Trong buổi chia sẻ về kết quả kinh doanh cũng như tình hình hoạt động, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (HoSE:
MPC) ông Lê Văn Quang cho biết công ty đề ra kế hoạch lợi nhuận năm 2019 tăng mạnh lên mức 2.300 tỷ đồng.
Với thương vụ phát hành riêng lẻ, ông Quang cho biết vẫn đang trong quá trình đàm phá và rà soát lần cuối các nhà đầu tư, hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán trước cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường. Thương vụ này có giá trị khoảng 230-250 triệu USD cho cả phần vốn tăng thêm 35,1% như kế hoạch.
Năm 2018 ước lãi sơ bộ 1.200 tỷ đồng
Tổng kết năm 2018, Minh Phú đã xuất khẩu được 67.444 tấn, tăng trưởng 19,5%. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu 750,7 triệu USD, tăng 7,6% bởi giá tôm ước giảm 25% trong năm qua.
Theo ông Quang, giá tôm có thời gian xuống thấp nhất vào tháng 6, sau đó phục hồi nhẹ nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là do tình hình mùa vụ Ấn Độ tốt, tăng trưởng sản lượng 20% và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu để “chạy thuế”.
Về tài chính, Minh Phú ghi nhận tổng doanh thu 24.041 tỷ, lãi gộp 2.102 tỷ, lợi nhuận trước thuế (LNTT) 1.208 tỷ và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 1.129 tỷ đồng. Đây là con số sơ bộ và chưa bao gồm một số công ty con khác.
Kế hoạch 2019 lãi trước thuế 2.300 tỷ đồng
Chủ tịch
MPC chia sẻ công ty lên kế hoạch 2019 với tổng sản lượng 77.400 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu 850 triệu USD, tương ứng lợi nhuận mảng chế biến xuất khẩu là 2.000 tỷ.
Đối với mảng nuôi tôm, sau khi áp dụng công nghệ mới 2-3-4 và đẩy mạnh vùng nuôi lên 554 ao, sản lượng nuôi của
MPC dự kiến 11.080 tấn. Lợi nhuận nuôi tôm khoảng 300 tỷ. Như vậy, tổng lợi nhuận trước thuế là 2.300 tỷ đồng.
Theo ông Quang, kế hoạch lợi nhuận tăng nhanh là do công ty đã đánh giá 1 số tình hình ngành tôm. Nhưlượng tôm nguyên liệu dồi dào, với công nghệ mới thì sản lượng và hiệu quả tốt, kể cả tháng 1 trái vụ thì nguyên liệu cũng rất nhiều, lợi nhuận cao nên kích thích người nuôi tôm.
Trong năm 2018 tình hình nguyên liệu vẫn còn cao, trong khi giá tôm giảm nhiều khiến doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, có doanh nghiệp đóng cửa, có doanh nghiệp không được ngân hàng cho vay. Nguồn cung thì tăng trong khi nhu cầu các nhà máy giảm nên nguyên liệu dồi dào hơn, khiến giá nguyên liệu đầu vào của
MPC giảm nên lợi nhuận tốt hơn.
Khảo sát tình hình Ấn Độ sau vụ 1 giá tôm giảm mạnh, người nuôi tôm đã lỗ và các doanh nghiệp chế biến cũng không có lời do phá giá tôm. Khảo sát niên vụ 2, Ấn Độ treo ao và không nuôi rất nhiều. Dự kiến sản lượng nuôi tôm của Ấn Độ không tăng so với 2018.
Về Minh Phú, hiện các nhà máy đã hoạt động hết công suất. Công ty cũng đang đàm phán với các nhà đầu tư, xem xét mua các nhà máy cũ để có thể tăng công suất thêm 20-30%.
Thị trường chính là Mỹ
Chủ tịch
MPC cho biết Mỹ vẫn là thị trường chính của công ty với tỷ trọng khoảng 40%. Ở thị trường này, Minh Phú có lợi thế là không bị áp thuế bán phá giá, vĩnh viễn ở mức 0%. Hơn nữa, Mỹ cũng áp dụng chương trình truy xuất nguồn gốc từ 2019, tiêu chí này rất khắt khe và và phải có công ty thành lập bên Mỹ mới được nhập hàng. Minh Phú đã đáp ứng các yêu cầu và điều kiện này.
Thị trường châu Âu rất tiềm năng tuy nhiên công ty không muốn xuất hàng nhiều do các đối tác bán không đúng khối lượng và mức giá chênh lệch quá cao, thị trường này hiện chiếm khoảng 10-20% tổng xuất khẩu của Minh Phú. Còn thị trường Nhật khá khó tính và chỉ xuất các hàng giá trị gia tăng.
Về nguyên liệu,
MPC đang thử nghiệm công nghệ nuôi tôm, dự kiến năm 2019 sẽ chủ động được nguyên liệu khoảng 10% và tăng dần đến 50% vào năm 2033, phần còn lại vẫn hợp tác với người dân.
Về giá xuất khẩu, ông Quang dự đoán giá ít có khả năng tăng và có thể theo xu hướng giảm. Tuy nhiên, công nghệ nuôi mới của Minh Phú vẫn thấp hơn chi phí thông thường 20-30%.
Công nghệ mới sẽ áp dụng cho 554 ao với diện tích khoảng 200ha, năng suất khoảng 70-80 tấn/ha/vụ. Nếu áp dụng nuôi 3 vụ/năm, sản lượng dự kiến sẽ tăng 10 lần so công nghệ thường. Tuy nhiên, thực tế nông dân có thể nuôi 4,5-5 vụ/năm, qua đó sản lượng có thể gấp gần 17 lần thông thường.
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.