Trước nhu cầu sản phẩm mì ăn liền ngày càng tăng trên toàn cầu, các công ty đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng ra nước ngoài. Acecook - Tập đoàn xuất khẩu mì Hảo Hảo và phở ăn liền sang 40 quốc gia, khẳng định Việt Nam sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu của họ.
Theo Nikkei Asia, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền của người Việt Nam đã tăng mạnh. Acecook, công ty sản xuất mì của Nhật Bản đang dẫn đầu thị trường này tại Việt Nam, nhờ sự hiện diện lâu dài và danh mục sản phẩm đa dạng.
Việt Nam tiêu thụ 8,1 tỷ gói năm 2023, tăng 49% so với năm 2019. Ảnh: Nikkei Asia
Năm ngoái, Acecook đã bán khoảng 3,3 tỷ gói mì tại Việt Nam, tương đương với khoảng 40% thị phần. Lượng bán này tương đương với gần 60% tổng lượng tiêu thụ mì ăn liền hàng năm của Nhật Bản.
"Do lạm phát, mì ăn liền trở thành một lựa chọn tương đối rẻ nhưng vẫn đảm bảo cung cấp những bữa ăn ngon miệng", ông Hiroki Kaneda, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam cho biết.
Hảo Hảo là thương hiệu đặc trưng của Acecook, trong đó, các gói mì giá khoảng 4.500 đồng là sản phẩm bán chạy nhất. Gần đây, các sản phẩm có giá từ 5.000 - 15.000 đồng với nguyên liệu phong phú hơn cũng thể hiện tốt.
Theo Acecook, năm nay lượng bán hàng trong phân khúc giá cao hơn đã tăng từ 30 – 50% so với năm trước. Với giá một bát phở tại các nhà hàng ở thành phố dao động từ 40.000 - 60.000 đồng, ngay cả mì ăn liền cao cấp cũng được coi là một món hời.
Vào thị trường Việt Nam từ khoảng ba thập kỷ trước, Acecook hiện có 13 nhà máy tại đây, bao gồm cả các nhà máy đối tác. Công ty này đang gấp rút mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. "Cha đẻ" Hảo Hảo lên kế hoạch xây dựng thêm 2 nhà máy nữa và đưa vào hoạt động trong năm 2027.
"Việt Nam sẽ tiêu thụ vượt quá 10 tỷ gói mì ăn liền mỗi năm vào 2030", ông Hiroki Kaneda nhận định.
Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, tổng tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu đạt 120,2 tỷ gói vào năm ngoái, tăng 13% so với năm 2019. Việc các cửa hàng, quán ăn phải đóng sửa do đại dịch đã khiến người tiêu dùng ăn mì ăn liền tại nhà nhiều hơn. Thậm chí sau khi các hạn chế của đại dịch được nới lỏng, tiêu thụ mì ăn liền vẫn tiếp tục tăng mạnh khi mọi người làm quen với một loại thực phẩm dễ chế biến và tiết kiệm.
Trong khu vực Đông Nam Á, tiêu thụ mì ăn liền đạt 34 tỷ gói vào năm ngoái, tăng 22% so với năm 2019 và chiếm khoảng 30% tổng tiêu thụ toàn cầu. Riêng Việt Nam đã tiêu thụ 8,1 tỷ gói, tăng 49% so với năm 2019. Tính bình quân đầu người, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ mì ăn liền hàng đầu thế giới với 83 gói/người/năm, tăng từ mức 57 gói/người/năm vào năm 2019.
Sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất cũng thúc đẩy tiêu thụ. Masan Consumer, đối thủ cạnh tranh của Acecook tại Việt Nam, đang tập trung vào các sản phẩm cao cấp. Masan đã ra mắt các sản phẩm lẩu tự sôi dưới thương hiệu Omachi với giá trên 100.000 đồng/hộp. Bà Nguyễn Trường Kim Phương, Giám đốc Marketing cao cấp của Masan Consumer, cho biết tại một cuộc họp cổ đông rằng các sản phẩm lẩu Omachi nâng tầm mì ăn liền lên một trải nghiệm ẩm thực "dễ chịu và ngon miệng".
Mì ăn liền vẫn còn mang tiếng xấu là không lành mạnh ở Việt Nam. Nhưng Masan tìm cách vượt qua hình ảnh đó, khai thác nhu cầu của những người tiêu dùng có thói quen ăn ở ngoài. Với 13 nhà máy mì ăn liền trên toàn quốc, công ty dự kiến sẽ xây thêm 4 nhà máy nữa trong tương lai gần.
Đông Nam Á là động lực thúc đẩy thị trường mì ăn liền toàn cầu. Trong top 10 quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới năm 2023, có 4 quốc gia nằm trong khu vực này. Các gói mì bán tại thị trường này thường nặng khoảng 60 gram, ít hơn 30 - 40% so với ở Nhật Bản. Với thói quen ăn hai gói một lần hoặc dùng làm đồ ăn nhẹ giữa các bữa ăn, lượng gói mì tiêu thụ được sự báo còn có thể tăng lên.
Các thương hiệu địa phương rất mạnh tại mỗi thị trường nội địa. Ví dụ như Mama ở Thái Lan và Lucky Me ở Philippines. Để đáp ứng nhu cầu mì ăn liền ngày càng tăng trên toàn cầu, các công ty đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng ra nước ngoài. Với công ty xuất khẩu mì Hảo Hảo và phở sang khoảng 40 quốc gia Acecook, ông Hiroki Kaneda khẳng định: "Việt Nam sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu của tập đoàn."
Đỗ Kiều-Link gốc