Sau khi mua ròng mạnh nhất trong phiên 7/1, khối ngoại đã bán luôn lượng lớn cổ phiếu FPT của CTCP FPT ngay trong phiên 8/1.
Tâm lý thận trọng kéo dài khiến VN-Index ghi nhận diễn biến giằng co, đóng cửa phiên 8/1 tăng 3,9 điểm tại mốc điểm 1.251. Thanh khoản neo ở mức thấp với giá trị giao dịch trên HoSE đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Giao dịch của khối ngoại kém tích cực khi họ tiếp tục bán ròng với giá trị 456 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, cổ phiếu FPT chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với gần 230 tỷ đồng.
Chốt phiên, cổ phiếu FPT giảm đỏ về mức 148.300 đồng/cp, với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 3,9 triệu đơn vị.
Cổ phiếu FPT bị khối ngoại bán mạnh nhất trong phiên 8/1.
Trước đó, trong phiên 7/1, FPT là cổ phiếu được "gom" mạnh nhất toàn thị trường với giá trị 99 tỷ đồng. Đây là phiên mà nhóm nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị gần 83 tỷ đồng.
Theo quan sát, sau khi lập đỉnh mới trong phiên cuối năm 2024 ở mức giá 152.500 đồng/cp, cổ phiếu FPT có xu hướng điều chỉnh dần trong những phiên đầu năm 2025.
Tính trong năm 2024, thị giá FPT đã tăng khoảng 85%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục mới 225.000 tỷ đồng (9 tỷ USD), đưa FPT trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, giá trị chỉ sau 4 doanh nghiệp nhà nước là Vietcombank, BIDV, ACV và Viettel Global.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định và chính sách duy trì truyền thống trả cổ tức đều đặn là những yếu tố khiến cổ phiếu của “ông lớn” đầu ngành công nghệ này duy trì sức hút.
Mới nhất, vào ngày 13/12/2024, FPT đã chi 1.500 tỷ để tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ 10% bằng tiền. Danh sách cổ đông được chốt ngày 3/12 trước đó. Đây là đợt cổ tức thứ 2 mà cổ đông FPT được nhận trong năm 2024.
Trước đó, vào giữa tháng 6, FPT đã chi trả nốt cổ tức còn lại của năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Ngoài ra, tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam còn thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông nắm 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới).
Bên cạnh đó, xu hướng công nghệ phát triển là một trong những “chất xúc tác” giúp cổ phiếu này lên đỉnh tới 42 lần trong năm 2024.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, các cổ phiếu công nghệ trong đó có FPT được xếp vào nhóm ngành tăng trưởng trong bối cảnh "nhà nhà, người người" đều đang quan tâm về trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud)...
Vì AI mở ra một kỷ nguyên mới cho thế giới nên kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu công nghệ - viễn thông và các ngành liên quan là rất lớn, trong khi cổ phiếu công nghệ trên sàn chứng khoán Việt Nam rất ít, và FPT là doanh nghiệp dẫn đầu ngành.
Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp công nghệ có "thiên thời" để phát triển bứt phá, thì FPT - từ khi ra đời - đã sở hữu những cơ hội không phải ai cũng được trao. Trên nền tảng là "Doanh nghiệp top đầu", FPT tiếp tục có cơ hội tiếp cận và giành được những thương vụ lớn hơn, tốt hơn nữa.
Về tiềm năng trong năm 2025, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng FPT vẫn sẽ tăng trưởng 2 chữ số về lợi nhuận với mảng công nghệ thông tin nước ngoài vẫn sẽ là động lực chính. Mảng này có triển vọng đạt mức tăng trưởng 30%/năm trong giai đoạn 2025-2027.
Châu Anh-Link gốc