Do gặp thách thức lớn nhất từ nhu cầu thị trường trong nước thấp cùng sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong ngành diễn ra ngày càng gay gắt, gam màu xám vẫn tiếp tục đeo bám các doanh nghiệp xi măng. Tuy nhiên, nếu tình hình ngành chuyển biến tích cực thì đây là nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư nên theo dõi.
Theo thống kê tại 18 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán, trong nửa đầu năm, các công ty lỗ trước thuế gần 110 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước.
Gam màu xám vẫn tiếp tục đeo bám
Riêng quý II/2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp đạt 79,5 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thua xa thời điểm kinh doanh thuận lợi như thời điểm quý II/2021 (508 tỷ đồng). Trong số đó, 5/18 doanh nghiệp vẫn báo lỗ; 8/18 doanh nghiệp có lãi nhưng tăng trưởng âm; 5 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận nhưng phần lớn tăng từ mức nền cơ sở thấp (khá sát gần mức hòa vốn) hoặc thua lỗ của cùng kỳ.
Gam màu xám vẫn tiếp tục đeo bám các doanh nghiệp xi măng.
Điển hình, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) duy trì chuỗi thua lỗ từ quý IV/2022 đến nay, qua đó nâng khoản lỗ lũy kế lên 182 tỷ đồng, tương đương 14% vốn điều lệ. Doanh thu giảm cùng chi phí giá vốn tăng đã khiến biên lợi nhuận chỉ hơn 1,1%, đồng nghĩa cứ mỗi 100 đồng doanh thu chỉ mang về 1,1 đồng lợi nhuận gộp.
Tương tự, CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) cũng đã có quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp. CTCP Xi măng Sông Đà Yaly (SDY) và CTCP Xi măng Phú Thọ (PTE) ghi nhận khoản lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.
Trong khi đó, CTCP Vicem Hà Tiên (HT1) - doanh nghiệp có quy mô doanh thu lớn nhất (7.000 - 8.000 tỷ đồng/năm) đã báo lãi trở lại trong quý II/2024 sau quý đầu năm thua lỗ, nhưng vẫn giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giúp “ông lớn” này có lãi quý vừa qua không phải do sự hồi phục về doanh thu, mà bởi chi phí lãi vay được tiết giảm mạnh. Vicem Hà Tiên đã giảm vay nợ và được áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn cùng kỳ.
Theo bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), bóc tách trong nhóm ngành công nghiệp, xi măng là một điển hình trong nhóm các ngành chưa hồi phục.
“Ngành xi măng gặp thách thức lớn nhất từ nhu cầu thị trường trong nước thấp. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong ngành diễn ra ngày càng gay gắt”, bà Nga chỉ rõ.
Trước đó, năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng bao gồm cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao khiến một số nhà máy, dây chuyền phải giảm công suất hoặc dừng sản xuất. Bức tranh tài chính của ngành vẫn mang màu xám trong nửa đầu năm 2024, nhưng có nhiều hơn sự phân hóa.
Khó khăn còn kéo dài
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm nghiêm trọng. Các dây chuyền hoạt động toàn ngành chỉ đạt 75% công suất thiết kế, riêng năm 2023 có 42 dây chuyền phải ngừng sản xuất từ 1 - 6 tháng, trong đó một số dây chuyền phải dừng cả năm.
“Hiện, vẫn còn không ít nhà máy dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do thiếu đầu ra. Ngành xi măng đang chờ đợi vào sự phục hồi của thị trường trong các tháng còn lại của năm để đẩy mạnh tiêu thụ, giúp cải thiện doanh thu và hiệu quả kinh doanh”, Thứ trưởng cho hay.
Thực tế, phần lớn doanh nghiệp xi măng nhận định khả năng hoàn thành kế hoạch năm nay là rất khó khăn, khi mà Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) dự báo ngành xi măng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024. Xuất khẩu xi măng và clinker sẽ gặp trở ngại do thị trường bất động sản Trung Quốc chưa phục hồi và nguồn cung xi măng Trung Quốc dư thừa, dẫn đến cạnh tranh gay gắt với xi măng Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, và Nam Phi.
Thị trường nội địa cũng ảm đạm với mức tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn/năm, trong khi khả năng sản xuất thực tế có thể đạt tới 130 triệu tấn. Nếu không thể xuất khẩu, nguy cơ doanh nghiệp phá sản sẽ gia tăng. Ngược lại, khi kinh tế phục hồi và nhu cầu tăng, có thể xảy ra tình trạng thiếu xi măng như giai đoạn trước năm 2010.
Tuy nhiên, trong đầu tư chứng khoán, có một dạng cổ phiếu sẽ tăng rất mạnh, thậm chí vượt trội hơn hẳn so với thị trường, đó là dạng cổ phiếu hồi sinh từ vực thẳm. Ngành xi măng trong các năm gần đây đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, nhưng nếu tình hình ngành tích cực thì đây là nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư nên theo dõi.
Thực tế, đối với thị trường trong nước, do bất động sản đóng băng dẫn tới nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng giảm, từ đó khiến cho ngành xi măng càng sản xuất càng lỗ. Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ đang đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn về pháp lý và tín dụng cho ngành bất động sản, từ đó hỗ trợ gián tiếp cho ngành vật liệu xây dựng và các ngành liên quan. Ngoài ra, kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và sử dụng xi măng nhiều hơn thay thế cho các nguyên liệu cũ trong các công trình trọng điểm. Cuối cùng là đề xuất đưa thuế xuất khẩu clinker xi măng về 5% thay vì 10% để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Các doanh nghiệp xi măng hầu hết là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Chính vì thế, nhà đầu tư có quyền kỳ vọng vào chính sách đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nếu hồi sinh được thì cổ phiếu ngành xi măng sẽ rất hấp dẫn vì đang có định giá khá rẻ.
Hơn nữa, trong những giai đoạn kinh doanh tốt, các doanh nghiệp xi măng như Vicem Hà Tiên, Xi măng Bỉm Sơn (BCC), Vicem Bút Sơn, Xi măng Hoàng Mai (HOM)… đều chia cổ tức đều đặn, đây cũng là điều hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, trong khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì lịch sử chia cổ tức rất quan trọng, vì nhà đầu tư phải yên tâm về nội tại của doanh nghiệp trước khi kỳ vọng vào tương lai của doanh nghiệp đó.
“Khi ngành xi măng phục hồi, hưởng lợi nhất là Vicem Hà Tiên, vì đây là doanh nghiệp đầu ngành được niêm yết trên sàn chứng khoán, cũng là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ổn định nhất. Còn các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Xi măng Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn… kỳ vọng sẽ sớm thoát lỗ”, theo Chứng khoán VPS.
Hải Giang-Link gốc