Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) ghi nhận 3.151 tỷ đồng doanh thu thuần, cao hơn 38,3% so với cùng kỳ 2017 với 99% doanh thu đến từ bán vàng, bạc đá quý. Giá vốn tăng chậm hơn với 35,5% khiến biên lãi gộp tăng từ 17,4% lên 19%, lợi nhuận gộp tăng 51,5% so với quý III/2017 lên mức 600 tỷ đồng.
PNJ cho biết, động lực tăng trưởng doanh thu vẫn tập trung vào trang sức vàng kênh bán lẻ. Các cửa hàng cũ của PNJ ghi nhận doanh thu tăng 28%, trong khi 58 cửa hàng mới mở từ cuối năm 2017 đóng góp tăng trưởng 10% doanh số.
Chi phí bán hàng chiếm tới 8,5% doanh thu, tăng 46,7% so với cùng kỳ năm trước lên 268,1 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 2 lần lên mức 93 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính cũng tăng 64,2%. Kết quả quý III, PNJ báo lãi sau thuế 177,7 tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, PNJ đạt doanh thu thuần và lãi ròng sau thuế lần lượt 10.508 tỷ đồng và 694,4 tỷ đồng, tăng 35,5% và 37,8% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch 13.727 tỷ đồng doanh thu và 882 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, PNJ đã hoàn thành 76,5% chỉ tiêu doanh thu và 78,7% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối kỳ, tổng tài sản của PNJ tăng 20% so với đầu năm lên mức 5.481 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm tới 82% chủ yếu bao gồm hàng tồn kho với 4.124 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm 37,8% tổng tài sản, PNJ vay nợ tài chính lên đến 1.304 tỷ đồng. Ngoài ra, PNJ cũng tích lũy được 619 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối bên cạnh 265 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 876,8 tỷ đồng thặng dư cổ phần.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNJ đang giao dịch với giá 104.300 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa đạt gần 17.000 tỷ đồng.
THANH HÀ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.