Trong năm 2024, các ngân hàng ở top dưới về vốn điều lệ như SaigonBank, KienLong Bank, VietABank, PGBank,… ghi nhận kết quả kinh doanh có phần khởi sắc hơn. Tuy nhiên, trong đà tăng trưởng tích cực đó, những ngân hàng này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Bức tranh trái chiều của các ngân hàng quy mô nhỏ
2024 được đánh giá là năm khá thành công của ngành ngân hàng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Nhiều ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục, trong đó phải kể đến những cái tên như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, MB,…
Trong khi nhóm ngân hàng lớn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với kết quả kinh doanh vững chắc, nhóm ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm 2024.
Tính đến ngày 31/12/2024, toàn ngành ngân hàng có 7 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng, bao gồm Saigonbank (3.387 tỷ đồng), KienLong Bank (3.652 tỷ đồng), PGBank (4.200 tỷ đồng), BVBank (5.118 tỷ đồng), VietBank (7.139 tỷ đồng), PVcomBank (9.000 tỷ đồng) và VietA Bank (5.399 tỷ đồng), Bac A Bank (8.959 tỷ đồng). Ngoài ra, còn có một số ngân hàng có vốn điều lệ “nhỉnh” hơn là ABBank (10.350 tỷ đồng) hay NCB (11.800 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, phần lớn các ngân hàng thuộc nhóm trên đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2024 tăng so với năm 2023. Trong đó, BVBank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng nhất, tăng tới 450% so với năm 2023, lên mức 311,2 tỷ đồng.

Tuy vậy, mức tăng trưởng này xuất phát từ mức nền thấp của năm ngoái nên BVBank vẫn đứng gần “áp chót” trong bảng xếp hạng lợi nhuận sau thuế năm 2024, chỉ cao hơn mỗi PGBank với 291,3 tỷ đồng.
KienLong Bank, ABBank, VietA Bank, Vietbank, Bac A Bank đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 2 chữ số so với năm 2023. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của 5 ngân hàng trên lần lượt ở mức 887,5 tỷ đồng đối với KienLong Bank (tăng 55%), 601,7 tỷ đồng đối với ABBank (tăng 32,6%), 876,7 tỷ đồng đối với VietA Bank (tăng 17,8%), 900,9 tỷ đồng đối với VietBank (tăng 39%) và 1.260,2 tỷ đồng đối với Bac A Bank (tăng 18,8%).
Cũng nằm trong top dưới về vốn điều lệ nhưng SaigonBank lại có lợi nhuận sau thuế giảm so với năm 2023. Đồng thời, SaigonBank cũng là 1 trong 3 ngân hàng duy nhất chứng kiến mức sụt giảm về lợi nhuận sau thuế. Theo báo cáo tài chính của nhà băng này, lợi nhuận sau thuế giảm từ 266,7 tỷ đồng trong năm 2023 xuống còn 79,17 tỷ đồng trong năm 2024, tương đương mức giảm 70,3%.
Ngân hàng nhỏ, thách thức lớn
Mặc dù phần lớn các ngân hàng nhỏ đều ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế năm 2024 nhưng trên thực tế, các ngân hàng này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong báo cáo ngành ngân hàng của VIS Rating, một trong những rủi ro mà các ngân hàng nhỏ phải đối mặt trong năm 2025 là chất lượng tài sản xấu đi khi Thông tư 02 hết hiệu lực.
“Việc Thông tư 02 không được gia hạn buộc các ngân hàng phải ghi nhận toàn bộ chi phí tín dụng liên quan đến các khoản nợ tái cơ cấu, làm tăng chi phí dự phòng rủi ro. Một số ngân hàng nhỏ có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao hơn trung bình ngành, do liên quan đến các khoản vay bất động sản và doanh nghiệp nhỏ và vừa. VIS Rating nhận định rằng các ngân hàng này có thể phải tăng trích lập dự phòng thêm 20 - 30% trong năm 2025 để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR)”, các chuyên gia VIS Rating nhận định.
VIS Rating cho rằng, các ngân hàng như Saigonbank, Bac A Bank, VietBank… suy giảm chất lượng tài sản rõ rệt nhất. Những ngân hàng này ghi nhận tỷ lệ nợ có vấn đề (NPL) hình thành mới cao hơn so với các ngân hàng khác, chủ yếu từ phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trên thực tế, trong năm 2024, nhiều ngân hàng nhỏ ghi nhận nợ xấu tăng đáng kể so với năm trước đó. Tại Saigonbank, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã tăng từ 2,03% cuối năm 2023 lên 2,66% tính đến ngày 31/12/2024. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 232,4 tỷ đồng trong năm 2023 lên 400,7 tỷ đồng trong năm 2024, tương đương mức tăng 72%.
Tại Bac A Bank, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng tăng lên 1,24% tính đến cuối năm 2024, tăng từ 0,92% cuối năm 2023. Cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu của VietBank cũng nhích nhẹ từ 2,56% lên 2,66%.
Mặc dù ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,91% (từ 1,93% cuối năm 2023) nhưng chất lượng tín dụng tại KienLong Bank đi xuống rõ rệt trong năm qua khi nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng tới 82% so với năm 2023.
Trong khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng này vẫn ở top dưới. Ngoại trừ VietA Bank (72,5%) và KienLong Bank (83,66%), tính đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ bao nợ xấu của nhóm ngân hàng kể trên đều dưới 50%. Trong đó, thấp nhất là Saigonbank với tỷ lệ bao nợ xấu đáng báo động, ở mức 38,25%.
Một thách thức khác của các ngân hàng nhỏ là không có lợi thế cạnh tranh về thương hiệu, hệ thống khách hàng và nền tảng công nghệ khiến việc huy động vốn với chi phí thấp gặp nhiều khó khăn. Thống kê của VIS Rating chỉ ra, chi phí huy động vốn tại các ngân hàng nhỏ đã tăng thêm 50-70 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2024, do phải cạnh tranh quyết liệt để thu hút tiền gửi.
Còn theo thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, tính đến hết quý IV/2024, NIM tại các ngân hàng nhỏ tiếp tục “dò đáy”. Tại ABBank, NIM của ngân hàng này ở mức 1,89%, đồng thời, cũng là mức thấp nhất trong ngành ngân hàng. NIM của những ngân hàng như VietBank, VietA Bank, SaigonBank, PGBank, Bac A Bank cũng ở dưới 3%, thấp hơn mức trung bình của ngành là 3,17%.
Ngoài NIM, một chỉ số khác là tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) của các ngân hàng nhỏ cũng đang trong ngưỡng đáng lưu tâm. Những năm gần đây, một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ và NHNN giao cho các ngân hàng là tối ưu chi phí hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Điều này đặt yêu cầu cải thiện tỷ lệ CIR lên vai các ngân hàng.
Thế nhưng, các ngân hàng nhỏ lại là những ngân hàng chứng kiến tỷ lệ CIR tăng đáng kể so với năm 2023. Nếu như trong năm 2023, tỷ lệ CIR của Saigonbank ở mức 48,7% thì đến hết quý IV/2024, con số này đã tăng lên 69,98% - mức cao nhất trong toàn ngành. Các ngân hàng như Bac A Bank, ABBank,... cũng đều chứng kiến tỷ lệ CIR tăng trong năm 2024. Trong khi đó, dù đã được cải thiện song tỷ lệ CIR của các ngân hàng còn lại như KienLong Bank, PGBank vẫn neo ở mức trên 50%.
Thách thức tiếp theo là vấn đề tăng vốn. Theo định hướng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ CAR của các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11 - 12% và đến năm 2030 tối thiểu là 12%. Gần đây, dự thảo Thông tư của NHNN cũng đưa ra đề xuất quy định tỷ lệ CAR tối thiểu ở mức 10,5% đến năm 2033, trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Nếu Thông tư trên được ban hành, các ngân hàng phải đẩy mạnh lộ trình tăng vốn để nâng dần tỷ lệ CAR. Nếu không thể huy động đủ vốn, các nhà băng đang có tỷ lệ CAR (tính đến 30/6/2024) xuýt xoát như KienLong Bank (9,71%), VietA Bank (9,22%),… có thể phải giảm hoạt động cho vay để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, Điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của các nhà băng này.
Mặc dù tăng vốn trở thành bài toán “sống còn” song các ngân hàng nhỏ lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức không chỉ trong huy động vốn mà còn trong việc sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả. Các chuyên gia của VNDirect cũng nhận định rằng, các ngân hàng nhỏ, ít danh tiếng hơn sẽ khó khăn hơn trong việc tăng vốn và tài trợ cho các khoản vay có biên lợi nhuận cao.
Một số ngân hàng đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, giúp tăng vốn điều lệ mà không gây áp lực huy động vốn bên ngoài, chẳng hạn như VietBank phát hành gần 142,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên hơn 7.100 tỷ đồng hay Bac A Bank phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 10.500 tỷ đồng.
Khánh Tú-Link gốc