• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.303,16 -1,40/-0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.303,16   -1,40/-0,11%  |   HNX-INDEX   238,31   -0,18/-0,07%  |   UPCOM-INDEX   99,97   -0,24/-0,24%  |   VN30   1.360,56   -3,96/-0,29%  |   HNX30   502,33   +0,00/+0,00%
25 Tháng Hai 2025 6:22:36 CH - Mở cửa
Cổ phiếu thép đã đến ‘hồi thái lai’?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 25/02/2025 2:55:46 CH

Việc Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc mang tới tín hiệu tích cực cho nhóm cổ phiếu thép, đặc biệt là "cổ phiếu quốc dân" Hòa Phát.

Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới (24/2) với cú tăng tốc bất ngờ của nhóm cổ phiếu thép. Cổ phiếu HPG (Hòa Phát), HSG (Hoa Sen), NKG (Nam Kim), TVN (VNSteel), GDA (Tôn Đông Á)… đồng loạt tăng mạnh, thậm chí chạm trần.

Đua nhau "tăng bốc"

Trong đó, cổ phiếu HPG trở thành tâm điểm khi đóng góp tích cực vào chỉ số chính. Với biên độ tăng gần 5% lên mốc 27.700 đồng/cp, thị giá HPG cũng hồi phục lên mức cao nhất nửa năm qua.

Thanh khoản của HPG cũng tăng đột biến với tổng khối lượng đạt gần 74 triệu đơn vị, giữ vững vị trí top 1 toàn thị trường trong suốt cả phiên giao dịch.

Nhóm cổ phiếu thép đồng loạt tăng mạnh, thậm chí chạm trần sau quyết định của Bộ Công Thương.

Diễn biến này xảy ra sau khi Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là tín hiệu tích cực nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất HRC nội địa.

Cụ thể, ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460 ⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ (Ấn Độ) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là từ 19,38% - 27,83%. Quyết định sẽ có hiệu lực sau 15 ngày ban hành.

Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ ở mức không đáng kể (dưới 3%). Vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa bị điều tra từ Ấn Độ được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.

Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhập khẩu thép HRC, tránh gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất thép trong nước.

"Thách thức kép" đối với nhóm tôn mạ

Hiện tại, Việt Nam chỉ có 2 đơn vị sản xuất được HRC là Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Nhiều tổ chức đánh giá việc áp dụng thuế chống bán phá giá có thể mang lại cho Hoà Phát và Formosa sức mạnh thị trường vượt trội, gia tăng sản lượng và giá bán, do sản lượng tiêu thụ HRC hàng năm của hai doanh nghiệp này mới chỉ đáp ứng được 39% nhu cầu hiện tại.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với mức thuế trong khoảng 19,38-27,83% có hiệu lực sau 15 ngày và áp dụng tạm thời trong 120 ngày, sản phẩm thép Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với Hòa Phát.

VCBS đánh giá đây sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy mạnh mẽ sản lượng tiêu thụ của dự án Dung Quất 2 và là thông tin tích cực đối với kỳ vọng giá cổ phiếu.

Tương tự, Chứng khoán VPBankS nhận định Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ tin tức này khi doanh nghiệp chuẩn bị đưa phân kỳ 1 dự án Dung Quất 2 vào hoạt động thử nghiệm.

Theo VPBankS, phân kỳ 1, dự án Dung Quất 2 sẽ giúp Hòa Phát tăng công suất sản xuất HRC lên mức 6,8 triệu tấn/năm, tăng 70% so với công suất sản xuất HRC hiện tại.

Ngược lại, công ty chứng khoán này cho rằng các doanh nghiệp tôn mạ phụ thuộc vào HRC nhập khẩu như Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tôn Đông Á… sẽ chịu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, nhóm các công ty này đã chủ động giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa nguồn HRC đầu vào.

Hơn nữa, từ báo cáo tài chính quý IV/2024, đơn vị phân tích nhận thấy các doanh nghiệp đang ghi nhận giá trị tồn kho nguyên vật liệu cùng hàng mua đi đường ở mức cao hơn so với trung bình, cho thấy dấu hiệu tích trữ trước HRC đầu vào trước khi quyết định chống bán phá giá được công bố.

Vì vậy, trong ngắn hạn, VPBankS cho rằng tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp như Hoa Sen, Thép Nam Kim sẽ không đáng kể. Trong dài hạn, các doanh nghiệp tôn mạ sẽ phải chấp nhận sử dụng HRC nội địa hoặc nhập khẩu từ những nguồn khác Trung Quốc với giá HRC cao hơn giá HRC Trung Quốc.

Ở một diễn biến khác, cách đây ít ngày, các doanh nghiệp thép Việt đã nhận được tin không vui từ thị trường Mỹ (thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam năm 2024), khi nước này quyết định áp thuế 25% với tất cả các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu nhằm bảo hộ các nhà sản xuất nội địa.

Chứng khoán MBS đánh giá, các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ cao như Tôn Đông Á (16%), Thép Nam Kim (13%) và Hoa Sen (9%) có thể sẽ giảm nhẹ biên lợi nhuận từ việc giảm giá bán. Dù vậy, sản lượng có thể không bị tác động đáng kể do Việt Nam đang chịu mức thuế ở mức ở mức 22 – 36% (thấp hơn so với các đối tác thương mại khác khi bị áp thuế trên 60%) và Mỹ cần thêm thời gian để tìm kiếm các nhà xuất khẩu mới.

Hoa Sen xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ với mức thuế suất khoảng 22 - 36% tuỳ mác thép, MBS dự báo Hoa Sen có thể phải giảm giá bán khoảng 3% đối với các sản phẩm hiện tại có mức thuế 22% nhằm duy trì thị phần. Tương tự, Tôn Đông Á xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ với mức thuế suất khoảng 22 - 36% nên cũng có thể phải giảm giá bán khoảng 3%. Trong khi Thép Nam Kim xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ với mức thuế suất khoảng 22 - 37%, để duy trì thị phần, doanh nghiệp có thể phải giảm giá bán khoảng 4%.

Như vậy, nếu chi phí nguyên liệu đầu vào là HRC tăng dẫn tới giá thành sản phẩm tăng cao, các doanh nghiệp như Hoa Sen, Nam Kim hay Tôn Đông Á có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với các nước khác, đặc biệt là trên thị trường Mỹ, nơi hàng Việt Nam đã bị áp thuế 25%.

Hải Giang-Link gốc