Vài tuần trước khi vụ mùa mới đến, Ấn Độ dỡ bỏ giá sàn xuất khẩu gạo basmati - loại gạo phổ biến tại Nam Á - để thúc đẩy xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng, bất kỳ động thái nới lỏng xuất khẩu gạo nào của Ấn Độ cũng sẽ khiến giá gạo trên thị trường quốc tế giảm đáng kể. Tuy nhiên, trước mắt, gạo Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.
Theo Reuters, hôm 14/9, Bộ Công thương Ấn Độ thông báo dỡ bỏ giá sàn xuất khẩu đối với gạo thơm bamasti để tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc dỡ giá sàn gạo basmati có hiệu lực theo lệnh của Chính phủ Ấn Độ, nhằm giúp nông dân tăng đầu ra trong lúc đang vật lộn với nợ nần và chi phí sản xuất leo thang.
Trong nỗ lực bảo đảm nguồn cung nội địa, hồi tháng 8/2023, Ấn Độ quy định mức giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo bamasti là 1.200 USD/tấn. Sau đó, mức giá xuất khẩu tối thiểu này hạ xuống mức 950 USD/tấn. Kể từ đó, nguồn cung gạo tăng lên, khiến các nhà xuất khẩu kêu gọi Chính phủ giảm hoặc bỏ giá sàn để giải phóng hàng tồn kho cho nông dân. Vụ mùa mới tại quốc gia này bắt đầu vào tháng tới.
"Quyết định bãi bỏ sẽ giúp Ấn Độ xuất khẩu gạo basmati với số lượng lớn, đảm bảo lợi nhuận tốt cho nông dân", Satish Goel - Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Ấn Độ nhận định.
Bộ Công thương Ấn Độ thông báo dỡ bỏ giá sàn xuất khẩu đối với gạo thơm bamasti để tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo ông Satish Goel, giá gạo basmati xuất khẩu hiện khoảng 700 USD/tấn. Vì vậy, việc dỡ bỏ giá sàn là bước đi hợp lý. "Nhờ quyết định này, chúng ta sẽ có thể giành lại thị phần trên thị trường toàn cầu", ông nói thêm.
Trước đó, Ấn Độ - nhà cung cấp gạo lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati vào tháng 7/2023 để đảm bảo nguồn cung và giá cả trong nước ổn định. Một tháng sau đó, Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ (loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô). New Delhi cũng cấm xuất khẩu gạo tấm 100% kể từ tháng 9/2022. Các động thái này đã đẩy giá gạo ở châu Á tăng lên mức cao nhất trong 15 năm trong tháng 8/2023.
Một số nhà quan sát trong ngành kỳ vọng Ấn Độ sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu gạo nếu vụ thu hoạch lúa trong tháng 10 gặp thuận lợi nhờ lượng mưa cải thiện khi hiện tượng thời tiết La Nina dự kiến quay trở lại cuối năm nay. Nhưng thời tiết thất thường với mưa kéo dài vẫn có thể đe dọa vụ thu hoạch trong vài tuần tới.
Jatin Mahajan, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn thực phẩm và đồ uống Adani Wilmar (Ấn Độ) cho biết, Chính phủ nước này có thể không dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo ngay lập tức vì động thái này sẽ đẩy tăng giá gạo trong nước, gây áp lực lạm phát.
Ông nhận định, Chính phủ chỉ bỏ lệnh cấm xuất khẩu sau khi xem xét cẩn thận và nắm bắt rõ ràng về sản lượng lúa trong vụ thu hoạch sắp tới.
“Các nhà vận động hành lang và các quan chức trong ngành đang đề xuất Chính phủ Ấn Độ bỏ mọi lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu gạo vì vụ thu hoạch lúa sắp tới dự kiến bội thu. Ấn Độ hiện có đủ gạo dự trữ để cung cấp cho người dân và sẽ cần chi thêm ngân sách và mở rộng không gian nhà kho nếu mua thêm lúa gạo dữ trữ”, ông nói.
Trong những tuần tới khi nông dân Ấn Độ chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới, các nhà quan sát trong ngành sẽ theo dõi chặt chẽ xem New Delhi sẽ áp dụng hướng đi nào để giải quyết lệnh cấm xuất khẩu gạo trong bối cảnh áp lực kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm đang gia tăng trong nước lẫn ngoài nước.
Triển vọng Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati sẽ phụ thuộc vào sản lượng lúa trong vụ thu hoạch tháng 10 sắp tới. Các chuyên gia nhận định, bất kỳ động thái nới lỏng xuất khẩu gạo nào của Ấn Độ cũng sẽ khiến giá gạo trên thị trường quốc tế giảm đáng kể.
Samarendu Mohanty, cựu trưởng nhóm nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Philippines dự báo, Ấn Độ có thể sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu đến hết năm nay.
“Ấn Độ khó có thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sớm. Nhưng nếu Ấn Độ quay trở lại thị trường gạo toàn cầu, tôi dự đoán giá gạo sẽ giảm từ 15-20%. Ngay cả khi Ấn Độ chưa bỏ lệnh cấm xuất khẩu, giá gạo dự kiến vẫn giảm”, Mohanty nói.
Giới chuyên môn cho rằng, nếu Ấn Độ mở cửa lại thị trường gạo, trước mắt gạo Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.
Còn với thị trường gạo Việt, trước những động thái nới lỏng xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành 4 cho rằng, nếu Ấn Độ mở cửa lại thị trường gạo cấp thấp, trước mắt gạo Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều, ngay cả vụ Thu Đông mà khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sắp xuống giống cũng không ảnh hưởng đáng kể, vì khoảng 60 - 70% diện tích vụ lúa này được người nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, như RVT, ST 21 và ST25 để tiêu dùng trong nước và chuẩn bị cho gạo Tết sắp tới. Phần còn lại bán vào các thị trường như Philippines, Trung Quốc, Trung Đông và EU.
“Tôi có thể chắc chắn một điều là ngay tại thời điểm này, gạo Việt sẽ không thay đổi gì nhiều nếu Ấn Độ quay lại thị trường. Có chăng là vụ Đông Xuân, tuy nhiên, phần lớn diện tích đã được bà con chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao, nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Chỉ những quốc gia có phân khúc tương đương gạo Ấn Độ như Myanmar và Pakistan sẽ bị ảnh hưởng, Thái Lan cũng có nhưng không nhiều”, Giám đốc Công ty Phước Thành 4 khẳng định.
Theo dự báo của S&P Global Commodity Insights, sản lượng gạo của Ấn Độ sẽ đạt mức cao kỷ lục 135,5 – 138 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025 (từ tháng 7/2024 đến tháng 6/2025) nhờ sự quay trở lại của điều kiện thời tiết La Nina.
Hồng Hương-Link gốc