Nếu tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, chính sách thuế quan của ông Donald Trump sẽ gây tranh cãi khi áp thuế nhập khẩu cao hơn.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Milwaukee, bang Wisconsin ngày 18/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Hãng tin CNN ngày 10/9 nhận định, nếu tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, chính sách thuế quan của ông Donald Trump sẽ gây tranh cãi khi áp thuế nhập khẩu cao hơn đáng kể đối với hầu hết hàng hoá, từ 10-20%, trừ hàng hóa Trung Quốc bị áp mức thuế 60%. Chính sách này có thể tăng doanh thu cho chính phủ, nhưng cũng khiến người Mỹ phải chi trả mức giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ.
Chiến dịch kiểm soát nhập cư chưa từng có của cựu Tổng thống Trump cũng có thể dẫn đến lạm phát, mặc dù "ông chủ" thứ 45 của Nhà Trắng gần đây khẳng định giá cả sẽ "giảm mạnh và giảm nhanh" nhờ hành động này. Nếu xảy ra tình trạng trục xuất hàng loạt, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, phải tăng lương và chuyển chi phí đó cho người tiêu dùng.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, ngay cả khi trục xuất 1,3 triệu người lao động, thấp hơn 10 triệu đến 20 triệu vụ trục xuất mà ông Trump đã ủng hộ, cũng sẽ là "một cú sốc lạm phát" khiến lạm phát tăng 1,3% sau 3 năm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ thấp hơn đáng kể khi giảm tới 2,1 điểm phần trăm. Nghiên cứu cho thấy nếu 7,5 triệu công nhân bị trục xuất, lạm phát sẽ tăng tới 7,4 điểm phần trăm.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris cảnh báo rằng hệ thống nhập cư đã "bị phá vỡ" và chiến dịch của bà cam kết sẽ đưa lại dự luật an ninh biên giới lưỡng đảng. Bà Harris không cam kết trục xuất hàng loạt như ông Trump đã kêu gọi. Ngân hàng Goldman Sachs dự kiến nguồn cung lao động từ nhập cư của Mỹ sẽ thấp hơn 30.000 người so với khi bà Harris trở thành tổng thống.
Chính sách của bà Harris về tín dụng thuế cho người mua nhà lần đầu và tăng gấp 3 tín dụng thuế cho trẻ sơ sinh có thể giúp người tiêu dùng có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ, nhưng có thể làm tăng giá hàng hoá và dịch vụ. Bà Harris cũng đề xuất một kế hoạch dự kiến sẽ tạo ra 3 triệu đơn vị nhà ở. Tuy nhiên, nếu khoản tín dụng cho người mua nhà lần đầu có hiệu lực trước khi có thêm nhiều đơn vị nhà ở mới, giá nhà có thể tăng đột biến.
Một ẩn số cho lạm phát là cách tiếp cận khác nhau của hai ứng cử viên đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Bà Harris hứa sẽ không can thiệp, trong khi ông Trump đã gợi ý rằng tổng thống nên có ảnh hưởng trong việc ra quyết định, một lập luận sau đó ông đã rút lại.
Bất kể ai thắng cử vào tháng 11, thâm hụt ngân sách liên bang cũng sẽ tăng đáng kể. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, hiện tại, Chính phủ Mỹ đang thâm hụt ngân sách 1.500 tỷ USD. Một số chính sách thuế của ông Trump sẽ hạn chế đáng kể số tiền mà chính phủ thu được, như giữ nguyên mức thuế cao nhất mà cá nhân ở mức 37% so với 39,6%, cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 15% so với mức 21% hiện nay, bỏ thuế đối với chế độ phúc lợi an sinh xã hội dành cho người cao tuổi và tiền boa của nhân viên dịch vụ.
Các đề xuất về áp dụng mức thuế cao hơn của bà Harris sẽ có tác động tích cực đến thâm hụt (như tăng mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất lên 44,6%, tăng mức thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28%). Nhưng khoản thuế bổ sung mà chính phủ có thể thu được từ chính sách này lại bị bù đắp bằng các khoản tín dụng thuế lớn mà bà Harris đề xuất, như mở rộng tín dụng thuế cho trẻ em và cung cấp tín dụng cho người mua nhà lần đầu trị giá 25.000 USD.
Bà hứa sẽ bỏ thuế tiền boa giống ông Trump và cam kết không tăng thuế đối với gia đình có thu nhập dưới 400.000 USD, cả hai đều sẽ tăng thâm hụt. Ước tính các đề xuất của bà Harris có thể làm tăng thâm hụt thêm 1.200 tỷ USD vào năm 2034. Học giả kinh tế thỉnh giảng tại Viện Brookings, Joshua Gotbaum, cho biết cả hai ứng cử viên đều chưa đề xuất một giải pháp đáng tin cậy nào cho tình trạng hỗn loạn tài chính của đất nước.
Đoàn Hùng-Link gốc