Với tỷ lệ nắm giữ khá lớn tại ba “ông lớn” ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ nhận được khoảng hơn 6.000 tỷ đồng cổ tức.
Cả 3 "ông lớn" ngành ngân hàng sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 6.000 tỷ đồng tiền cổ tức
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã:
BID) vừa công bố Nghị quyết về việc chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 8% (mỗi cổ phiếu sẽ nhận được 800 đồng tiền mặt).
Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông nhận cổ tức là ngày 4/1/2021. Thời gian thanh toán dự kiến diễn ra vào 3/2/2021.
Với hơn 4 tỷ cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, BIDV sẽ phải chi ra hơn 3.217 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Tại BIDV, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện vẫn là cổ đông đại diện sở hữu vốn Nhà nước nắm 80,99%, với tỷ lệ sở hữu này. Như vậy, cổ đông Nhà nước sẽ nhận về hơn 2.600 tỷ đồng cổ tức trong đợt này.
Bên cạnh đó, cổ đông lớn KEB Hana Bank (sở hữu 15% vốn BIDV) cũng sẽ nhận về hơn 480 tỷ đồng.
Việc chia cổ tức bằng tiền mặt nằm trong kế hoạch phân phối khoản lợi nhuận sau thuế Thu nhập doanh nghiệp hơn 8.290 tỷ đồng năm 2019 vừa qua của BIDV.
Hiện tại, BIDV là ngân hàng thương mại quốc doanh thứ 3 công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông cũng như kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã:
VCB) cũng thống nhất tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt tại nhà băng này là 8% và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã:
CTG) chốt tỷ lệ là 5%.
Cụ thể, Vietcombank dự kiến sẽ chi khoảng 2.967 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, hơn 2.219 tỷ đồng cổ tức thuộc về đại diện chủ sở hữu Nhà nước với tỷ lệ sở hữu 74,8% cổ phần.
Theo kế hoạch, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2019 của cổ đông Vietcombank là 22/12 và ngày thanh toán chậm nhất là 8/1/2021.
Tại Vietinbank, quy mô chi trả cổ tức tiền mặt của ngân hàng này là gần 1.862 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Nhà nước sẽ nhận được 1.200 tỷ đồng nhờ nắm giữ 64,46% số cổ phần tại ngân hàng.
Ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông hưởng quyền chia cổ tức tại Vietinbank là ngày 18/12 và ngày chia cổ tức là 21/1/2021.
Như vậy, cổ đông Nhà nước mà cụ thể là NHNN sẽ được chia khoảng 6.025 tỷ đồng cổ tức tiền mặt từ ba “ông lớn” ngành ngân hàng. Số tiền này được các ngân hàng nộp vào ngân sách Nhà nước.
Về kết quả kinh doanh, cả Vietcombank và Vietinbank đều thuộc nhóm ngân hàng có lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm nay cao nhất hệ thống, lần lượt đạt 16.000 tỷ và gần 10.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng tại Vietcombank năm nay giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019 thì chỉ tiêu lợi nhuận của Vietinbank vẫn cao hơn 22% cùng kỳ.
Trong khi đó, báo cáo tài chính mới nhất của BIDV cho biết đến hết tháng 9 năm nay, ngân hàng ghi nhận khoản lãi trước thuế 7.061 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, và mới đạt 56% kế hoạch cả năm.