Đề xuất tăng vốn điều lệ từ ngân sách cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước không được đưa vào dự thảo nghị quyết họp Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết đây là vấn đề hệ trọng, đang được thẩm tra theo đúng quy trình.
Tại cả hai kỳ họp Quốc hội trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều kiến nghị cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, trước mắt việc này chưa thể thực hiện. Đồng nghĩa, VietinBank (HoSE:
CTG), ngân hàng cuối cùng trong nhóm thí điểm Basel II, sẽ có thể tiếp tục gặp khó trong việc tăng vốn.
VietinBank có 2 cổ đông ngoại là The Bank of Tokyo - Misubishi UFJ và IFC đang sở hữu lần lượt 19,73% và 5,39% vốn. Trong khi đó, NHNN giữ 64,46%, thấp hơn mức tối thiểu 65% theo chủ trương của Chính phủ. Điều này khiến phương án chào bán thêm vốn cho khối ngoại bế tắc. Theo lộ trình đến 2021, sở hữu của Nhà nước tại VietinBank mới có thể giảm xuống 51%.
Phương án tăng vốn khác được VietinBank đưa ra trong phiên họp thường niên 2019 là chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu từ phần lợi nhuận sau thuế tích lũy. Ngân hàng xin chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017, 2018, 2019 hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để phục vụ cho việc tăng vốn. Tuy nhiên, phương án này cũng chưa được các cấp thẩm quyền cho phép do liên quan đến vấn đề ngân sách Nhà nước. Mới đây, BIDV vẫn phải chia cổ tức bằng tiền mặt tổng tỷ lệ 14% năm 2017, 2018 sau khi KEB Hana Bank mua 15% cổ phần.
Nhân tố SCIC
Phương án tăng vốn được cho là khả thi với VietinBank hiện nay là phát hành tăng vốn cho cổ đông nội thuộc sở hữu của Nhà nước. Ứng viên được gọi tên là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn (SCIC).
Nếu VietinBank phát hành cổ phần riêng lẻ cho SCIC, tổng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ vẫn đảm bảo không dưới 65% vốn. Tuy thuộc vào lượng vốn chào bán thêm, nhà đầu tư nước ngoài cũng có cơ hội tham gia.
Đại diện SCIC cho biết công ty vẫn có chủ trương đầu tư vào VietinBank nhưng ngân hàng phải báo cáo, trình phương án tăng vốn với các cơ quan có thẩm quyền. Ảnh minh hoạ: L.H.
Đại diện SCIC cũng cho hay nếu ngân hàng chọn tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu nhưng ngân sách không bố trí được để tham gia, SCIC có thể "thế chỗ" cổ đông Nhà nước. Phương án này vừa đảm bảo ngân hàng tăng được vốn, vừa phù hợp với định hướng đầu từ của SCIC. Đại diện SCIC khác thì dẫn ví dụ về sự hiệu quả trong việc đầu tư của đơn vị này vào một ngân hàng khác là MB. Do đó, nếu SCIC được chấp thuận thì việc đầu tư vào VietinBank sẽ là khoản đầu tư tài chính, còn đủ điều kiện thành cổ đông lớn thì là cơ hội giúp tổng công ty gia tăng nền tảng quản trị cho ngân hàng.
Trả lời phỏng vấn của Người Đồng Hành, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC, cho biết công ty vẫn có chủ trương đầu tư vào VietinBank nhưng trước hết ngân hàng phải báo cáo, trình phương án tăng vốn tới các cơ quan có thẩm quyền bao gồm phương án để SCIC tham gia. Khi đó, công ty mới tiến hành nghiên cứu, khảo sát và ra quyết định đầu tư. Ông Thành nhận định trước nhất VietinBank phải có nhu cầu tăng vốn và huy động vốn từ bên ngoài. Sau đó, được cấp có thẩm quyền cho phép, SCIC sẽ dựa theo bộ tiêu chí, quy chế đầu tư theo thông lệ để xem xét việc mua cổ phần.
... và gợi ý từ J.P. Morgan
Một phương án cải thiện vốn khác của VietinBank được J.P. Morgan đưa ra trong báo cáo gần đây là giải phóng vốn thông qua việc bán cổ phần tại một số khoản đầu tư hoặc công ty con. Hiện nay, ngân hàng có 10 công ty con và sở hữu trên 50% vốn như Chứng khoán VietinBank (75,61%), Bảo hiểm VietinBank (97,83%), Cho thuê tài chính VietinBank (100%), Công ty Chuyển tiền toàn cầu VietinBank (100%)…
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, phương án thoái vốn tại các công ty con, khoản đầu tư có thể giúp cải thiện vốn chủ sở hữu của VietinBank nếu bán được cổ phần với giá cao và mang về lợi nhuận. Sức ảnh hưởng của các đợt thoái vốn đối với VietinBank sẽ phụ thuộc mức độ thành công của các thương vụ.
Tăng vốn là vấn đề cấp thiết của VietinBank. Trước đó, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ nhiều lần cho hay đó là câu chuyện cấp thiết. Nếu không tăng được vốn, ngân hàng khó tăng trưởng tín dụng, không đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế. 9 tháng đầu năm, một nguồn tin từ NHNN cho biết 9 tháng đầu năm ngân hàng tăng trưởng tín dụng trên dưới 6%.
Gần đây, ngân hàng cũng có buổi làm việc với đại diện cổ đông Nhật Bản MUFG. Đại diện này kỳ vọng ngân hàng sẽ thực hiện mục tiêu tăng vốn sớm nhất có thể và khẳng định MUFG luôn ủng hộ ngân hàng trong mọi nỗ lực để thúc đẩy tiến trình tăng vốn.
Thực tế, vài năm gần đây, tăng trưởng tín dụng của VietinBank tương đối khiêm tốn so với những ngân hàng TMCP Nhà nước khác. Báo cáo tài chính mới nhất của ngân hàng cho thấy sau 9 tháng, tăng trưởng cho vay chỉ 4%, trong khi BIDV 9%, Vietcombank 12%. Theo nguồn tin từ NHNN, tín dụng ngân hàng sau 9 tháng chỉ tăng trên dưới 6%. Tổng tài sản sau 9 tháng là 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Lãi trước thuế hơn 8.400 tỷ, tăng 1%, lãi sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ tăng tương đương, lên hơn 6.800 tỷ đồng. Nợ xấu là 1,56%, giảm 2 điểm cơ bản so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 70% so với cuối 2018, lên 3.552 tỷ đồng.
Thời gian qua, VietinBank liên tục thông báo phát hành trái phiếu. Gần nhất, đơn vị này đã phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Động thái trên diễn ra sau khi VietinBank được NHNN cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất tự quyết định từ tháng 3. Đây là phương án cải thiện vốn tạm thời khi hạn chót áp dụng Basel II còn chưa tới 2 tháng.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.