Tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là mục tiêu trọng tâm trong chiến lược kinh doanh những năm gần đây của các ngân hàng. Điều này cũng dẫn đến cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt và việc tăng trưởng CASA trở nên khó khăn hơn.
Theo Báo cáo tài chính 2024 của 27 ngân hàng, tỷ lệ CASA tại nhiều nhà băng có xu hướng sụt giảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vốn mà còn đặt ra bài toán khó trong chiến lược cạnh tranh lãi suất và tối ưu lợi nhuận của các ngân hàng.
CASA quanh ngưỡng 20%
Khảo sát cho thấy có tới 14 ngân hàng, tương đương gần 52%, ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong năm qua.
Tại Vietbank, tính đến cuối năm 2024, dù tổng tiền gửi khách hàng tăng 5,3% so với đầu năm, nhưng tiền gửi không kỳ hạn lại giảm mạnh 37,4%, kéo tỷ lệ CASA xuống còn 4,9% so với mức 8,3% hồi đầu năm. Điều này khiến Vietbank trở thành một trong những ngân hàng có mức giảm CASA mạnh nhất, đồng thời nằm trong nhóm có tỷ lệ CASA thấp nhất.
Cũng ghi nhận mức giảm hai con số là VPBank: lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm 11% kéo tỷ lệ CASA từ 17,4% xuống 14,1% vào cuối năm 2024.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm, như PGBank giảm 2,6 điểm %, SHB giảm 2,24 điểm %, Bac A Bank giảm 1,5 điểm %.

Tỷ lệ CASA của Techcombank giảm 2,5 điểm %, xuống còn 37,4%.
Đáng chú ý, sự suy giảm CASA không chỉ diễn ra ở các ngân hàng quy mô nhỏ, mà ngay cả những "ông lớn" dẫn đầu về thu hút nguồn vốn giá rẻ cũng không tránh khỏi xu hướng này.
Một số ngân hàng đang có tỷ lệ CASA dẫn đầu cũng ghi nhận sụt giảm trong năm qua: MB giảm từ 39,6% vào cuối năm 2023 xuống 39,1% vào cuối năm 2024; Techcombank giảm 2,5 điểm % xuống còn 37,4%...
Khảo sát cũng cho thấy có tới 10/27 ngân hàng (tương đương 37%) có tỷ lệ CASA dưới 10%. Bac A Bank là ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp nhất, chỉ đạt 2,9% tổng số tiền gửi khách hàng. VietABank và VietBank lần lượt xếp thứ hai và ba với tỷ lệ CASA ở mức 4,1% và 4,9%. Một số ngân hàng khác như NamABank (6,3%), Kienlongbank (6,4%), BVBank (6,7%) cũng có tỷ lệ CASA khiêm tốn.
Nhìn chung, tính đến cuối quý IV/2024, có 14/27 ngân hàng có tỷ lệ CASA giảm so với đầu năm; nhưng nếu so với cuối quý III, có đến 22 ngân hàng cải thiện tỷ lệ này.
Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ của một ngân hàng cho biết, CASA là một trong những yếu tố chính giúp ngân hàng có thể huy động nguồn vốn với chi phí thấp, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tỷ lệ CASA cao giúp ngân hàng có được vốn rẻ, từ đó có khả năng cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Vì vậy, những năm gần đây, các ngân hàng không ngừng chạy đua để thu hút nguồn vốn này.
CASA năm 2025 ra sao?
Nhằm gia tăng CASA, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng mạnh sang mảng bán lẻ, triển khai chính sách miễn phí giao dịch, chuyển tiền và rút tiền. Đặc biệt, đầu tư vào công nghệ ngân hàng số, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng đang trở thành chiến lược trọng tâm của nhiều nhà băng. Nhờ đó, dù có sự phân hóa giữa các ngân hàng, nhưng tỷ lệ CASA toàn hệ thống đã có sự cải thiện đáng kể trong vài năm qua.
Tuy nhiên, nguồn vốn giá rẻ này dần trở nên "khan hiếm" hơn, một phần do sự dịch chuyển dòng tiền sang các khoản tiết kiệm dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại từ cuối năm 2024.
Dù vậy, với tỷ lệ CASA của toàn hệ thống vẫn mới chỉ đang duy trì quanh mức trên dưới 20% như hiện nay, các chuyên gia nhận định dư địa tăng trưởng vẫn còn rộng mở, nhưng việc canh tranh hút CASA giữa các ngân hàng sẽ gay gắt hơn.
“Nhìn chung, năm 2025 sẽ là thời điểm quan trọng để quan sát sự dịch chuyển của dòng vốn CASA. Khi những cơ hội rõ ràng hơn xuất hiện, dòng tiền CASA sẽ không còn “ngủ yên” trong ngân hàng mà sẽ chảy vào những lĩnh vực thực sự tiềm năng”, một chuyên gia nhận định.
Cụ thể, Chính phủ đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, tạo ra cơ hội lớn cho người mua ở thực. Bất động sản nhà ở xã hội và phân khúc bình dân có thể là phân khúc đầu tiên thu hút dòng tiền trở lại.
Các doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sẽ tạo ra cơ hội cho các startup và doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Dòng vốn CASA có thể chảy vào các mô hình kinh doanh tiềm năng này.
Đồng thời, ngành du lịch sau đại dịch đang lấy lại đà tăng trưởng. Dòng tiền có thể tìm đến các mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, giải trí…
Để xây dựng nền tảng CASA bền vững, các ngân hàng đang không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng và cải thiện trải nghiệm sử dụng, nhằm giữ chân và thu hút thêm nguồn vốn quan trọng này.
MBS dự báo, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 có thể đạt 15 - 16%, khi nhu cầu tín dụng từ các ngành sản xuất và thương mại gia tăng.
Tuy nhiên, biên lãi ròng khó tăng mạnh do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, trong khi lãi suất huy động khó duy trì ở mức thấp vì áp lực thanh khoản và tỷ giá. Tiềm năng mở rộng biên lãi ròng sẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA, chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.
Thanh Hoa
Link gốc