng mới.

Không chỉ với cà phê, tình cảnh thị trường biến động giá, sản lượng giảm cũng đang là thách thức chung với một số cây công nghiệp chủ lực khác như hồ tiêu, điều, cao su. 

Đơn cử như hồ tiêu vẫn đang lo thiếu hụt nguồn cung. Sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước, là mức thấp nhất 5 năm trở lại đây. 

Còn xét về giá, trong một tháng trở lại đây, giá tiêu nội địa có xu hướng đi ngang (trong thượng tuần tháng 8/2024 dao động quanh ngưỡng 148.000 đồng/kg) sau khi đạt đỉnh hồi tháng 6/2024 (ở mức 180.000 đồng/kg) qua một đợt tăng mạnh 125% từ mức khoảng 80.000 (hồi đầu năm). 

Như cảnh báo mới đây từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các cây trồng khác như sầu riêng và cà phê, cùng với những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đang là những nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu trở nên bất ổn. Đơn cử như giá hồ tiêu có thể tăng giảm đột ngột chỉ trong vòng một ngày. 

Theo VPSA, hồ tiêu ngày càng bị cạnh tranh bởi cây trồng khác. Diện tích trồng mới tuy có nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6-2. Sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều.

Hay như ở ngành điều, do thiếu hụt nguồn cung trong nước nên hiện chỉ chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu để chế biến, còn tới 90% phụ thuộc vào nhập khẩu. Và ngành này đang gặp khó vì giá nguyên liệu tăng cao (có thời điểm giá điều thô được đẩy lên đến 1.500 - 1.600 USD/tấn, tăng gần 50% so với trước). Không những thế, việc các nhà cung cấp điều thô nâng giá bán hoặc không giao hàng đã gây nhiều khó khăn cho các nhà XK điều của Việt Nam. 

Ngành này được cho là đang chứa đựng nghịch lý khi tăng trưởng XK hạt điều phục hồi rất tốt (riêng nửa đầu năm nay đã tăng 18,7% so với cùng kỳ năm rồi), thế nhưng nội lực và giá trị gia tăng mang về của các DN trong ngành có xu hướng giảm. Điều đó dẫn đến việc đầu tư phát triển cây điều chưa như mong đợi, diện tích trồng đang bị thu hẹp do người dân chuyển đổi sang cây trồng khác (diện tích cây điều cả nước năm 2023 đạt 300.000 ha, giảm hơn 22.000 ha so với năm 2022).

Chuỗi giá trị thiếu hiệu quả, cần giải pháp căn cơ

Như ở “thủ phủ” ngành điều là tỉnh Bình Phước, tính đến nay cây điều có diện tích 149.647 ha, giảm 1,52% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính chung diện tích cây công nghiệp chủ lực của tỉnh là cao su, điều và hồ tiêu hiện có 405.609 ha, giảm 1,37% so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nếu Việt Nam không có chính sách canh tác, mở rộng diện tích cây điều phù hợp thì tới một lúc nào đó chúng ta sẽ hết nguyên liệu tại chỗ, nguồn cung cũng càng giảm. Tới lúc nào đó chúng ta sẽ mất vị thế là nước xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới. Vì vậy, thời gian tới, cần có chính sách để mở rộng diện tích trồng điều, bảo đảm chất lượng, giá bán.

Còn với ngành hàng cao su cũng đang chứa đựng những vấn đề đáng ngại từ khâu chính sách, về điều kiện môi trường, thị trường có thuận lợi hay không, yếu tố cạnh tranh…

Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VFS, nguồn cung cao su tự nhiên đang bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết và đất canh tác. Giá cao su giảm mạnh trong các năm khiến nông dân từ bỏ việc trồng cây để chuyển sang các loại cây trồng thay thế có hiệu quả sản xuất cao hơn. Điển hình như ở Việt Nam, giá thu mua mủ giảm hơn 20% trong 3 năm gần đây khiến người dân chuyển sang trồng mía, keo, điều…

Mặt khác, nhu cầu cao su tự nhiên của thị trường Trung Quốc (hiện chiếm 64,8% về trị giá trong tổng kim ngạch XK cao su của Việt Nam) được dự báo sẽ có không ít bất ổn, thậm chí là suy yếu. Đây cũng là một thách thức cho các DN xuất khẩu cao su khi phụ thuộc nhiều thị trường này. 

Trong khi đó, theo Nikkei Asia, giá cao su tự nhiên quốc tế đã chạm mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua, do mối quan ngại về nguồn cung giảm đã dịu bớt cùng với sự bất ổn về nhu cầu của Trung Quốc.

Nhìn một cách tổng quan, đang có những yếu tố được ví như “gió lớn” làm “lay động” một số cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, từ cây cà phê cho tới hồ tiêu, điều, cao su khi mà chuỗi giá trị còn thiếu hiệu quả. Trong đó nổi cộm nhất là vấn đề thị trường toàn cầu có nhiều biến động, nguồn cung suy giảm. 

Cho nên, để hóa giải những thách thức phía trước, đòi hỏi các cây công nghiệp chủ lực này phải có giải pháp căn cơ hơn nữa (như áp dụng phương pháp canh tác bền vững và tiêu chuẩn chất lượng, đầu tư vào nâng cao năng lực, nghiên cứu và phát triển (R&D), hỗ trợ của Chính phủ về cơ sở hạ tầng, tài chính và tiếp cận thị trường) để bảo đảm thành công lâu dài trên thị trường toàn cầu.

  Thế Vinh-Link gốc