Gelex sẽ có 2 phương án để hợp nhất Viglacera là mua lên 51% hoặc chi phối HĐQT.
Gelex đang đàm phàn với đối tác Nhật để mua lại và kiểm soát thiết bị điện Đông Anh và mục tiêu hoàn thành vào năm 2021.
Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 sau khi hợp nhất Viglacera sẽ vào khoảng 1.800 tỷ đồng.
Sáng 29/1, Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex; HoSE:
GEX) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2020. 9h05 có 63 cổ đông dự họp (trực tiếp và ủy quyền) đại diện cho 194,3 triệu cổ phần tương ứng 58,64% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
Gelex trình đại hội cổ đông phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ thực hiện quyền là 10:6 (1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua và cứ 10 quyền mua được mua 6 cổ phiếu mới). Như vậy, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành gần 293 triệu cổ phiếu. Giá cháo bán 12.000 đồng/cp, thấp hơn 48% so với mức giá đóng của của
GEX trong phiên 28/12. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý I - II/2021.
Số tiền thu được dự kiến trong đợt chào bán này sẽ là hơn 3.515 tỷ đồng. Công ty dùng 2.300 tỷ đồng cho việc triển khai các dự án, trong đó, 1.800 tỷ đồng cho dự án nhà máy điện gió tại Quảng Trị, gồm các dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2&3 và các dự án Nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 tại huyện Hướng Hóa với tổng công suất 140 MW.
Đồng thời công ty dùng 500 tỷ đồng để triển khai dự án "Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuế" tại số 10 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội. Dự án gồm khách sạn 5 sao với khoảng 285 phòng, tổ hợp văn phòng và trung tâm thương mại. Tổng diện tích đất gần 10.000 m2 với mật độ xây dựng khối đế là 64%, tổng diện tích sàn xây dựng (không kể tầng hầm) là 50.000 m2. Quy mô đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Hiện nay dự án đã thực hiện công tác phá dỡ, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Ngoài ra, Gelex dành 800 tỷ đồng để tái cơ cấu tài chính và bổ sung vốn kinh doanh cho Gelex Electric. Đồng thời, Công ty Dây Đồng Việt Nam (CFT) cần mua 19.800 tấn đồng trong năm 2021, tương ứng hơn 1.233 tỷ đồng. Do đó, công ty sẽ sử dụng hơn 415 tỷ đồng từ đợt chào bán và huy động thêm một phần vốn vay ngân hàng để tài trợ nhu cầu vốn lưu động trong năm 2021.
Một nội dung khác cũng được trình tại đại hội là tăng mức thù lao HĐQT năm 2020 thêm hơn 1,1 tỷ đồng do tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, khối lượng công việc của thành viên HĐQT phát sinh tăng theo kế hoạch mở rộng tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.
Đại hội bước vào phần hỏi đáp
- Hiệu quả của dự án điện gió miền Trung?
Ông Nguyễn Hoa Cương - Chủ tịch HĐQT: Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 5.700 tỷ đồng. Số liệu các dự án ở thời điểm hiện tại chưa đầy đủ. Hết năm 2020, Gelex có khoảng 11 dự án điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất khoảng 500 MW.
Dự án ngay khi đi vào hoạt động sẽ có lợi nhuận. Năm 2021, dữ liệu về khí tượng gió trong khu vực sẽ vào chu kỳ thuận lợi. Dự kiến dự án sẽ mang lại hiệu quả trung và dài hạn cho công ty.
Công ty sẽ vay vốn vay đi theo 2 cách thức huy động vốn là vừa trong nước và nước ngoài. Do đầu ra là USD nên có thể loại bỏ được rủi ro về tỷ giá. Phần vay trong nước đang đàm phán với các ngân hàng với lãi suất từ 9 – 9,5%/năm. Khoản vay nước ngoài từ 4 – 4,5%/năm bằng USD.
- Làm rõ việc đầu tư vào Viglacera và diễn biến giá cổ phiếu GEX biến động trồi sụt?
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng giám đốc: Gelex đầu tư vào Viglacera từ 2 năm trước với tỷ lệ sở hữu 24%. Hiện tại, Gelex sở hữu trên 46% Viglacera với giá mua trung bình dưới 23.500 đồng/cp - được đánh giá là tốt sovới quỹ đất nhiều của Viglacera, ngành vật liệu xây dựng tiềm năng.
Công ty đang tính toán phương án phù hợp để hợp nhất Viglacera bao gồm có thể mua thêm 4,5% hoặc chi phối HĐQT, mục tiêu xây dựng Viglacera tốt hơn. Ban lãnh đạo đang tính phương án tiết kiệm nhất do đây là khoản đầu tư dài hạn phù hợp với chiến lược.
Công ty dự kiến muộn nhất quý II/2021 sẽ hợp nhất với Viglacera và cũng có thể sớm hơn. Sau khi hợp nhất, doanh thu năm 2021 dự kiến là 33.000 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến 1.800 tỷ đồng so với 975 tỷ năm 2020.
Việc giá cổ phiếu biến động, ban lãnh đạo luôn theo dõi.
- Cadivi không được hưởng lợi dù giá đồng tăng?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2020, Cadivi đạt mức tăng trưởng trên 15% trên giá đồng cũ. Mục tiêu ưu tiên của Cadivi hiện tại là tăng thị phần thay vì lợi nhuận do Thịnh Phát đã bán được cho người Thái và đang mở rộng chiếm lĩnh thị trường.
Năm 2020, Gelex đã mua Công ty Dây Đồng Việt Nam (CFT) để Cadivi ổn định nguyên liệu đầu vào, tăng mức độ cạnh tranh. Cadivi chiếm trên 60% thị trường dây cáp điện phía Nam nên giá đầu vào là đồng tăng, công ty không tăng giá sẽ khiến các đối thủ không tăng giá, gặp khó khăn, thậm chí bán lỗ. Năm 2021, công ty sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược tăng thị phần do tại phía Bắc chỉ chiếm 7% và 3 năm tới sẽ nâng lên 10% với mức tăng trưởng trung bình 30 – 50% doanh số. Đơn vị hiện đã tạo các công ty phân phối đồng sau khi mua CFT.
Doanh thu năm 2021 của Cadivi dự kiến tăng 10% so với 2020, lợi nhuận giữ mức đi ngang do phụ thuộc giá đồng.
- Thâu tóm tại Thiết bị điện Đông Anh?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đang đàm phàn với đối tác Nhật để mua lại và kiểm soát thiết bị điện Đông Anh và mục tiêu hoàn thành vào năm 2021. Công ty sẽ không mua phần vốn Nhà nước do giá cao.
- Quy mô dự án Trần Nguyên Hãn?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tầng nổi của dự án có diện tích 45.000 m2, 4 tầng hầm với tổng diện tích 30.000 m2. Khách sạn do Accord quản lý với thương hiệu cao cấp hơn Sofitel.
Tiền đất nếu đóng một lần lên đến 1.000 tỷ đồng nên công ty sẽ tiến hành trả theo hàng năm nhằm mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu là 50%.
Cổ đông thông qua mọi tờ trình của Đại hội.