• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.222,46 +54,12/+4,63%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:10:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.222,46   +54,12/+4,63%  |   HNX-INDEX   213,34   +5,02/+2,41%  |   UPCOM-INDEX   93,25   +0,41/+0,44%  |   VN30   1.309,94   +60,65/+4,85%  |   HNX30   417,57   +13,82/+3,42%
13 Tháng Tư 2025 12:51:42 SA - Mở cửa
Tham vọng hồi sinh sản xuất của Mỹ: Đời không như mơ
Nguồn tin: Vietnam+ | 11/04/2025 2:33:19 CH

 Các chính sách thuế của Tổng thống Trump – vốn gây tranh cãi trong giới doanh nghiệp và khiến thị trường toàn cầu biến động – có thể chỉ là một phần trong nỗ lực tái khởi động ngành sản xuất tại Mỹ.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Monterey Park, California Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 1970, hơn một phần tư lực lượng lao động Mỹ làm việc trong ngành sản xuất. Ngày nay, con số đó chỉ còn khoảng 8%. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định các mức thuế quan diện rộng sẽ giúp đảo ngược xu hướng sụt giảm kéo dài hàng thập kỷ này. Tuy nhiên, hình ảnh những thị trấn công nghiệp sôi động và dây chuyền lắp ráp nhộn nhịp từng là biểu tượng của nước Mỹ cách đây 50 năm có thể đã lỗi thời trong bối cảnh của năm 2025.

Thời thế đổi thay

Một trong những “kiến trúc sư” của kế hoạch thuế quan hiện tại– cố vấn cấp cao Nhà Trắng Peter Navarro – cho biết mục tiêu cuối cùng là “lấp đầy những nhà máy hoạt động cầm chừng tại Detroit và khắp vùng Trung Tây nước Mỹ”. Tuy nhiên, nước Mỹ hiện tại đã khác xa thời hoàng kim của vành đai công nghiệp cách đây nửa thế kỷ, khi hàng triệu lao động làm các công việc thủ công trên dây chuyền sản xuất. Trong thời đại tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ngày nay, các nhà máy hiện đại chủ yếu sử dụng robot. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà máy mới hoặc được tái mở rộng sẽ cần ít lao động hơn, nhưng yêu cầu kỹ năng cao hơn.

Bà Carolyn Lee – Giám đốc Viện Sản xuất, đơn vị đào tạo và phát triển nhân lực thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ (NAM) – nhận định: “Công việc trong ngành sản xuất đã thay đổi rất nhiều, và đúng là số lượng lao động cần thiết cũng thay đổi đáng kể”.

Chính vì vậy, các chính sách thuế của Tổng thống Trump – vốn đang gây tranh cãi trong giới doanh nghiệp và khiến thị trường toàn cầu biến động – có thể chỉ là một phần trong nỗ lực tái khởi động ngành sản xuất tại Mỹ. Nếu các mức thuế thực sự khiến doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong nước, thách thức lớn sẽ là đào tạo người lao động Mỹ đủ kỹ năng để làm những công việc sản xuất hiện đại – và khiến họ hứng thú với những công việc đó.

Khoảng cách kỹ năng

Việc mất dần việc làm trong ngành sản xuất đã là chủ đề kéo dài trong nhiều năm của nền kinh tế Mỹ. Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ từng dẫn đầu thế giới về sản xuất. Nhưng trong 50 năm qua, phần lớn các công việc sản xuất đã dịch chuyển ra nước ngoài, nhiều nhà máy đóng cửa hoặc ngưng hoạt động, khiến cả thị trấn và thành phố trong vùng vành đai công nghiệp (Rust Belt) suy sụp.

Tổng thống Trump từ lâu đã quan ngại về sự suy yếu của ngành sản xuất Mỹ. Tuần trước, ông dùng chính thông điệp đó để tuyên bố gói thuế quan lớn nhất trong ít nhất một thế kỷ: mức thuế cơ sở 10% áp dụng với tất cả các quốc gia, cùng mức thuế đối ứng đối với nhiều đối tác thương mại.

Tuy vậy, vẫn còn tranh cãi về việc liệu thương mại tự do có phải nguyên nhân chính khiến ngành sản xuất Mỹ đi xuống, khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tự động hóa còn khiến nhiều người mất việc hơn cả tình trạng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Nashville, Tennessee, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Thực tế, ngành sản xuất Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ trước khi ông Trump công bố mức thuế mới. Một số công ty lớn như Nvidia, Apple và Stellantis gần đây đã công bố các khoản đầu tư mới vào sản xuất tại Mỹ – điều mà Nhà Trắng coi là thành quả của mình.

Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4,2%, số lượng vị trí tuyển dụng trong ngành sản xuất hiện vượt quá số người sẵn sàng làm công việc đó. Theo khảo sát mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến tháng 2/2025, Mỹ có khoảng 482.000 vị trí việc làm trong ngành sản xuất chưa tuyển được lao động. Một báo cáo trước đó từ Viện Sản xuất và Deloitte ước tính đến năm 2033, nước Mỹ sẽ thiếu hụt khoảng 1,9 triệu lao động sản xuất. Nếu dòng vốn đầu tư vào sản xuất trong nước tiếp tục tăng, con số này có thể còn cao hơn nữa.

Bà Lee cho biết, nhiều công việc sản xuất hiện đại yêu cầu kiến thức về phần mềm, phân tích dữ liệu và lập trình. Ngoài ra, còn cần lao động có khả năng bảo trì robot trên dây chuyền. Dù nhiều vị trí không yêu cầu bằng đại học, nhưng vẫn cần đào tạo và chứng chỉ chuyên môn. Bà Lee nói: “Phần lớn việc làm trong ngành này không phải là công việc phổ thông mà không cần kỹ năng”.

Trong khi đó, ông Olaf Groth – giảng viên tại Trường Kinh doanh Haas, Đại học California, Berkeley – cho rằng việc đưa sản xuất trở lại Mỹ là điều đúng đắn, nhưng cần đi kèm với việc chuẩn bị kỹ năng cho người lao động. Ông nói: “Hiện kỹ năng của lao động Mỹ chưa phù hợp với nhu cầu sản xuất. Điều chúng ta cần làm là nâng trình độ lao động từ trung bình lên cao”.

Bất định trong thời đại AI

Nhiều nhà phê bình cho rằng chính sách thuế của ông Trump có thể làm tổn hại đến chính những người lao động mà nó muốn bảo vệ. Mức thuế cao thường dẫn tới giá cả tăng, gây ảnh hưởng lớn hơn tới các gia đình thu nhập thấp.

Trong một báo cáo hồi tháng 2/2025, ngân hàng JPMorgan viết: “Về bản chất, thuế quan là thuế đánh vào hàng nhập khẩu. Và người chịu thiệt chính là doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, chứ không phải nhà sản xuất nước ngoài”.

Năm 2018, khi ông Trump lần đầu áp thuế đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Ravin Gandhi – Giám đốc điều hành (CEO) khi đó của công ty GMM Nonstick Coating – từng phản đối kịch liệt vì cho rằng giá thành sản phẩm sẽ tăng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, sau khi rời vị trí CEO để chuyển sang đầu tư mạo hiểm, quan điểm của ông Gandhi đã thay đổi. Giờ ông ủng hộ nỗ lực đưa sản xuất trở lại Mỹ bằng cách áp thuế.

Ông Gandhi đã chứng kiến tự động hóa thay thế một số công việc tại GMM trước khi rời công ty, nhưng vẫn tin tưởng công nghệ mới sẽ tạo ra những công việc mới cho người Mỹ. Ông nói: “Tôi là người lạc quan về công nghệ. Tôi tin rằng trong 5 năm nữa, sẽ có rất nhiều công việc chưa từng tồn tại hiện nay”.

Vấn đề này không chỉ dừng ở ngành sản xuất. Trí tuệ nhân tạo đang đe dọa làm xáo trộn nhiều ngành công nghiệp tại Mỹ. Một khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1/2025 cho thấy 41% nhà tuyển dụng trên tất cả các ngành có ý định cắt giảm lao động khi trí tuệ nhân tạo có thể thay thế một số công việc.

Bà Lee nói thêm: “Chúng ta cần xác định tác động của trí tuệ nhân tạo tới ngành công nghiệp và những ảnh hưởng đó đối với người lao động và kỹ năng cần thiết. Khi thiếu thông tin, nỗi sợ sẽ lên ngôi. Chúng ta cần hỗ trợ người lao động chuẩn bị kỹ năng cho tương lai”.

Minh Trang-Link gốc