Bà Lê Thị Băng Tâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, thành viên độc lập Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa được hội đồng quản trị doanh nghiệp này bầu vào chức vụ chủ tịch. Bà Mai Kiều Liên, thành viên hội đồng quản trị, làm tổng giám đốc.
Người ta tự hỏi bà Lê Thị Băng Tâm, một thời đã từng đảm đương trọng trách Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), bà cũng đồng thời là một trong những người tham gia vào ý tưởng thành lập ra tổng công ty từ những ngày đầu tiên, có phải là người được SCIC giới thiệu? Xin thưa là không! Nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi từ một số quỹ đầu tư nước ngoài đang là cổ đông của Vinamilk cho biết việc đề cử bà Tâm vào chức vụ chủ tịch là từ phía họ và những cổ đông khác. Trước đó bà Tâm đã tham gia Vinamilk với tư cách thành viên độc lập đại diện cho 8% cổ phần của nước ngoài (kể cả cá nhân nước ngoài) và 3% cổ phần của người lao động tại công ty.
Khi Vinamilk có chủ trương tách người kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc mà vấn đề này đã được nêu ra tại đại hội đồng thường niên vừa qua, việc bầu chủ tịch là nội dung chính của cuộc họp hội đồng quản trị công ty cuối tuần trước. Ít ai biết rằng một trong hai thành viên trong hội đồng quản trị của Vinamilk đại diện cho phần vốn nhà nước (Nhà nước hiện sở hữu 45% cổ phần công ty, trong đó phân bổ 35% cổ phần cho một thành viên, 5% cổ phần được đại diện bởi một thành viên khác kiêm giám đốc tài chính và 5% thuộc một quan chức Vụ Đầu tư của SCIC, không tham gia hội đồng quản trị), đã tự ứng cử vào chức chủ tịch. Điều này phù hợp với quy định pháp lý vì các cổ đông lớn đều có quyền đề cử hoặc tự ứng cử.
Trên thực tế việc tự đề cử vào chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamilk của SCIC không phải không có lý. Họ cho rằng cổ đông lớn nhất phải nắm vị trí cao nhất. Hơn nữa bà Tâm không hề sở hữu một cổ phiếu Vinamilk. Nhưng phía nước ngoài, những quỹ đầu tư đã từng có mặt ở Việt Nam 10-15 năm nay, dẫn chứng thành viên độc lập vẫn có thể đứng ở vị trí chủ tịch, cho dù sở hữu cổ phiếu hay không. Ông Cao Sĩ Kiêm là thành viên độc lập, không hề có cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đông Á, mà đã từng là Chủ tịch Đông Á. Ông Kiều Hữu Dũng, thành viên độc lập, đang là Chủ tịch Sacombank. Bản thân bà Tâm đang là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Nhà TPHCM (HDBank).
Tuy nhiên người của SCIC đại diện cho tỷ lệ phần vốn nhà nước cao nhất 35% đã không trúng cử do chỉ được 2/6 tổng số phiếu bầu. Hai thành viên khác đại diện cho các tổ chức đầu tư nước ngoài đã cùng bỏ phiếu cho bà Tâm. “Bà Tâm là người có kinh nghiệm trong cả quản trị doanh nghiệp nhà nước và quản trị công ty cổ phần”, đại diện một quỹ nước ngoài nói.
Yêu cầu của các cổ đông nước ngoài ở Vinamilk đối với chủ tịch là gì? Chủ tịch chỉ điều hành hội đồng quản trị, không điều hành công ty, không can thiệp vào hoạt động của ban tổng giám đốc. Thông điệp của họ ngắn gọn và rõ ràng!
Cho đến nay nước ngoài vẫn là những cổ đông có tiếng nói mạnh mẽ và quyết định ở Vinamilk. Họ nắm tới 49% cổ phần công ty, cao hơn tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Các cổ đông quốc tế cần Vinamilk phát triển, làm ăn hiệu quả để khoản đầu tư của họ sinh lời. Mục tiêu của họ khác cổ đông nhà nước. Nhà nước cần bảo toàn vốn. Họ cần tiền sinh sôi. Nói thẳng là họ cần lợi nhuận.
Một chi tiết bên lề: Vinamilk quy định trưởng ban nhân sự và lương thưởng của công ty phải là thành viên độc lập hội đồng quản trị. SCIC cho rằng một trong số các đại diện của họ phải đảm trách chức vụ này. Các cổ đông nước ngoài và đại diện cho cổ đông nhỏ lẻ trong nước đã không đồng ý. Trước bà Tâm, ông Hà Văn Thắm, người được SCIC giới thiệu vào Hội đồng quản trị Vinamilk, là trưởng ban trên. Nhưng ông Thắm đã bị khởi tố và bắt tạm giam trong một vụ việc khác.
Tập đoàn F&N hiện đang nắm giữ 11% cổ phần Vinamilk. Các quỹ của Dragon Capital sở hữu tổng cộng gần 9%. Các quỹ của VinaCapital cũng nắm giữ cổ phiếu Vinamilk từ nhiều năm nay. Hầu hết các quỹ nước ngoài khác đều có cổ phiếu Vinamilk trong danh mục, nhưng họ không nắm đến 5% để phải công bố thông tin theo luật định.
Vinamilk trong 7-8 năm qua là cổ phiếu mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho nước ngoài bất chấp thị trường chứng khoán khủng hoảng. Mười mấy năm trước khi Vinamilk lần đầu tiên đấu giá công khai cổ phiếu ra bên ngoài, các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức phần lớn bỏ giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu và giá trúng bình quân khoảng 28.000 đồng. Riêng F&N lần ấy đã bỏ giá tới 42.000 đồng/cổ phiếu, và họ mua được số lượng tương đối lớn (với giá cao). Giá trên thị trường OTC lúc đó của Vinamilk chừng 24.000-25.000 đồng. Còn nhớ đại diện F&N đến từ Singapore trong ngày đấu giá đáng nhớ ấy là một người trẻ tuổi. Ông nói chắc như đinh đóng cột rằng khoản đầu tư của F&N sẽ không lỗ với Vinamilk. Và ông đã đúng.
Các quỹ nước ngoài thường hay đề cập đến quản trị doanh nghiệp và họ cũng không can thiệp vào công việc điều hành của các công ty nếu quản trị đó không đụng chạm đến quyền lợi sát sườn, miếng cơm manh áo của họ. Nhưng khi họ nhận thấy những yếu tố có thể tác động đến giá trị khoản đầu tư, họ không nhân nhượng. Vinamilk là một ví dụ điển hình. Để kết luận xin dẫn phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi làm việc gần đây với Vinamilk: “Các cổ đông đều bình đẳng. Cổ đông Nhà nước không thể đứng trên các cổ đông khác và không được làm ảnh hưởng tới quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp”.
Trao đổi với TBKTSG Online về chức danh đại diện phần vốn nhà nước tại Vinamilk tới đây có thay đổi hay không, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành công ty cho biết Thông tư số 03/2012/TT-BNV ngày 26-6-2012 của Bộ Nội vụ quy định người giữ vốn nhà nước phải là người còn trong độ tuổi lao động. Như vậy trong sáu thành viên HĐQT Vinamilk, SCIC chỉ còn hai đại diện mà trong đó không có bà Mai Kiều Liên cũng như bà Lê Thị Băng Tâm.
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.