Trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo, giá cao su RSS3 giao tháng 3 chốt phiên 19/2 lên cao nhất 4 tuần qua ở 190,3 (1,72 USD/kg), tăng gần 5% so với khoảng 10 ngày trước đó.
Trên Sàn giao dịch Hàng hóa tương lai Thượng Hải, giá cao su giao trong cùng kỳ cũng chốt phiên 19/2 ở 12.015 nhân dân tệ/tấn (1,77 USD/kg), tăng 6,3% so với 10 ngày trước.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS3 đến cùng ngày cũng tăng 2,3% và giao dịch ở 49,78 baht/kg (1,59 USD/kg).
Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh trong 10 ngày giữa tháng 2 ổn định ở mức thấp. Công ty cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp và mủ nước ở 250 Đ/độ TSC đối với mủ tạp và 260 Đ/độ TSC đối với mủ nước.
Diễn biến giá cao su RSS3 giao tháng 3 tại Nhật Bản. Nguồn: TOCOM.
Động lực tăng giá của cao su
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá cao su trên thị trường thế giới tăng chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục đàm phán thương mại tại Washington trong tuần này, và cả hai bên đều thông báo đã có tiến triển trong quá trình hướng đến một giải pháp cho căng thẳng song phương.
Liên quan tới phía tiêu thụ, Trung Quốc thông báo sẽ trợ cấp cho người mua ôtô trên toàn quốc nhằm kích thích tiêu thụ mặt hàng này.
Trong kihi đó, thực tế cho thấy nguồn cung từ các nước sản xuất lớn có dấu hiệu sụt giảm do yếu tố mùa vụ. Một số nước sản xuất cao su lớn trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đang bước vào mùa khô.
Thị trường cũng kỳ vọng các nước sản xuất cao su lớn có thể thỏa thuận các biện pháp để thúc đẩy giá. Bộ Thương mại Indonesia cho biết sẽ đề xuất thực hiện Chương trình thỏa thuận lượng cao su xuất khẩu tại cuộc họp 3 nước sản xuất cao su hàng đầu trong tháng 2.
Giá cao su tăng một phần khác nhờ giới đầu tư quay trở lại thị trường giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Giá phục hồi, xuất khẩu cao su cải thiện
Giá cao su cải thiện nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong tháng 1 cũng tăng lên. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng trước đạt 157.150 tấn và thu về 199,78 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn thấp hơn 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 1.271,3 USD/tấn.
Trung Quốc là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam trong tháng 1, với khối lượng đạt 104.090 tấn, trị giá 131,63 triệu USD. Thị trường này chiếm 65,9% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, tăng mạnh so với mức tỷ trọng 54,9% của cùng kỳ năm 2018.
Một số thị trường khác cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su của Việt Nam so với cùng kỳ năm 2018 như Hà Lan (182,6%), Phần Lan (100%), Mexico (78,5%)...
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.