Sau phiên 21/8, cổ phiếu
VCB![](/ESImages/info.gif)
của Vietcombank tăng 4% lên giá 80.000 đồng/cp vào cuối phiên, dù phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ. Đây là phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp của
VCB![](/ESImages/info.gif)
, đưa giá cổ phiếu lên mức cao nhất từ đầu tháng 8, sau khi có thời điểm đạt đỉnh lịch sử 81.000 đồng/cp vào phiên 29/7. Tính từ đầu năm, cổ phiếu
VCB![](/ESImages/info.gif)
tăng 50%, cao nhất trong số các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường.
Triển vọng lợi nhuận tiếp tục “phá đỉnh” đi cùng chất lượng tài sản được cho là những yếu tố giúp cổ phiếu
VCB![](/ESImages/info.gif)
tăng giá.
6 tháng đầu năm 2019, Vietcombank ghi nhận lãi trước thuế hơn 11.303 tỷ đồng, cao hơn 41% so với cùng kỳ và thực hiện gần 57% kế hoạch năm. Theo giải trình của ngân hàng, 3 yếu tố chính giúp lợi nhuận tăng trưởng là hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và thu nhập từ lãi đầu tư.
Giải trình báo cáo tài chính bán niên 2019, Vietcombank cho biết nửa đầu năm, ngân hàng đã tập trung vào phát triển dịch vụ, nâng cấp các hệ thống, phát triển thêm một số ứng dụng mới và mở rộng tính năng mới của sản phẩm, nâng cao dịch vụ, thu hút khách hàng gia tăng giao dịch, tăng nguồn thu. Nhờ đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 877 tỷ đồng trong kỳ, tương ứng 11,4%.
Với hoạt động ngoại hối, lãi thuần tăng 589 tỷ đồng, tương ứng 7,62%, chủ yếu nhờ doanh số mua bán ngoại tệ của Vietcombank cao hơn so với cùng kỳ 2018.
Trong khi đó, thu nhập từ lãi đầu tư tăng 1.307 tỷ đồng, tương ứng gần 17%, đây cũng là khoản đóng góp chính cho tăng trưởng của Vietcombank 6 tháng. Ngân hàng cho biết thời gian qua đã tập trung đẩy mạnh đầu tư vào các danh mục có tỷ lệ sinh lời cao.
Thu nhập lãi thuần từ cho vay trong kỳ tăng 31%, tuy nhiên việc trích lập dự phòng tín dụng nhiều khả năng đã kéo thấp đóng góp tăng trưởng của hoạt động này vào kết quả chung. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 2%, ở mức 3.316 tỷ đồng.
Nửa đầu 2019, cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 9,8%, với dư nợ hơn 682.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đến cuối tháng 6 là 1,03%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn và nợ nghi ngờ giảm gần 500 tỷ đồng còn 5.463 tỷ đồng, trong khi nợ dưới tiêu chuẩn tăng 1.400 tỷ đồng lên 1.669 tỷ đồng.
Năm 2018, ngân hàng báo lợi nhuận lịch sử 18.269 tỷ đồng, tăng 61% so với năm trước. Bên cạnh hoạt động cốt lõi là cho vay và dịch vụ, nhà băng này ghi nhận thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần hơn 1.716 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ, nhờ các thương vụ bán vốn tại OCB, MB...
Nguồn: VNDirect.
Kỳ vọng hợp đồng độc quyền bảo hiểm, tín dụng bán lẻ...
Kết quả của Vietcombank trong nửa đầu 2019 cho thấy những chuyển dịch của ngân hàng trong trọng tâm phát triển, đầu tư vào các hoạt động ngoài cho vay có lợi suất cao hơn, ít rủi ro hơn, với định hướng "mua buôn, bán lẻ" gồm các trụ cột là bán lẻ, dịch vụ và kinh doanh vốn - đầu tư ngân hàng.
Chia sẻ tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2019, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng chuyển trọng tâm sang bán lẻ trong nhiều năm qua, và ghi nhận tăng trưởng bình quân 30%/năm. Quy mô tài sản bán lẻ chiếm 40% và đóng góp khoảng 46% lợi nhuận cho ngân hàng trong năm trước.
Một trong những động thái gần đây nhất của ngân hàng là việc đẩy nhanh tham gia vào hoạt động bảo hiểm. Bloomberg trích một số nguồn thạo tin cho biết Prudential và FWD là 2 trong số các doanh nghiệp đang tìm cách giành quyền độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới của Vietcombank. Theo một số nguồn tin, các vòng đàm phán vẫn đang diễn ra và có thể xuất hiện thêm những nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, đại diện của Prudential, FWD và Vietcombank từ chối bình luận.
Từ tháng 6/2018, Vietcombank đã chỉ định Credit Suisse Group tư vấn cho trong việc tìm một đối tác phân phối bảo hiểm mới, với tổng giá trị thỏa thuận có thể đạt 1 tỷ USD, theo Bloomberg. Nếu thương vụ thành công, ngân hàng sẽ nhận về khoản thanh toán ban đầu 400 triệu USD, con số này có thể cao hơn dựa trên hiệu quả kinh doanh.
Trước Vietcombank, nhiều ngân hàng cũng từng tham gia liên kết phân phối bảo hiểm và nhận khoản tiền hợp đồng độc quyền cả ngàn tỷ đồng. Đơn cử như Techcombank báo lãi đột biến 1.581 tỷ đồng từ ủy thác đại lý vào quý IV/2017 sau khi hợp tác với Manulife Việt Nam. VPBank cũng nhận về 1.800 tỷ đồng sau khi “bắt tay” với AIA.
Bên cạnh phí độc quyền, các ngân hàng vẫn tiếp tục được nhận hoa hồng khi làm đại lý phân phối cho các công ty bảo hiểm (bancassurance). Bloomberg ước tính với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,3%/ năm trong suốt giai đoạn 2005 - 2017 và sự phát triển nhanh của tầng lớp trung lưu, thị trường bảo hiểm của Việt Nam đang rất tiềm năng và thu hút được sự quan tâm của nhiều công ty bảo hiểm lớn trên thế giới.
Đầu năm, ngân hàng đã hoàn tất chào bán hơn 111 triệu cổ phiếu mới cho hai nhà đầu tư là Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) và Mizuho Bank, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương gần 270 triệu USD). Qua đó, vốn điều lệ của Vietcombank nâng lên 37.100 tỷ đồng.
Theo hồ sở gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 360 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn. Sau đợt chào bán đầu tiên, ngân hàng vẫn còn khoảng 7% vốn cho đợt chào bán tiếp theo.
Giai đoạn 2019-2020, ngân hàng này đặt mục tiêu nâng vốn điều lệ lên gần 55.300 tỷ đồng, thông qua phát hành riêng lẻ và chia cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn với tỷ lệ 40%.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.