• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.265,05 +5,42/+0,43%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.265,05   +5,42/+0,43%  |   HNX-INDEX   223,01   +0,34/+0,15%  |   UPCOM-INDEX   94,30   +0,42/+0,45%  |   VN30   1.337,59   +5,05/+0,38%  |   HNX30   463,85   -0,44/-0,09%
24 Tháng Giêng 2025 4:37:51 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp viễn thông lãi lớn quý III, triển vọng đầu tư công nghệ 5G
Nguồn tin: Người đồng hành | 24/11/2020 9:47:13 SA
Công trình Viettel lập kỷ lục lợi nhuận trong quý III với 70 tỷ đồng.
Viettel Global không có kế hoạch đầu tư thêm thị trường mới mà chỉ tập trung ở các thị trường cũ.
Triển vọng ngành viễn thông vẫn tích cực khi các nhà mạng đang nỗ lực mở rộng/hoàn thiện mạng 4G và triển khai 5G.
 
Viễn thông được xem là ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hay thậm chí còn hưởng lợi. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý III.
 
Riêng quý III, Công trình Viettel (UPCoM: CTR) – công ty con của Tập đoàn Viettel ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 70 tỷ đồng, tăng 46%. Đây là mức lãi cao nhất ghi nhận trong 1 quý của CTR.

 
Đơn vị: tỷ đồng
 
Tất cả nguồn thu của CTR đều tăng so với cùng kỳ năm trước như doanh thu giải pháp tích hợp và bán hàng thương mại tăng 56%, doanh thu dịch vụ vận hành khai thác tăng 14%, doanh thu hợp đồng xây lắp tăng 22%. Trong đó, doanh thu dịch vụ vận hành khai thác lớn nhất với 857 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55% tổng doanh thu.
 
Lũy kế 9 tháng, doanh thu Công trình Viettel tăng 14% đạt 4.325 tỷ đồng; lãi sau thuế 168 tỷ đồng, tăng 35%.
 
Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), CTR có lợi thế trong mảng vận hành khai thác khi là bên trực tiếp xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho Viettel và có tiềm năng mở rộng thị trường trong tương lai ở các thị trường quốc tế của tập đoàn. Bên cạnh đó, CTR khả năng cao sẽ là đơn vị được Viettel lựa chọn thực hiện hợp đồng xây lắp đầu tư công nghệ 5G.
 
Một công ty con khác của Viettel - Viettel Global (UPCoM: VGI) chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông di động (gọi thoại, 3G, 4G, 5G) ở thị trường quốc tế cũng có quý III kinh doanh rất khả quan bất chấp dịch bệnh diễn ra trên toàn thế giới. Doanh thu quý III đạt 5.726 tỷ đồng, tăng 26,7%; lãi sau thuế 856 tỷ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần 14.351 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.674 tỷ đồng; tăng 16,7% và gấp đôi 9 tháng 2019.
 
Doanh thu tăng trưởng và hoạt động liên doanh, liên kết không còn lỗ là động lực cho lợi nhuận Viettel Global đột biến gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
 
PHS cho rằng Viettel Global đã đạt được thị phần cao ở nhiều quốc gia tại Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ Latinh. Doanh nghiệp không có kế hoạch đầu tư thêm thị trường mới mà chỉ tập trung ở các thị trường cũ. Theo đó, biên lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện nhờ tiềm năng phát triển thuê bao data, dịch vụ số, dịch vụ thanh toán; giảm nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng viễn thông giảm bớt dư nợ; không phát sinh khoản lỗ giai đoạn đầu vận hành ở thị trường mới…
 
Công ty Viễn thông – Tin học Bưu điện (CTIN, HoSE: ICT) – công ty con VNPT ghi nhận doanh thu quý III đạt 328 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 22 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 29% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng CTIN ghi nhận lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng, tăng 76% so với 9 tháng 2019.
 
Doanh nghiệp lý giải doanh thu trong kỳ tăng nhờ việc hoàn thành các dự án gối đầu từ năm trước chuyển qua nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, công ty giảm được các chi phí liên quan hội họp, ngoại giao, cơ cấu bộ máy quản lý tại phòng ban giảm chi phí lương.
 
Việc người dân tăng làm việc ở nhà vì dịch bệnh, học sinh không đến trường học đã giúp việc sử dụng và nâng cấp các dịch vụ trả phí của Viễn thông FPT (FPT Telecom, UPCoM: FOX) nhiều hơn. Qua đó, doanh thu doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tăng 9% đạt 2.872 tỷ đồng. Chi phí biến đổi không đáng kể nên lãi sau thuế tăng 16% đạt 419 tỷ đồng.
 
Lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận FPT Telecom tăng lần lượt 10% và 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.311 tỷ đồng và 1.170 tỷ đồng.

 
Đơn vị: tỷ đồng
 
Triển vọng tích cực nhờ hoàn thiện mạng 4G và triển khai 5G
 
Theo Chứng khoán ACBS, qua 15 năm, lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam ghi nhận nhiều bước tiến trong việc hiện đại hóa và mở rộng hệ thống. Tỷ lệ thuê bao/dân số Việt Nam đã đạt mức trung bình toàn cầu và tỷ lệ thâm nhập internet cũng đang vươn lên xấp xỉ mức bình quân của các quốc gia đabg phát triển trên thế giới và bằng một nửa so với các nước phát triển. Do đó, lĩnh vực viễn thông được dự báo có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn về số lượng thuê bao, song triển vọng ngành vẫn tích cực khi các nhà mạng đang nỗ lực mở rộng/hoàn thiện mạng 4G và triển khai 5G.
 
Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế, mạng 5G đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ chính phủ và các nhà hoạch định chính sách hình thành các thành phố thông minh, cho phép người dân và cộng đồng tận hưởng các lợi ích kinh tế - xã hội của một nền kinh tế số có công nghệ tiên tiến và chuyên sâu về dữ liệu.
 
Tuy nhiên, dịch vụ 5G mới được triển khai thử nghiệm từ năm 2019 và triển khai thương mại vào năm 2020 với quy mô theo từng nhu cầu. Viettel, VNPT, MobiFone là các nhà mạng được cấp phép thử nghiệm 5G trong năm 2019. Báo cáo ACBS chỉ ra rằng mạng 4G sẽ tiếp tục phát triển cho đến 2023-2024 khi 5G có thể cất cánh.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, dân số yêu thích công nghệ và sẵn sàng kết nối thì cơ hội không chỉ xuất hiện ở các đô thị đông dân mà còn ở những khu vực xa hơn hoặc những quốc gia mà dân số kết nối còn hạn chế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cần tập trung phát triển nội dung và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng hạ tầng nhằm tăng doanh thu trên mỗi người dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần gia tăng tốc độ cao, chất lượng dịch vụ và nhanh chóng triển khai các thế hệ công nghệ mới để đưa Việt Nam lên thứ hạng cao hơn trên bản đồ viễn thông thế giới.