Văn phòng UBND Tp.HCM vừa có văn bản 7059 gửi Công an thành phố, Thanh tra thành phố, các sở ngành liên quan đề nghị làm rõ thông tin Công ty Cổ phần Kim Khí Tp.HCM chuyển nhượng dự án khu đất 9.125 m2 nằm tại phường Phú Thuận, quận 7 cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG - HOSE).
Theo đó, Công ty cổ phần Kim khí TP HCM chuyển nhượng khu đất hơn 9.100 m2 tại phường Phú Thuận, quận 7 cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh với giá 102 tỷ đồng. Công ty Kim Khí do nhà nước nắm 51% vốn nhưng chuyển nhượng đất công lại không qua đấu giá và có dấu hiệu bán đất công với giá rẻ.
Phản hồi thông tin này, ngày 29/6, UBND TP HCM có công văn gửi các sở, thanh tra và công an thành phố chuẩn bị các nội dung tham mưu, trả lời vấn đề báo chí quan tâm. Và tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND TP ngày 3/7, lãnh đạo Sở Tài chính đã cho biết công ty Kim Khí được cổ phần hóa theo quyết định của Nhà nước năm 2005 và là thành viên của Tổng Công ty Thép Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 55,67%. Tổng Công ty Thép lại do Bộ Công Thương kiểm soát 93,93%.
Do đó, lãnh đạo Sở nói công ty Kim Khí không thuộc đối tượng quản lý, định hướng của TP HCM. Vấn đề chuyển nhượng này không thuộc phạm vi xem xét của TP. Về giá chuyển nhượng 102 tỷ đồng có dấu hiệu bán rẻ đất công hay không, vị đại diện cho rằng phóng viên hãy liên hệ với Bộ Công Thương để làm rõ.
Con đường chuyển nhượng
Trước khi cổ phần hóa vào năm 2005, miếng đất hơn 9.100 m2 tại phường Phú Thuận, quận 7 được Nhà nước cho Kim Khí thuê để sử dụng. Đến năm 2009, UBND TP HCM có chấp thuận chủ trương cho Kim Khí được chuyển sang hình thức giao đất có nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường để lập dự án đầu tư phù hợp quy hoạch.
Năm 2010, UBND TP duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Kim Khí được chuyển hình thức từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng công trình.
Năm 2011, Sở Tài Nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Kim Khí trên mảnh đất trên. Mục đích sử dụng là đất ở đô thị (nhà chung cư kết hợp thương mại dịch vụ) với thời gian sử dụng lâu dài.
Trên cơ sở đó, UBND TP đồng ý với quy hoạch mặt bằng, phương án kiến trúc của dự án. Tổng mức đầu tư dự án tạm tính là 974 tỷ đồng, bao gồm 2 tòa nhà có khối đế và tháp 27 tầng, 500 căn hộ. Dự án không có nghĩa vụ điều tiết quỹ nhà ở xã hội, thực hiện từ năm 2016 đến 2020.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2016, Kim Khí có đưa ra vấn đề chuyển nhượng dự án 9.100 m2 để thu hồi vốn. Được sự đồng ý của cổ đông, vào tháng 1/2016, HĐQT Kim Khí có nghị quyết chấp thuận phương án chuyển nhượng dự án. Sau đó tới tháng 9/2016, UBND TP có văn bản chấp thuận cho Kim Khí đầu tư dự án. Sang tháng 10 cùng năm, UBND TP tiếp tục có văn bản đồng ý cho Kim Khí chuyển nhượng dự án cho Đất Xanh. Người ký văn bản là ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của Kim Khí cho biết, ngay trong năm này, công ty đã hoàn thành việc chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Xây dựng Dịch vụ Địa ốc Đất Xanh (DXG) với giá trị hơn 102 tỷ đồng và thanh lý tài sản trên đất, thu hồi 1,21 tỷ đồng. Các chi phí liên quan đến chuyển nhượng dự án là 85,3 tỷ đồng đồng, do đó lãi chuyển nhượng dự án là 16,8 tỷ đồng...
Hiện trạng dự án tại quyết định chuyển nhượng là đất trống và nhà kho (đã ngưng hoạt động). Sau khi nhận chuyển nhượng, Đất Xanh đã tiếp tục thực hiện dự án và đặt lên là LuxGarden.
“Việc chuyển nhượng thực hiện đúng quy định”
Trước nhiều dư luận trái chiều, Tập đoàn Đất Xanh khẳng định việc chuyển nhượng dự án tại khu đất phường Phú Thuận, quận 7 được thực hiện đúng quy định của pháp luật, được thông qua bởi Hội đồng thẩm định về chuyển nhượng dự án và đã được UBND TP HCM chấp thuận tại Quyết định dố 5450/QĐ - UBND ngày 17/10/2016. Quyết định này là văn bản hợp pháp khẳng định việc chấp thuận cho chuyển nhượng dự án.
Thông tin từ Đất Xanh cũng cho rằng công ty là đơn vị nhận chuyển nhượng dự án và đã thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư theo quy định pháp luật; kế thừa và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư đã chuyển giao; tiếp tục triển khai dự án theo đúng nội dung đã phê duyệt. Công ty cũng đã hoàn tất các thủ tục đất đai và thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung theo quy định; đồng thời thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục phó Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính:
Về cơ bản, tài sản công khi thực hiện chuyển nhượng thì phải đấu giá. Một số trường hợp được chỉ định và thường báo cáo Thủ tướng xem xét. Theo pháp luật về tài sản công thì nhà, đất khi bán đấu giá hay chỉ định đều phải theo giá thị trường, thông qua hội đồng thẩm định và trình UBND cấp tỉnh duyệt.
(Phát biểu tại buổi họp báo ngày 17/5 chuyên đề về triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công của Bộ Tài chính).
Dự án bất động sản được chuyển nhượng phải có các điều kiện sau đây:
a) Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt;
b) Dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt;
c) Dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp có vi phạm trong quá trình triển khai dự án thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt.
(Điều 49 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014)
KHỔNG CHIÊM
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.